Cách phòng bệnh trào ngược dạ dày - thực quản

SKĐS - Các bệnh lý đường tiêu hóa, trong đó có trào ngược dạ dày - thực quản đang ngày càng gia tăng do lối sống hiện nay có nhiều căng thẳng, chế độ ăn uống, sinh hoạt, làm việc và nghỉ ngơi không hợp lý,...

15.5879

Các bệnh lý đường tiêu hóa, trong đó có trào ngược dạ dày - thực quản đang ngày càng gia tăng do lối sống hiện nay có nhiều căng thẳng, chế độ ăn uống, sinh hoạt, làm việc và nghỉ ngơi không hợp lý,... Do đó chúng ta cần chủ động thực hiện các biện pháp giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh và chú ý phát hiện sớm các dấu hiệu của bệnh để điều trị kịp thời.

Triệu chứng điển hình

Các triệu chứng cơ bản của trào ngược dạ dày - thực quản bao gồm:

Ợ nóng: Là triệu chứng thường gặp nhất, đó là cảm giác do các thành phần của dịch dạ dày trào ngược lên thực quản. Bệnh nhân thấy nóng rát từ vùng thượng vị, lan ngược lên phía sau xương ức có khi lên tận cổ họng.

Nội soi giúp chẩn đoán bệnh trào ngược dạ dày - thực quản . ảnh: Hải Tiến

Trớ: Là sự ựa ngược dịch đọng trong thực quản, ngay trên phần bị nghẽn tắc. Trớ thường xảy ra do thay đổi tư thế hay một sự gắng sức. Dịch trớ có thể lẫn thức ăn chưa tiêu hóa.

Nuốt khó: Xuất hiện ở 1/3 số bệnh nhân trào ngược, đó là cảm giác thức ăn hay nước uống dừng lại phía sau xương ức ngay sau khi nuốt. Nuốt khó hay nghẹn là triệu chứng cần cảnh giác với ung thư thực quản.

Các biện pháp phòng bệnh

Trào ngược dạ dày - thực quản do bất kỳ nguyên nhân nào thì chế độ ăn uống và thói quen sinh hoạt cũng gây ảnh hưởng đến tình trạng bệnh. Vì vậy để cải thiện và phòng ngừa cần thay đổi lối sống tích cực, tăng cường vận động và có chế độ ăn uống điều độ. Những biện pháp sau nếu tuân thủ tốt có thể làm giảm trào ngược một cách có hiệu quả:

- Không ăn quá no. Không nằm ngay sau khi ăn ở bất cứ thời điểm nào trong ngày. Đứng và ngồi thẳng lưng, giữ tư thế đúng sẽ giúp thức ăn đi xuống dạ dày thay vì ngược lên thực quản. Tránh cúi gập người, tránh vận động hoặc đi nằm ngay sau khi ăn.

- Cần tránh những thức ăn có nhiều dầu mỡ, sô-cô-la, cà phê, những thức ăn làm từ bạc hà hoặc có vị bạc hà, thức ăn có nhiều gia vị, thức ăn chua. Những thức ăn này làm giảm khả năng bảo vệ của lớp niêm mạc thực quản.

- Tránh các thức uống có cồn, nước có gas vì có thể làm tăng khả năng axit ở dạ dày trào ngược lên thực quản.

Hình ảnh trào ngược dạ dày - thực quản.

- Ngừng hút thuốc vì hút thuốc làm yếu cơ vòng thực quản dưới và tăng trào ngược.

- Giảm cân nếu thừa cân, béo phì. Những người thừa cân và béo phì dễ bị trào ngược hơn những người có cân nặng bình thường.

- Tránh làm tăng áp lực khoang bụng như sử dụng mặc quần áo bó sát, thắt lưng, áo ngực quá chặt.

- Vận động thể lực thường xuyên bằng các môn thể dục phù hợp với sức khỏe. Thực hiện nếp sống lành mạnh, tinh thần thoải mái.

Bác sĩ Nguyễn Văn Đức

 

 

 

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]