Mấy năm gần đây, nhắc đến Nguyễn Văn Phúc (SN 1987, thôn Hiệu Chân, Tân Hưng, Sóc Sơn, Hà Nội) hay còn gọi Phúc "bồ câu", người dân xã Tân Hưng đều biết rất rõ. Bởi, chàng trai trẻ này là tấm gương điển hình về mô hình sản xuất kinh doanh thu tiền tỷ trên địa bàn xã.
Câu chuyện của cựu sinh viên ngành CNTT từng du học ở nước ngoài về xây dựng mô hình nuôi chim bồ câu ở chính quê hương mình là một sự thật ít người dám tin. Cách đây mấy năm, Phúc từng làm việc tại một công ty cổ phần thế giới số, đúng theo chuyên ngành mình từng được học. Tuy nhiên, khi Phúc quyết định đột ngột bỏ việc, rẽ ngang sang nghề nuôi chim bồ câu mà gia đình đang xây dựng kinh doanh khiến nhiều người thân, bạn bè ngạc nhiên.
Chân dung nhân vật kiềm tiền tỷ mỗi năm nhờ nuôi chim. Kế thừa mô hình kinh doanh nuôi chim bồ câu của gia đình, Phúc không xây dựng theo cách truyền thống cha mẹ vẫn làm mà chọn lối đi riêng. Anh mạnh dạn vay vốn đầu tư chim giống, chuồng trại, thức ăn và thuốc men, mở rộng quy mô chuồng trại.
Vậy nhưng, hoài bão lúc đầu của Phúc bị thử thách bởi chỉ sau 3 tháng vào nghề, đàn chim bồ câu đột ngột đổ bệnh, chết hàng loạt. Phúc bỗng chốc trắng tay, rơi vào tình cảnh "sống dở chết dở". Lần thất bại này, nếu không có đủ nghị lực thì Phúc đã bị đánh gục bởi sự gièm pha của mọi người và đặc biệt là gia đình bị lung lay, mất niềm tin bởi cách làm của anh.
Giống bồ câu Pháp được nuôi theo phương pháp nuôi nhốt trong trang trại của anh Phúc.Sau lần thất bại đầu tiên, Phúc rút ra được nhiều bài học. Để bổ sung thêm kiến thức non trẻ về nghề nuôi chim bồ câu, anh tự tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm từ cha, từ những người đi trước. Thậm chí, Phúc từng ngược xuôi khắp nơi đi tham quan các mô hình nuôi chim bồ câu thành công trên cả nước để tự rút ra kinh nghiệm cho riêng mình.
Khi đã nắm vững được các kỹ thuật, anh quyết định xây dựng lại từ đầu. Lần này, anh chăm chút đàn chim cẩn thận hơn. Cuối cùng, lứa chim thương phẩm đầu tiên cũng được anh đưa ra thị trường, điều bấy lâu anh mong đợi giờ mới thành hiện thực.
Tổng đàn hiện tại trong trang trại lên đến 3.000 đôi chim câu giống,
bao gồm: Bồ câu Nhật, bồ câu Pháp và bồ câu Mỹ... trong đó bồ câu Mỹ là
loại chim câu có giá thành cao nhất, thường được nuôi để làm cảnh. Thành công bước đầu khiến Phúc có thêm động lực với mô hình mình đang theo đuổi. Từ một chuồng trại nhỏ, quy mô nuôi nhỏ hẹp, anh quyết định mở rộng hình thức kinh doanh hơn. Cho đến thời điểm này, tổng đàn chim bồ câu anh đang nuôi lên đến hơn 3.000 đôi bồ câu giống và hơn 200 đôi cu gáy.
Mỗi tháng, Phúc cũng lãi gần 150 triệu đồng từ việc nuôi chim bồ câu. Mỗi tháng, doanh thu đem lại cho anh hơn 250 triệu đồng, trừ chi phí cũng lãi được gần 150 triệu. Theo kế hoạch, trong năm nay, Phúc sẽ mở rộng diện tích chuồng trại và tăng đàn lên 5.000 đôi bồ câu giống.
Chia sẻ về bí quyết thành công của mình, Phúc cho hay, điều quan trọng nhất đến thời điểm này để anh có được thành công là do khả năng tự học hỏi, đúc rút kinh nghiệm trong quá trình xây dựng mô hình chuồng trại kinh doanh.
Theo Phúc, đa số khi chọn cho mình một lối đi riêng, gọi đơn giản là "phá cách" trong ngành học để bước sang lĩnh vực mới, các bạn trẻ cần phải mạnh dạn "dám nghĩ dám làm".
"Hiện tại tôi thấy rất nhiều các bạn học Đại học – Cao đẳng xong không xin được việc, hoặc học xong đi làm công nhân để có tiền trang trải cuộc sống, đi làm tạm bợ công việc gì đấy để nuôi bản thân thì điều đó là vô cũng lãng phí thời gian và chất xám"- anh nói.