Kết quả gây bất ngờ này được tổ chức phi lợi nhuận có tên gọi Hệ thống cân bằng năng lượng toàn cầu (GEBN) thực hiện. Họ cho rằng, cân nặng của một người được duy trì khi lượng calo hấp thụ thông qua ăn, uống tương đương với lượng calo bị đốt cháy thông qua các hoạt động thể chất; và việc giảm cân hay tăng cân là do sự mất thăng bằng năng lượng theo hướng này hay hướng kia.

Đồng quan điểm đó, trung tâm Y tế Mayo (Mỹ) cũng ủng hộ quan điểm cho rằng, xét về việc giảm cân, chế độ dinh dưỡng quan trọng hơn thể dục thể thao. Đối với một người muốn giảm cân, chỉ cần cắt chế độ calo hàng ngày đi, duy trì ổn định việc cắt giảm đó sẽ đạt kết quả thấy rõ trong một thời gian ngắn.

Dẫu vậy, các chuyên gia đều nhất trí rằng, thể dục, thể thao nên là một phần của chương trình giảm cân. Khi mọi người rèn luyện thể chất, họ tạo ra nhiều cơ hơn, giúp tăng cường sự trao đổi chất. Các chuyên gia nhận định, sự tăng trao đổi chất này sẽ giúp mọi người duy trì số cân đã giảm được thông qua giảm calo hấp thụ.

Theo ông Cohen, chế độ tập luyện thể dục, thể thao thường không dẫn đến việc giảm cân nhiều. Lí do vì, việc rèn luyện sức khỏe làm tăng sự ngon miệng, có thể khiến mọi người ăn nhiều hơn. Tập luyện cũng khiến cơ thể sản sinh ra nhiều cơ hơn, vốn nặng hơn mô mỡ.

Ngoài ra, việc cắt giảm calo khỏi chế độ ăn thường dễ dàng hơn so với việc tập luyện tới mức đốt cháy đủ calo để giảm cân. Chẳng hạn như, nhìn chung, một người cần cắt giảm 500 calo/ngày từ chế độ dinh dưỡng của mình để giảm 0,45kg trong một tuần.

Hà Anh