Chế độ dinh dưỡng tốt nhất giúp phòng tránh ung thư

SKĐS - Một chế độ ăn gồm đa dạng các loại rau xanh và hoa quả cùng cá và hải sản có vỏ giúp "bỏ đói" tế bào ung thư.

0

Bạn có biết rằng việc bạn ăn gì và ăn với hàm lượng bao nhiêu có thể ảnh hưởng tới nguy cơ phát triển một số bệnh ung thư hay không? Theo Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ, 1/3 tổng số các ca tử vong liên quan tới ung thư ở Hoa Kỳ có gắn với chế độ ăn và cân nặng, cũng như tình trạng lười vận động.

Trong khuyến cáo phòng ngừa ung thư của Quỹ Nghiên cứu ung thư thế giới (World Cancer Research Fund - WCRF) và Viện nghiên cứu ung thư Hoa Kỳ (American Institute for Cancer Research – AICR), kết quả nghiên cứu của nhiều nhà khoa học quốc tế đã cho thấy mối liên hệ giữa nguy cơ ung thư với thực phẩm, dinh dưỡng và hoạt động thể chất. Sau đây là một vài hướng dẫn về chế độ ăn uống căn bản để phòng ngừa ung thư, dựa theo các nghiên cứu về ung thư.

Nên ăn rau hoa quảngũ cốc nguyên hạt để phòng ngừa ung thư

Thực vật chứa các vi chất (như vitamin hay khoáng chất) chẳng hạn như flavonoid hay carotenoid. Nghiên cứu cho thấy rằng những vi chất này là các chất chống oxy hóa rất mạnh. Chúng giúp chống lại phản ứng phá hủy (oxy hóa) từ các quá trình sinh học có thể hủy hoại hay tiêu diệt tế bào. Vi chất thực vật giúp giảm viêm nhiễm, tiền đề gắn với quá trình tiến triển thành ung thư. Một số vi chất thậm chí có thể làm ngưng hay tiêu diệt tế bào ung thư.

Giống như các tế bào khỏe mạnh, tế bào khối u cần dinh dưỡng mà chúng nhận được thông qua một hệ thống các mao mạch máu nhỏ xíu. Các khối u có thể thực sự bắt đầu phát triển các mạch máu mới thông qua một quá trình gọi là angiogenesis (sự hình thành mạch). Một số hợp chất có trong thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật có thể ngăn chặn quá trình angiogenesis này.

Thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật, sản phẩm đậu tương và ngũ cốc nguyên hạt có thể giảm nguy cơ ung thư.

“Một chế độ ăn chống angiogenesis bao gồm các thức ăn và đồ uống chứa các chất có nguồn gốc từ tự nhiên đã chứng tỏ ngăn ngừa các mạch máu độc hại nuôi dưỡng tế bào ung thư”, bác sĩ William Li, Chủ tịch và Giám đốc Y khoa của Quỹ Angiogenesis cho biết. “Một chế độ ăn như vậy bao gồm đa dạng các loại hoa quả và rau xanh khác nhau, các gia vị và đồ uống như nước ép trái cây, trà, cà phê và rượu vang, và các loại protein có chứa các chất tự nhiên giúp “bỏ đói” tế bào ung thư (chẳng hạn như cá, hải sản có như sò hến tôm cua,…, một số các sản phẩm sữa,…)”.

Ngoài tỏi, hoa quả thuộc họ dâu, cà chua, rau họ cải như súp lơ và bông cải xanh, và rau lá xanh, một số thực phẩm phòng chống ung thư có sức mạnh tương đương khác mà bạn có thể muốn cho vào chế độ ăn của bạn bao gồm: hành đỏ, táo, đu đủ, quả lựu, quế, bí ngô, rau mầm cải. Một số chất quan trọng của rau quả nằm ở vỏ, vì vậy không nên vứt bỏ vỏ rau củ mà nên ăn rau củ cả vỏ nếu có thể.

Ăn thật nhiều chất xơ

Ngũ cốc nguyên hạt, các loại đậu đỗ, các loại hạt, rau xanh và hoa quả cung cấp nhiều chất xơ, giúp đẩy thức ăn nhanh chóng qua đường ruột và giúp ngăn chặn carcinogen và estrogen, mà hàm lượng cao của của hai chất này có gắn với tăng nguy cơ ung thư vú.

Ăn các sản phẩm đậu tương thực sự

Theo một phân tích về chế độ ăn với ung thư trên tập san ung thư Journal of Oncology năm 2012, đậu tương ngược lại không gắn với nguy cơ ung thư. Theo bà Amanda Bontempo, nhà dinh dưỡng về ung thư tại Trung tâm Ung thư Perlmutter, thuộc Trung tâm Y khoa Langone, New York, thực phẩm đậu tương thực sự như đậu phụ và pho mát đậu phụ rất hữu ích. Tuy nhiên, cẩn thận với các chế phẩm tinh chế từ đậu tương, như tofurky (một loại giả thịt làm từ bột mỳ và đậu tương hay thực phẩm chức năng làm từ đậu nành).

Theo bà Botempo, hiệu quả bảo vệ của đậu nành bắt đầu từ trước tuổi dậy thì và tiếp tục cho đến lớn.

Hạn chế rượu, thịt, và sữa

Nghiên cứu cho thấy mối liên kết giữa một số chế phẩm sữa với nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt. Trong khi đó, rượu có gắn với nguy cơ gia tăng ung thư gan, ung thư vú, và ung thư đường ruột. Thịt đỏ và thịt chế biến sẵn giàu chất béo bão hòa, gắn với với gia tăng nguy cơ một số loại ung thư. Bà Bontempo cũng chỉ ra mối liên kết giữa thịt đỏ và thịt chế biến sẵn với ung thư ruột.

“Chúng ta thường có xu hướng ăn quá nhiều những thực phẩm này dẫn đến viêm nhiễm mãn tính, lâu dài, một mẫu số chung của rất nhiều bệnh tật trong đó có ung thư.”, bà Bontempo khuyến cáo. “ Vì vậy, nên hạn chế ăn thịt”.

Tuy nhiên, bác sĩ Li cho biết các chất chống angiogenic có thể có trong một vài loài thịt và sữa. Chẳng hạn như, menaquinone (vitamin K2) là một chất chống angiogenic, và nó là một chế phẩm của vi khuẩn dưới dạng pho mát cứng. Nó cũng tích tụ trong phần thịt gà sẫm màu (đùi gà).

Không chỉ là ăn gì, mà còn là ăn bao nhiêu

Béo phì là một nhân tố nguy cơ đối với một số loại ung thư. Theo Hiệp hội Ung thư Quốc gia Hoa Kỳ, béo phì gắn với nguy cơ cao hơn với một số loại ung thư như ung thư vú, ung thư ruột và ruột kết, ung thư dạ con, ung thư thực quản và ung thư tuyến tụy.

“Hãy giảm khẩu phần ăn nếu bạn thừa cân”, bác sĩ Li khuyên. “Hãy chỉ ăn một phần ba những gì mà sự ngon miệng khiến bạn muốn ăn. Nếu bạn ăn chậm, bạn sẽ giảm được khẩu phần ăn. Hạn chế calorie sẽ bỏ đói ung thư và kéo dài tuổi thọ.

LiLy (theo Everyday Health)

 

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]