Chữa bệnh ở nước ngoài (5): "Bụt chùa nhà không thiêng" (!?)

GiadinhNet - Chính bản thân GS. Phạm Gia Khải - một GS đầu ngành về tim mạch của Việt Nam - năm 2006, lại mắc căn bệnh này. Là người có nhiều mối quan hệ với các chuyên gia tim mạch hàng đầu của thế giới nhưng bản thân GS Khải lại chọn các học trò trong nước thực hiện điều trị bệnh cho ông

15.6056
>
>
>
>
Vừa là một chuyên gia y tế vừa là bệnh nhân, ông đã chia sẻ cùng bạn đọc Báo GĐ&XH về những kinh nghiệm của mình...

Người Việt Nam đã tiêu hàng tỷ đôla cho y tế ngoài nước!

GS Phạm Gia Khải.

Thưa GS, sau khi điều trị bệnh trong nước, hiện nay sức khỏe của ông thế nào?

 - Khi tôi bị bệnh, tuy đã có nhiều bạn đồng nghiệp nước ngoài có nhã ý mời tôi sang chữa bệnh nhưng tôi đã từ chối. Sở dĩ như vậy vì, bản thân tôi là người phát triển ngành tim mạch can thiệp ở Việt Nam, tôi hiểu biết khá rõ về các học trò của mình, về khả năng và tính nết của họ nên tôi quyết định điều trị ở Viện Tim mạch Việt Nam. Tháng 1/2006 tôi được nong động mạch vành và đặt stent phủ thuốc, do các BS tại Viện Tim mạch Việt Nam thực hiện. Cho tới nay tôi vẫn cảm thấy khoẻ, tất nhiên với điều kiện dùng thuốc liên tục, theo dõi sức khoẻ đều đặn.

Nhưng không phải ai cũng biết và tin tưởng vào đội ngũ bác sĩ trong nước như vậy. Và mọi người chọn con đường ra nước ngoài chữa bệnh?

- Về điều trị tim mạch Nội Ngoại khoa, nhiều BS Việt Nam tại các bệnh viện có tên tuổi như Bạch Mai, Việt Đức, Tâm Đức, Viện Tim TP Hồ chí Minh, Chợ Rẫy... đã được nhiều nước trên thế giới biết tới về khả năng của mình. Một số nước đã cử người sang học kỹ thuật của chúng ta tại Việt Nam.

Tuy nhiên, do y học và nhu cầu khám chữa bệnh phát triển không ngừng, cho nên chúng ta không thể nói là có thể giải quyết được tất cả các bệnh. Tốt hơn hết là người bệnh hoặc người thân nên hỏi các chuyên gia, các bác sĩ phụ trách xem ở đâu có điều kiện phương tiện và người làm được tốt hơn trong nước, trong hoàn cảnh hiện nay. Ví dụ, nếu phẫu thuật phức tạp, dùng robot, gây mê hồi sức có nhiều kinh nghiệm, chắc chắn thầy thuốc chuyên khoa của chúng ta biết ở nơi nào làm tốt hơn. Tuy nhiên, nước nào cũng chỉ có một số điểm mạnh. Theo tôi, về điều trị tim mạch can thiệp, Việt Nam là một địa chỉ đáng quan tâm.

Tôi có nhiều dịp hội chẩn tại BV Việt – Pháp (Hà Nội), thấy chế độ phục vụ rõ ràng, theo sát yêu cầu của bệnh nhân, khiến bệnh nhân cảm thấy thoải mái, yên tâm. Y tá làm nhiệm vụ của mình khá thành thạo, theo vai trò của một “điều dưỡng viên”, chứ không theo kiểu cũ. Tôi được biết hàng năm người Việt Nam tiêu hàng tỷ USD cho các dịch vụ y tế ngoài nước, mà tuyệt đại đa số có thể làm được trong nước với giá thấp hơn nhiều.
 

Một ca phẫu thuật tại BV Tim mạch Việt Nam (Ảnh: KT).

Phải đoạn tuyệt với tư tưởng ban ơn!

Phần lớn, bệnh nhân ra nước ngoài chữa bệnh không phải do tâm lý lo lắng về tay nghề bác sĩ trong nước mà do cơ sở vật chất, thái độ phục vụ không thể đáp ứng nhu cầu của người bệnh. GS có cho rằng như vậy không?

- Theo tôi, chúng ta hiện còn một số nhược điểm cần được khắc phục. Đó là cơ sở bệnh viện không chuẩn về xây dựng, hậu cần không đều, thầy thuốc luôn luôn phải lo lắng về nhiều vấn đề mà những người làm công tác quản lý phải giải quyết, đặc biệt là giường bệnh quá thiếu. Các quy trình về chuyên môn phải được cập nhật, chuẩn hoá, tạo ra niềm tin cho người bệnh. Tất cả các khâu trong công tác bệnh viện phải đúng qui cách, từ lời ăn tiếng nói của nhân viên tới cách giải quyết về hành chính.

Để được như vậy, chúng ta nên xã hội hóa y tế một cách nghiêm túc, để người dân thực sự thấy công tác y tế là dịch vụ sức khỏe mang tính nhân đạo. Nếu trong chiến tranh giải phóng dân tộc, có sự đóng góp của toàn dân, thì trong công tác bảo vệ sức khỏe tại sao không tổ chức để cho người dân làm việc này cùng nhà nước?

Đặc biệt, chúng ta phải đổi mới cách nghĩ của chúng ta về tổ chức y tế, đoạn tuyệt hẳn với tư tưởng ban ơn. Là một người đã sống hơn nửa thế kỷ trong môi trường bệnh viện, tôi vừa khâm phục vừa thương cảm cho người bệnh và gia đình họ đã phải chịu đựng những gì mà chúng ta đã thấy.

Nếu có những lời khuyên, ông có thể khuyên những bệnh nhân ra nước ngoài chữa bệnh điều gì?

- Ra nước ngoài chữa bệnh là hiện tượng phổ biến của những người có điều kiện. Ở Thái Lan, có một bệnh viện chữa cho nhiều bệnh nhân Âu Mỹ, dùng tế bào gốc chữa suy tim, đặc biệt là do bệnh động mạch vành, và ngay tại Singapore, nhiều người dân nước này lại sang Anh, Mỹ, chữa bệnh.

Theo tôi, nếu ra nước ngoài, thì đó là quyền của người bệnh, nếu người đó có đủ điều kiện về tài chính. Bệnh nhân nên hỏi thẳng việc này tại các cơ sở chữa bệnh trong nước, cho khỏi bị thất vọng... tôi biết có những trường hợp ra nước ngoài mà bệnh không thuyên giảm, có trường hợp bị tai biến phải điều trị tiếp. Chỉ khác bên ta là đương sự không kiện, một phần vì cách tổ chức làm việc của họ quy củ, chặt chẽ, khó có kẽ hở cho việc qui kết trách nhiệm để kiện cáo! Một phần nữa là chúng ta có tâm lý “Bụt chùa nhà không thiêng”, cho nên không ít người nghĩ nếu ở nước ngoài đã không chữa được thì không còn hi vọng gì nữa, số phận đã an bài rồi!

- Xin cảm ơn GS!
 
>
>
>
>

Hoài Nam (thực hiện)

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]