Tiến sĩ-Bác sĩ Trần Văn Thiệp, Trưởng khoa Ngoại III, BV Ung bướu TP.HCM, cho biết đa số phụ nữ khi chẩn đoán bị ung thư vú thường rơi vào trạng thái lo âu, thậm chí tuyệt vọng vì sợ phải cắt bỏ vú, mất vẻ đẹp nữ tính. Tuy nhiên, sự thật căn bệnh này không đáng sợ đến vậy.

Khi phụ nữ trẻ bị ung thư vú

Chị NTH mới 35 tuổi, xinh đẹp và đang làm việc ở Bình Dương. Một hôm, chị phát hiện trên ngực có một khối u nhỏ thấy “kỳ kỳ”, bèn đến BV Từ Dũ (TP.HCM) để khám. Cầm trên tay kết quả xét nghiệm bị ung thư vú giai đoạn hai, chị H. không tin rằng chị có thể mắc căn bệnh này. Khi nghe bác sĩ nói phải nhập viện để điều trị, chị quyết liệt từ chối. Trong đầu chị hình dung ra cảnh sau khi phẫu thuật, ngực của chị sẽ phẳng lì giống như các quý ông. Điều đó thật khủng khiếp với nhan sắc “gái một con” như chị. Đã vậy, chị còn sợ việc điều trị bằng hóa chất sẽ làm chị bị rụng tóc, nám da…

Từ đó, chị H. lẩn tránh và không nghe bất kỳ sự tư vấn nào từ các bác sĩ. Chị chuyển sang chữa bằng Đông y và đắp các loại lá cây với hy vọng điều trị khỏi bệnh mà không phải giải phẫu. Tuy nhiên, sau hai tháng điều trị mà không có kết quả, được chồng và gia đình khuyên bảo, chị đến BV Ung bướu để điều trị. Lúc này, căn bệnh ung thư vú đã vào giai đoạn cuối nên các bác sĩ không thể can thiệp được nữa. Bốn tháng sau, chị H. mất…

Bác sĩ Thiệp kể một trường hợp khác, cô gái 28 tuổi, sắp lập gia đình nhưng bị chẩn đoán ung thư vú. Ban đầu cô quyết liệt từ chối mọi tư vấn của bác sĩ. Chỉ đến khi bác sĩ cho biết “có phương pháp phẫu thuật mới điều trị ung thư vú mà vẫn bảo tồn được bộ ngực chứ không dùng phương pháp cổ điển là đoạn nhũ tận gốc” thì tâm trạng cô gái dịu xuống. Ca phẫu thuật được thực hiện sau đó và bệnh của cô được chữa khỏi. “Ngày đám cưới, cô vui vẻ gửi thiệp mời cả êkíp bác sĩ thực hiện ca phẫu thuật trên đến chung vui” - bác sĩ Thiệp nhớ lại.

Ngực trước và sau khi phẫu thuật bằng phương pháp đoạn nhũ tiết kiệm da và tái tạo vú tức thì. (Ảnh do BV Ung bướu cung cấp)

Biểu đồ đặc điểm về khoảng tuổi của bệnh nhân bị ung thư vú. (Ảnh do BV Ung bướu cung cấp)

Đồng nghiệp bác sĩ Thiệp vẫn còn nhớ như in vẻ mặt vui mừng của một cô giáo trẻ (30 tuổi) sau ca phẫu thuật kéo dài 6 tiếng đồng hồ. Vừa tỉnh dậy, cô đã đưa tay sờ lên ngực và cười tươi rói khi thấy cặp “núi đôi” của mình vẫn còn nguyên vẹn. Trước đó, cô cũng đã từng rơi vào trạng thái trầm cảm, u uất vì nghĩ mình sẽ không còn chút tự tin nào khi mặc áo dài đứng lớp và giao tiếp với mọi người. Đặc biệt, cô còn lo sợ người chồng sẽ lạnh lùng với mình khi thấy ngực vợ tự dưng phẳng lì…

“Núi đôi” vẫn quyến rũ

Với phương pháp phẫu thuật đoạn nhũ tiết kiệm da và tái tạo vú tức thì, bác sĩ Trần Văn Thiệp cho biết: Ưu điểm của phương pháp này trong điều trị bệnh ung thư vú ở giai đoạn đầu là vẫn giữ được vẻ đẹp thẩm mỹ của bộ ngực. Các bác sĩ chỉ bóc tách và cắt bỏ phần tuyến vú có chứa khối u. Sau phẫu thuật, trên ngực chỉ để lại một vết sẹo nhỏ chỗ quầng vú.

Đối với các bệnh nhân buộc phải đoạn nhũ tận gốc thì vẫn có thể tái tạo vú bằng cách dùng mô của chính bệnh nhân (cơ lưng rộng, cơ thẳng bụng...) hoặc dùng vật liệu độn (silicon chứa nước biển hoặc gel) để giữ hình dáng của bộ ngực. “Phương pháp này tương tự như các bà nội trợ làm món khổ qua dồn thịt vậy. Phải lấy phần ruột (không ăn được) bên trong rồi mới dồn thịt vô” - bác sĩ Thiệp ví von.

PGS-TS Nguyễn Hoài Nam, Tổng Thư ký Hội Phẫu thuật lồng ngực và tim mạch TP.HCM, cho rằng: Bệnh nhân ung thư nói chung và bệnh nhân ung thư vú nói riêng thường trải qua bốn giai đoạn tâm lý: sửng sốt-nghi ngờ, hy vọng, chấp nhận và chờ đợi. Với những phụ nữ trẻ, sau khi phẫu thuật ngực có thể xảy ra các rối loạn tâm lý về tình dục, tình trạng này phải vài năm mới khắc phục được. Chính vì vậy, khi tư vấn về phẫu thuật, các thầy thuốc thường khuyên bệnh nhân phẫu thuật sớm lúc khối u còn nhỏ.

Qua khảo sát 110 bệnh nhân bị ung thư vú được điều trị bằng phương pháp “đoạn nhũ tiết kiệm da và tái tạo vú tức thì” tại BV Ung bướu TP.HCM từ năm 2003 đến 2006 cho thấy: Bệnh nhân bị ung thư vú nhiều nhất ở độ tuổi từ 31 đến 50 (80%); kết quả thẩm mỹ đạt xuất sắc và tốt sau phẫu thuật là 80%; tỉ lệ tái phát tại chỗ là 3,6%; tỉ lệ di căn là 9%. Sau khi phẫu thuật, có đến 90% bệnh nhân hài lòng về ngực của mình; số bệnh nhân sống trên bốn năm là 92%.

_____________________________________________________

. Phụ nữ nên thường xuyên quan sát các dấu hiệu bất thường để tầm soát ung thư vú?

+ Đúng. Phụ nữ nên đi khám để phát hiện sớm bệnh ung thư vú khi có một trong các dấu hiệu sau: Có sự thay đổi hình dáng của vú; có một cục hoặc một chỗ dày lên ở trong vú hay ở trong nách; có chất dịch tiết ra ở núm vú hoặc núm vú bị thụt vào; da vú, quầng vú, núm vú đỏ, sưng, ngứa.

. Phụ nữ không sinh con, không cho con bú là những người dễ bị ung thư vú nhất?

+ Sai. Ngoài trường hợp trên còn có rất nhiều đối tượng dễ mắc bệnh này. Ví dụ phụ nữ ngoài 40 tuổi, béo phì; người có thân nhân (mẹ hoặc chị em gái) bị ung thư vú trước tuổi 35; người có con đầu lòng trễ (sau 30 tuổi); phụ nữ có kinh nguyệt sớm (trước 12 tuổi) và mãn kinh trễ (sau 55 tuổi); phụ nữ hút thuốc lá và uống rượu…

. Giai đoạn phẫu thuật ngực hoặc điều trị bằng hóa chất dẫn đến rụng tóc là lúc khó khăn nhất của bệnh nhân ung thư?

+ Sai. Khó nhất là lúc mới phát hiện bệnh. Lúc đó, bệnh nhân rất sửng sốt, bất ngờ, có người còn rơi vào tình trạng trầm cảm, u uất, cáu gắt. Rồi họ chuyển sang nghi ngờ bác sĩ và đi khám nhiều nơi với hy vọng không bị ung thư. Giai đoạn này càng kéo dài thì bệnh sẽ càng nặng, thậm chí mất mạng.

TS-Bác sĩ TRẦN VĂN THIỆP,
Trưởng khoa Ngoại III, BV Ung bướu TP.HCM

HUYỀN VI


Video đang được xem nhiều