Chuẩn bị hành trang 'vượt cạn'

Không phải bệnh viện nào cũng cung cấp đồ dùng đầy đủ cho mẹ và bé. Vì vậy, gia đình sản phụ cần chuẩn bị sẵn hành trang cho buổi lâm bồn. Ngoài ra, sự sẵn sàng về tâm lý cũng rất cần thiết.

0

Bác sĩ Trần Ngọc Hải, Phó khoa Sinh Bệnh viện Từ Dũ, cho rằng chuẩn bị về tinh thần cho thai phụ là yếu tố rất cần thiết. Nên trấn an tinh thần cho thai phụ, nhất là bà mẹ trẻ, bởi tâm lý chị em rất lo sợ khi chuẩn bị mang thai, chuẩn bị vượt cạn. Không nên nói chuyện đau đớn trong sinh đẻ với họ, vì sẽ làm gia tăng sự lo lắng, ảnh hưởng đến cuộc sinh.

Đồ đạc cũng là yếu tố cần chuẩn bị sẵn. Chị Phan Thị Phương Trinh, nữ hộ sinh trưởng của khoa Sinh, Bệnh viện Từ Dũ, cho biết: Bệnh viện có cung cấp sẵn những vật dụng, từ khăn lông, áo quần cho bé trai, bé gái, đến các vật dụng cần thiết cho bà mẹ... và cả điện thoại để thai phụ trong lúc nằm chờ sinh có thể liên lạc với người thân. Tuy nhiên, chỉ những bệnh viện chuyên khoa sản lớn ở các thành phố lớn mới có điều kiện làm như vậy. Trong phần lớn trường hợp, người nhà cần tự chuẩn bị, tránh xảy ra tình trạng mà nhiều ông bố đã gặp, đó là muốn "rớt" cả đôi chân vì phải chạy tới, chạy lui mua đủ thứ khi vợ vào bệnh viện.

Theo hướng dẫn của phòng khám Tiền sản Bệnh viện Phụ sản Hùng Vương TP HCM, những thứ cần chuẩn bị cho bà mẹ lúc đi sinh là: Áo dài tay, tất, nịt bụng, khăn nhỏ loại mềm để vệ sinh đầu vú trước khi cho bé bú, bông gòn nhét tai (tránh bị ù tai sau sinh), ống hút sữa. Còn một thứ quan trọng nữa mà nhiều chị em không để ý, đó là loại áo ngực để cho bé bú nơi đông người. Nó có một chỗ bật ra, vừa đủ cho bé bú rất kín đáo, giúp bà mẹ trẻ không ngại ngùng nơi đông người.

Vật dụng chuẩn bị cho em bé gồm: Khăn choàng có mũ trên đầu, tấm đắp, tấm lót chống thấm, một số áo quần, tã, que gòn vô trùng để làm vệ sinh cho trẻ mỗi khi tắm xong, gạc vô trùng, băng rốn vô trùng, bao tay, bao chân (nên dùng loại chất liệu mềm, thoáng). Áo cho bé nên dùng loại khuy bấm hoặc cột dây để mặc vào nhanh hơn khi tắm bé xong; không dùng áo cài khuy dễ làm cấn da non của trẻ. Nên chọn loại áo chui đầu, cài một bên. Nếu có ô chụp, nên dùng loại có khóa an toàn để tránh nguy hiểm cho bé...

Bà mẹ cũng cần chuẩn bị kiến thức để biết các dấu hiệu chuẩn bị sinh: Đau bụng, gò tử cung, cơn gò đều đặn (khoảng 5 phút gò một lần, hay 10 phút 3 lần), liên tục trong vòng 1 giờ, ra dịch ối, thai đạp ít đi... Không nên lo lắng mà vào viện sớm quá, để rồi nằm chờ lâu vẫn chưa sinh, đâm ra sốt ruột. Quan niệm của các bác sĩ là: Không để sản phụ thấy mặt trời mọc 2 lần ở phòng sinh mà chỉ nằm chờ trong vòng 24 giờ trở lại.

(Theo Thanh Niên)

Gửi câu hỏi tư vấn tại đây hoặc về [email protected]
 
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]