Chứng khó nuốt - Khó chữa?

SKĐS - Chứng khó nuốt là một dấu hiệu bệnh lý của hầu họng hoặc thực quản. Chứng khó nuốt có thể xảy ra ở bất cứ người nào nhưng thường gặp nhất ở người lớn tuổi

31.203

Chứng khó nuốt là một dấu hiệu bệnh lý của hầu họng hoặc thực quản. Chứng khó nuốt có thể xảy ra ở bất cứ người nào nhưng thường gặp nhất ở người lớn tuổi, những trẻ sinh non, những người tổn thương não hoặc hệ thần kinh.

Nhiều rối loạn gây ra chứng khó nuốt

Bình thường, các cơ ở hầu, thực quản co thắt để tống thức ăn và dịch từ miệng xuống dạ dày. Có hai loại rối loạn có thể làm thức ăn hoặc dịch khó đi xuống dạ dày:

Một là các cơ và thần kinh giúp đẩy thức ăn qua hầu và thực quản không làm việc tốt, tình trạng này xảy ra trong các trường hợp: Bệnh nhân bị đột quỵ hoặc tổn thương não hay tủy sống; Chứng co thắt thực quản, đa xơ hóa, chứng loạn dưỡng cơ, bệnh Parkinson; Bị viêm sưng hầu họng, thực quản, thanh quản, viêm đa cơ; Co thắt thực quản: các cơ thực quản đột ngột co thắt lại; Xơ cứng bì: làm cho các mô của thực quản trở nên cứng và hẹp lại, hoặc làm cho cơ ở đoạn thấp thực quản bị yếu đi, gây ra tình trạng thức ăn và acid dạ dày trào ngược lên hầu và miệng.

Ung thư thực quản - một nguyên nhân gây khó nuốt.

Hai là bị nghẹt ở hầu hoặc thực quản, xảy ra trong các rối loạn: Bệnh trào ngược dạ dày thực quản, dịch acid dạ dày đi ngược lên thực quản, có thể gây loét ở thực quản, gây ra các u sùi, làm cho thực quản bị hẹp hơn làm khó nuốt; Viêm thực quản: do trào ngược, bị nhiễm khuẩn, dị vật thực quản, do phản ứng dị ứng với thức ăn; Lưới thực quản: thường xuất hiện khi có một mảnh mô nhỏ nhô ra từ thành của thực quản; Túi thừa: do sự xuất hiện các túi nhỏ ở thành thực quản hoặc thành hầu, chúng xuất hiện từ bẩm sinh, hoặc phát triển dần theo thời gian; Các u thực quản: phát triển trong thực quản có thể là ung thư hoặc là u lành tính; Dị vật thực quản: thức ăn hoặc vật lạ kẹt lại trong hầu họng hoặc thực quản; Các khối u bên ngoài thực quản, như là hạch bạch huyết, u, ép vào thực quản. Tuy nhiên, cũng có nhiều trường hợp không tìm được nguyên nhân gây ra chứng khó nuốt. Ở người cao tuổi, chứng khó nuốt là do sự lão hóa thực quản.

Biểu hiện khó nuốt

Khó nuốt thường biểu hiện ở các mức độ khác nhau: Tự nhiên xuất hiện khó nuốt rồi biến mất, khó nuốt nhẹ hay nặng, hoặc ngày càng nặng hơn. Khi bị chứng khó nuốt, bệnh nhân thường thấy các triệu chứng như sau: Khó khăn khi nuốt thức ăn hoặc nước uống trong lần nuốt đầu tiên của bữa ăn; Nôn ọe, mắc nghẹn hoặc ho khi nuốt; Thức ăn bị trào ngược lên hầu, miệng hoặc mũi sau khi vừa nuốt vào; Bệnh nhân cảm thấy thức ăn hoặc dịch mắc nghẹt lại ở một phần nào đó của thực quản; Bị đau khi nuốt thức ăn; Bị đau hay cảm thấy nặng ngực hoặc bị chứng ợ nóng; Sụt cân do không cung cấp đủ dinh dưỡng.

Chăm sóc và chữa trị

Điều trị chủ yếu là giải quyết các nguyên nhân gây khó nuốt. Việc điều trị bao gồm hướng dẫn bệnh nhân thực hiện các bài tập cho cơ nuốt. Nếu bệnh nhân bị các tổn thương não, các dây thần kinh, cơ, thì cần phải tập luyện để các cơ hoạt động phối hợp nhịp nhàng giúp cho phản xạ nuốt diễn ra thuận lợi. Trong chế độ ăn cũng cần thay đổi các loại thức ăn cho phù hợp với tình trạng bệnh tật để bệnh nhân dễ nuốt thức ăn. Chẳng hạn thay thức ăn đặc bằng thức ăn lỏng để có thể nuốt được dễ dàng hơn. Dùng phương pháp nong giãn thực quản bằng một thiết bị được đặt vào thực quản để mở rộng bất kỳ chỗ hẹp nào của thực quản. Nội soi để lấy các dị vật kẹt trong thực quản của bệnh nhân. Phẫu thuật để loại bỏ khối u hoặc túi thừa, xử lý dây thần kinh gây ra chứng co thắt thực quản. Dùng các loại thuốc chống ợ nóng, chống viêm thực quản, thuốc giúp ngăn chặn acid từ dạ dày trào ngược lên thực quản. Sử dụng kháng sinh để điều trị các trường hợp nhiễm khuẩn ở thực quản. Dùng biện pháp nuôi dưỡng qua ống thông xuống dạ dày đối với bệnh nhân bị khó nuốt nghiêm trọng để đảm bảo dinh dưỡng cho bệnh nhân.

Trào ngược dạ dày thực quản gây khó nuốt.

Phòng bệnh có khó không?

Khó nuốt do nhiều nguyên nhân gây ra, trong đó có những nguyên nhân có thể phòng tránh được bằng các biện pháp đơn giản và hiệu quả như: Phát hiện sớm và điều trị triệt để các bệnh viêm hầu họng, thực quản, thanh quản, viêm đa cơ, xơ cứng bì, các rối loạn ở dạ dày.

Phòng tránh dị vật thực quản: Tránh cho trẻ em chơi hay ngậm các đồ chơi nhỏ như viên bi, hạt nhựa, cục tẩy... Người dùng răng giả phải thận trọng khi ăn uống hay nói chuyện, đề phòng răng giả lọt xuống họng, thực quản. Khám bệnh định kỳ để phát hiện sớm các trường hợp khối u bên ngoài thực quản như hạch bạch huyết, khối u ung thư trung thất ép vào thực quản. Ở người cao tuổi, chứng khó nuốt thường do sự lão hóa thực quản gây ra nên cần phải thực hiện ăn chậm, nhai kỹ, ăn thức ăn lỏng cho dễ nuốt.

ThS. Nguyễn Xuân Lãm

 

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]