Có 2 nguyên nhân chính dẫn đến chuột rút. Nguyên nhân thứ nhất là thiếu ôxy
đến cơ do tập luyện thể thao với cường độ cao, đứng lâu trên nền cứng. Nguyên nhân thứ hai là thiếu
nước và các chất điện giải như canxi, kali... Do đó, những nhóm người hay bị chuột rút là vận động
viên thể thao, thanh niên, phụ nữ mang thai. Ngoài ra còn có những nguyên nhân khác như do thuốc,
do bệnh lý…
Một số thuốc cũng có thể gây chuột rút như: thuốc ngừa thai, lợi tiểu, thuốc
hạ mỡ máu nhóm statin và clofirate, thuốc chống trầm cảm, hạ huyết áp nifedipine, thuốc chống viêm
dạ dày như cimetidine, thuốc giãn phế quản…
Nếu hay bị chuột rút khi ngủ, bệnh nhân có thể làm
những cách sau: thực hiện động tác như đạp xe đạp trước khi đi ngủ hay đặt một chiếc gối nhỏ dưới
bắp chân và bàn chân. Tư thế ngủ này giúp tăng cường lưu thông mạch máu về đêm và do đó giúp hạn
chế bị chuột rút.
Người bị chuột rút có thể áp dụng những cách sau:
+ Nếu bị ở bắp chân thì kéo chân ra, đồng thời ấn mạnh phần cuối của bắp chân
trên một mặt phẳng cứng.
+ Nếu bị ở đùi, nhờ người khác dùng một tay đỡ gót chân để làm cho đầu gối của
mình căng thẳng, còn một tay ấn đầu gối xuống dưới.
+ Nếu bị ở bàn chân thì cầm đầu bàn chân kéo nhẹ rồi đứng dậy và đứng thẳng
người một lúc nhưng không cho gót chạm đất. Sau đó xoa bóp vùng bị chuột rút.
+ Nếu thỉnh thoảng bạn mới bị chuột rút, điều này không có gì đáng lo lắng.
Tuy nhiên, nếu tần số bị chuột rút tăng lên hoặc bị chuột rút gây đau đớn, bạn cần đi khám bác sĩ.
Những xét nghiệm sẽ cho biết liệu đó có phải là dấu hiệu của một số căn bệnh mãn tính như đau khớp,
suy tĩnh mạch, bệnh lý tuyến cận giáp hay rối loạn thần kinh thực vật hay không.
AloBacsi.vn
Theo Sài Gòn Giải Phóng