Có thể nuôi bộ phận cơ thể người trên lợn?

Các bộ phận của con người có thể được phát triển trên cơ thể lợn bằng cách sử dụng tế bào gốc nhằm phục vụ cho việc cấy ghép.

15.6018

Các chuyên gia cho biết, kỹ thuật này cho phép lợn phát triển những bộ phận cơ thể của con người từ tế bào gốc của các bệnh nhân để sử dụng trong việc cấy ghép.

Kỹ thuật này sẽ giúp giải quyết tình trạng bệnh nhân phải chờ đợi rất lâu mới có thể tiến hành phẫu thuật cấy ghép do thiếu người hiến tặng bộ phận cơ thể.

Trước đó, các nhà khoa học Nhật Bản cho biết có thể tạo ra những loài động vật lai có bộ phận cơ thể thuộc về loài khác bằng cách tiêm tế bào gốc vào phôi của chúng.

Các nhà nghiên cứu đã tiêm tế bào gốc của loài gặm nhấm tai dài vào phôi của chuột – những động vật đã được biến đổi gien để không thể phát triển những bộ phận của riêng chúng. Mục đích là tạo ra những con chuột có các bộ phận của loài gặm nhấm tai dài.

Các nhà nghiên cứu đang cố gắng sản xuất ra những con lợn có thể tạo ra máu người bằng cách
tiêm tế bào máu gốc của người vào phôi lợn

Theo Giáo sư Hiromitsu Nakauchi – giám đốc trung tâm sinh học tế bào gốc và y học tái sinh tại ĐH Tokyo, Nhật Bản, cũng là người đứng đầu nghiên cứu này: “Mục tiêu cuối cùng của chúng tôi là tạo ra những bộ phận cơ thể người từ tế bào gốc đa năng”.

“Kỹ thuật được gọi là sự bổ sung túi phôi này cung cấp một phương pháp mới để tạo nguồn cung các bộ phận cơ thể. Chúng tôi đã thành công trong việc thử nghiệm kỹ thuật này giữa chuột và loài gặm nhấm tai dài. Hiện tại chúng tôi khá tự tin trong việc tạo ra các bộ phận cơ thể người bằng cách sử dụng phương pháp này”.

Nếu được nhân rộng bằng cách sử dụng tế bào gốc của người, kỹ thuật này có thể cung cấp một phương pháp điều trị bệnh tiểu đường bằng cách thay thế tuyến tụy của bệnh nhân. Dự án này đã tạo tiếng vang qua cuốn sách bán chạy và bộ phim Never Let Me Go, trong đó dòng vô tính được sử dụng để cung cấp bộ phận hiến tặng cho những người giàu có.

Trong thực tế, các nhà nghiên cứu không được phép tạo phôi người thiếu khả năng phát triển các cơ quan, vì thế họ hi vọng có thể tiến hành ở lợn. Giáo sư Nakauchi cho biết họ cũng đang cố gắng sản xuất những con lợn có khả năng tạo ra máu người bằng cách tiêm tế bào máu gốc của người vào phôi lợn.

Giáo sư Chris Mason - chủ tịch bộ phận y học tái sinh của University College London - cho hay: “Chữa được bệnh tiểu đường là một thách thức. Điều đó không có gì phải nghi ngờ, song đây có thể là một phương pháp tiềm năng và nó đòi hỏi phải có nguồn tài nguyên bền vững và nguồn tài chính lớn cho quá trình thử nghiệm và phát triển”.

“Với những phương pháp không cần phải tiến hành cấp bách như cấy ghép thận, chúng ta có thể lấy tế bào từ bệnh nhân, phát triển chúng theo cách này và tạo ra một quả thận phù hợp với họ”.

“Phải mất một thời gian dài nữa phương pháp này mới có thể được áp dụng, song đó là một hướng đi khả thi”.

Theo Ngô Nguyễn - Khoa học và Đời sống (Telegraph)

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]