Coi chừng nắng nóng

Vụ một trường hợp tử vong do nắng nóng tại Hà Nội ngày 6-6 làm không ít người lo lắng. Tại TPHCM, Bệnh viện Chợ Rẫy cũng tiếp nhận hồi sức cấp cứu cho một vài ca tương tự.

15.5822
Điều đáng nói, do người thân thiếu hiểu biết về sơ cấp cứu do nắng nóng nên khi đưa đến bệnh viện thì đã quá muộn. Đó là trường hợp anh Tr.V.Th., 22 tuổi, đá banh dưới nắng bị mệt, nằm nghỉ dưới một bóng cây. Khi mọi người phát hiện thì Th. đã lơ mơ, người nóng ran, vã mồ hôi nên vội đưa Th. đi cấp cứu. Tại Bệnh viện Chợ Rẫy, Th. được hồi sức cấp cứu tích cực nhưng huyết áp tụt dần và mất sau khi nhập viện chỉ 12 giờ. Một trường hợp khác là anh H.Q.N., 19 tuổi, tham gia chạy việt dã do cơ quan tổ chức. Khi gần về đến đích thì ngã quỵ. N. không được xử trí gì tại chỗ, sau đó được chuyển đến Bệnh viện Chợ Rẫy trong tình trạng mê sâu, sốt cao, gồng người liên tục và phải bóp bóng giúp thở. Sau 6 ngày hồi sức cấp cứu tích cực, N. vẫn mê sâu, sốt cao 40 độ C, tiêu phân lỏng nhiều lần, huyết áp tụt dần rồi tử vong. Theo BS Tôn Thất Quỳnh Ái, Trưởng Khoa Cấp cứu Bệnh viện Chợ Rẫy, trong cả hai trường hợp trên, bệnh nhân bị đột quỵ nhiệt sau gắng sức nhưng không được phát hiện và xử lý sớm tại hiện trường gây tổn thương và suy đa cơ quan. Vì vậy, khi có trường hợp nghi ngờ bị đột quỵ nhiệt, phải làm mát cho bệnh nhân ngay vì mức độ hồi phục của bệnh nhân tùy thuộc vào hiệu quả của việc hạ thân nhiệt sớm; nếu chậm trễ, hồi sức tích cực cũng vô hiệu. Điều quan trọng là tại hiện trường nên tận dụng bất cứ phương tiện nào có sẵn để làm mát cho bệnh nhân, đưa bệnh nhân vào chỗ mát, cởi bớt quần áo, lau mát và quạt mát liên tục, nếu bệnh nhân còn uống được nên cho uống nước rồi đưa đến cơ sở y tế gần nhất.

Mùa hè ở nước ta có những ngày rất nóng bức, để đề phòng những trường hợp này, BS Ái khuyên nên hạn chế làm việc gắng sức ngoài trời trong điều kiện thời tiết oi bức.

Loan Phương
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]