Bệnh tay-chân-miệng thường xảy ra vào các tháng 3, 4, 5 và cao điểm là tháng 10, 11, 12 hằng năm. Hiện chỉ mới vào mùa dịch bệnh tay-chân-miệng nhưng đã có ba trường hợp chết. Ca tử vong mới nhất là vào ngày 20-3, do người nhà đưa trẻ đi nhập viện trễ khiến việc điều trị gặp nhiều khó khăn, dẫn đến suy tim, phù phổi, …

Phụ huynh mù mờ bệnh tay-chân-miệng

Ngày 31-3, tại khoa Nhiễm BV Nhi đồng 1 có 40 trẻ nằm điều trị bệnh tay-chân-miệng nội trú. Trong khi đó, tại BV Nhi đồng 2 cũng có 35 em điều trị nội trú.

Bệnh nhi HNMT (tám tháng tuổi, Long An) đang nằm phòng cấp cứu, khoa Nhiễm, BV Nhi đồng 1 trong tình trạng co giật, sốt cao liên tục. Gia đình bệnh nhi cho biết trước đó em sốt hai ngày và được đưa vào BV tuyến huyện điều trị. Thấy con ngày một sốt cao nhưng bác sĩ không nói gì nên gia đình “vác” con chạy đến BV Nhi đồng 1. Ngay khi nhập viện, bé được đưa thẳng vào phòng cấp cứu chăm sóc đến ngày hôm nay. Chúng tôi hỏi gia đình có biết bệnh tay-chân-miệng không. Bà ngoại bé lắc đầu: “Tui có biết gì đâu, lên đây bác sĩ nói mới biết nó nguy hiểm”.

Tương tự, bé TMP (18 tháng tuổi, Sóc Trăng) phải nằm thở máy liên tục gần tuần qua. Gia đình em cho biết em sốt ba ngày nên đưa vào BV địa phương. Thấy điều trị không khỏi, gia đình xin chuyển viện. Đến BV Nhi đồng 1, bé đã lâm vào tình trạng sốc, ngưng thở phải thở máy. Người nhà bệnh nhi nói chỉ biết về bệnh này sơ sơ.

Bệnh nhi TMP (18 tháng tuổi, Sóc Trăng) bị biến chứng bệnh tay-chân-miệng. Hiện sức khỏe bệnh nhi đã tạm ổn định. Ảnh: DUY TÍNH

Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm BV Nhi đồng 1, tỉ lệ biến chứng nặng chủ yếu ở trẻ từ các tỉnh chuyển về (70%) còn ở thành phố, đến ngày thứ hai các bé đã được theo dõi, chăm sóc nên tỉ lệ thấp hơn (50%). Tuy nhiên, bác sĩ Khanh nhận định, khi bước vào đầu mùa dịch, phụ huynh thường chủ quan nên vô tình bệnh lây lan và nhân viên y tế không chú ý nên bỏ qua ca bệnh, không theo dõi kỹ.

Biến chứng bệnh tay-chân-miệng dễ gây chết

Tại sao TP.HCM bệnh nhân được phát hiện sớm nhưng vẫn biến chứng chết?

Bác sĩ Nguyễn Đắc Thọ, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP, cho biết ba trường hợp chết vừa qua tại TP là do trẻ bị bệnh nặng, diễn biến bất thường và không được theo dõi kịp thời ở nhà, khi nhập viện đã biến chứng thần kinh, viêm cơ tim và chết. Ngoài ra, có trường hợp chết do trẻ còn mắc các bệnh cơ hội khác.

Bác sĩ Thọ cho hay ba tháng đầu năm 2011, TP có 570 ca bệnh tay-chân-miệng (cùng kỳ năm 2010 là gần 760 ca). Mặc dù số ca bệnh giảm nhưng trường hợp bệnh nặng lại nhiều hơn. Qua điều tra dịch học cho thấy Enterovirus 71 (EV 71) chiếm ưu thế hơn các loại virus khác, nó gây biến chứng nhiều, từ đó gây chết.

Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, các biến chứng do EV 71 gây ra thường gặp ở trẻ dưới hai tuổi như: viêm màng não, liệt mềm cấp, viêm cơ tim, phù phổi cấp do thần kinh, … Các biến chứng này có thể xuất hiện riêng lẻ hoặc phối hợp với nhau và thường gây chết cao và diễn tiến rất nhanh (có thể trong 24 giờ).

Cũng theo bác sĩ Khanh, hiện nay bệnh tay-chân-miệng vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và cũng chưa có vắcxin để phòng bệnh. Cách chủ yếu là điều trị để hạ sốt, giảm đau do các vết loét gây nên và điều trị các biến chứng. Vì vậy người chăm sóc trẻ đóng vai trò quan trọng trong việc phòng tránh bệnh này. Người lớn phải thường xuyên rửa tay bằng xà phòng trước và sau khi nấu ăn, trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh, sau mỗi lần thay tã, làm vệ sinh cho trẻ. Đối với những nơi có trẻ bị bệnh này cần rửa sạch các dụng cụ, vật dụng, đồ chơi, sàn nhà bằng nước và xà phòng để tránh lây nhiễm sang các trẻ khác.

Ổ bệnh tay-chân-miệng xuất hiện tại trường mầm non

Trong những ngày qua, các ổ bệnh tay-chân-miệng đã lần lượt xuất hiện tại một số trường mầm non ở quận 8, quận Tân Bình.

Bà Nguyễn Thị Kim Tuyết, Hiệu trưởng Trường Mầm non Tân Sơn Nhất, Tân Bình cho biết: “Sau khi phát hiện ba trẻ có biểu hiện sốt chúng tôi đã cho các cháu nghỉ học và thông báo cho phụ huynh các cháu biết để kịp thời đưa đi khám. Tiếp đó chúng tôi đã thông báo với cơ quan y tế địa phương để xuống phun thuốc khử trùng. Ngoài ra, nhà trường cũng đã huy động giáo viên vệ sinh toàn bộ đồ chơi và các vật dụng của trẻ bằng dung dịch cloramin, sau đó phơi ngoài nắng và thực hiện tổng vệ sinh toàn trường. Hiện tại không phát hiện trẻ nào có những biểu hiện của bệnh tay-chân-miệng. Gia đình các cháu bị bệnh cũng đã thông báo sức khỏe các bé đã khỏe mạnh nhưng nhà trường vẫn cho các cháu nghỉ thêm vài ngày sau đó mới đi học trở lại”.

Bệnh tay-chân-miệng là gì?

Bệnh tay-chân-miệng do siêu vi trùng, chủ yếu do Enterovirus 71 và Coxackie A16 và gây ra, thường mắc ở trẻ dưới năm tuổi. Bệnh rất dễ lây lan qua đường tiêu hóa, do thức ăn, uống hay bàn tay, đồ chơi, vật dụng hằng ngày có siêu vi trùng bám vào.

Ban đầu, bệnh thường xuất hiện với triệu chứng nổi bóng nước kích thước 2-10 mm, màu xám, hình bầu dục. Bóng nước xuất hiện ở vùng mông, gối, lòng bàn tay, chân và thường ấn không đau. Ngoài ra, bóng nước còn xuất hiện trong miệng, khi vỡ ra tạo những vết loét gây đau và trẻ sẽ bỏ ăn. Khi trẻ khó ngủ, quấy khóc liên tục, giật mình lúc thức hay lúc bắt đầu thiu thiu ngủ, hoảng hốt, nói nhảm, chới với, run chi, co giật, sốt cao, nôn ói nhiều… là những triệu chứng nguy hiểm gợi ý trẻ đã vào biến chứng, sốc cần đưa trẻ đi cấp cứu sớm (tốt nhất là trước 6 giờ đồng hồ) để được cấp cứu kịp thời.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm BV Nhi đồng 1

DUY TÍNH - HUYỀN VI


Video đang được xem nhiều