Đâu biết bệnh tay chân miệng là gì mà sợ !

Rất nhiều người dân khi được hỏi đã cho biết: “Sống cả đời rồi, có thấy bóng dáng cán bộ y tế đến tư vấn, phát tờ rơi hướng dẫn phòng bệnh tay chân miệng gì đâu...”

15.6051

Trong lúc dịch bệnh tay chân miệng vây bủa thì những thể hiện bất cập trong hệ thống y tế dự phòng cho thấy là rất đáng lo ngại.

Bình Dương: “Tỉ lệ mắc cao là do... hên xui!”

Bình Dương hiện là tỉnh đứng đầu về tỉ lệ mắc bệnh tay chân miệng trong số 20 tỉnh - thành phía Nam. Ngày 16-8, chúng tôi tiếp xúc một số hộ dân có con nhỏ và điểm nuôi giữ trẻ ở khu phố Bình Đáng, phường Bình Hòa, thị xã Thuận An để ghi nhận sự hiểu biết của họ về dịch bệnh này.

Chị Nguyễn Thị Thắng, một phụ nữ đang nuôi con nhỏ, nói: “Tôi không biết bệnh tay chân miệng nó ra sao. Nghe đồn ở dơ thì bị, chưa nghe cán bộ y tế nào tuyên truyền về bệnh này”. Khảo sát khoảng 10 gia đình khác cũng đang nuôi con nhỏ ở khu phố này đều thấy đa phần chưa được cán bộ y tế địa phương trang bị kiến thức cơ bản để phòng chống bệnh tay chân miệng.

Trẻ mắc bệnh tay chân miệng đang điều trị tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 - TPHCM. Ảnh: NGUYỄN THẠNH
Hỏi chủ một cơ sở mầm non tư thục được cấp phép hoạt động ở khu phố Bình Đáng thì được biết kiến thức phòng chống bệnh tay chân miệng mà bảo mẫu của trường tiếp thu được là nhờ các lớp tập huấn do cấp thị xã và cấp tỉnh tổ chức chứ công tác tuyên truyền tại phường rất yếu. Mới đây, các bảo mẫu Trường Mầm non Hòa Bình ở khu phố này do thiếu kiến thức phòng bệnh lại không được nhân viên y tế phường tư vấn cặn kẽ nên đã trộn Cloramin B (hóa chất vệ sinh nhà, phòng chống bệnh tay chân miệng được phường cấp miễn phí) vào cháo cho trẻ ăn. Hậu quả, 27 trẻ phải đi cấp cứu, súc ruột.
Bác sĩ Lữ Văn Việt, Giám đốc Trung tâm Y tế thị xã Thuận An, cho biết hiện công tác tuyên truyền phòng chống bệnh tay chân miệng ở thị xã chủ yếu là việc tập huấn cho các thầy cô giáo, cung cấp tờ rơi thông tin cho người dân.
Khi được hỏi vì sao tuyên truyền nhưng nhiều người dân vẫn chưa biết gì về  bệnh tay chân miệng, tỉ lệ mắc bệnh quá cao, bác sĩ Việt nói: “Tỉ lệ mắc bệnh cao là do... hên xui. Còn vì sao tuyên truyền mà hiệu quả không cao thì khó trả lời lắm. Thị xã Thuận An đã làm tất cả theo kế hoạch chung của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh”.

TPHCM: Chủ yếu tự lo bằng... kinh nghiệm

Ghi nhận tại phường 22, quận Bình Thạnh,  cho thấy cũng có rất nhiều người dân mơ hồ về việc phòng chống dịch bệnh tay chân miệng. Bà Nguyễn Thị Nhạn, chủ một khu nhà trọ, cho biết tại đây có hơn chục trẻ từ 1-5 tuổi, hễ một đứa mắc bệnh là cả xóm “dính chùm” và chủ yếu tự lo cho con bằng kinh nghiệm của người mẹ chứ không biết gì về phòng bệnh tay chân miệng cả.

Tại phường An Lạc, quận Bình Tân, chị Nguyễn Thị Ngọc Tuyết đang nhận nuôi dạy 6 trẻ, cho hay chưa nghe nói dịch bệnh tay chân miệng là thế nào cả. Y tế phường cũng chưa thông báo về tình hình dịch bệnh, cách phòng chống hay phát thuốc gì cho nhà chị.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, không riêng gì các nơi trên mà  tại một số phường ở các quận, huyện khác như Bình Chánh, Bình Tân, Tân Bình, Gò Vấp… hầu hết người dân cũng chưa có ý thức phòng bệnh với nhiều lý do bận bịu công việc, chưa được thông báo hoặc khi con nhỏ bị bệnh mới đưa đi bệnh viện. Hầu hết người dân khi được hỏi đều lắc đầu: “Sống cả đời rồi có thấy bóng dáng cán bộ y tế đến tư vấn, phát tờ rơi hướng dẫn phòng bệnh gì đâu !”.

Cà Mau, Bạc Liêu:  Dân không sợ dịch

Qua ghi nhận thực tế của chúng tôi ở huyện Thới Bình, một trong 2 địa phương tập trung nhiều nhất số trường hợp mắc bệnh tay chân miệng ở tỉnh Cà Mau, đa số người dân nắm được rất ít thông tin và chưa ý thức được hết sự nguy hiểm về dịch bệnh này.

Bà Danh Thị Hoa (ở ấp Tràm Thẻ, xã Tân Phú) cho biết: “Thỉnh thoảng xem truyền hình có nghe nói về bệnh này nhưng chúng tôi không nhớ rõ lắm và cũng không lo lắng nhiều. Con nít bệnh thì cho uống thuốc, không hết thì đưa đi bệnh viện”.

Tình trạng người dân thiếu kiến thức và thờ ơ với dịch tay chân miệng cũng phổ biến ở một số vùng nông thôn thuộc tỉnh Bạc Liêu. Phần lớn người dân cho biết họ chưa từng được cán bộ y tế đến hướng dẫn cách phòng tránh và phát hiện dấu hiệu của bệnh này. Ông Nguyễn Hữu Tâm (ngụ ấp Thạnh Trị, xã Long Điền, huyện Đông Hải) cho biết: “Chúng tôi có nghe nói về bệnh này nhưng không biết nó nguy hiểm thế nào và làm sao để nhận biết con chúng tôi có bị mắc  hay không”.  

Bác sĩ Nguyễn Thanh Dân, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Cà Mau, nhìn nhận: “Tuy ngành y tế tỉnh đã thực hiện nhiều biện pháp tuyên truyền, hướng dẫn phòng chống dịch bệnh nhưng nhìn chung công tác phòng bệnh của các tuyến y tế cơ sở chưa sâu sát, chưa lặp đi lặp lại khiến nhiều người dân ở vùng sâu, vùng xa còn mơ hồ hoặc mau quên nên không sớm phát hiện bệnh để xử lý. Ngoài ra, do điều kiện năng lực của y tế địa phương còn nhiều hạn chế cộng với cơ sở vật chất, thiết bị hoạt động còn yếu kém nên công tác phòng chống dịch đạt hiệu quả không cao”.

Nhiều lần kiểm tra của Sở Y tế TPHCM về công tác phòng chống dịch bệnh tay chân miệng tại các quận - huyện trên địa bàn TP cho thấy phần lớn thực hiện chưa đúng mức, lơ là, bất cập. Cụ thể: không thực hiện hoặc thực hiện chưa đúng quy trình; nhiều hộ dân có trẻ dưới 5 tuổi chưa được tuyên truyền, hướng dẫn phòng bệnh; chưa giám sát việc sát khuẩn tại các hộ dân. Ngoài ra, địa phương chưa huy động được các ban, ngành, đoàn thể cùng tham gia phòng chống dịch bệnh…

EU giúp bệnh nhân tay chân miệng 60.000 euro

Ngày 16-8, Liên minh châu Âu (EU ) tại Hà Nội cho biết thông qua Ủy ban châu Âu và Tổng vụ Cứu trợ Nhân đạo - Bảo vệ Dân sự (ECHO), EU đã quyết định viện trợ 60.000 euro giúp đỡ những nạn nhân của bệnh tay chân miệng hiện đang lây lan ở Việt Nam.
Gói cứu trợ trên được chuyển tới Hội Chữ thập đỏ Việt nam để trợ giúp hơn 113.000 người với những hoạt động truyền thông nhằm kiểm soát, phòng trừ bệnh, tập trung vào công tác vệ sinh.
Các bậc phụ huynh và những người chăm sóc trẻ dưới 5 tuổi, giáo viên và học sinh tiểu học sẽ là đối tượng của chương trình cứu trợ. Chương trình sẽ được triển khai vào tháng 8 và kéo dài đến tháng 11.

Các hoạt động sẽ được thực hiện tại 75 xã, phường ở TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương, Quảng Ngãi và Thanh Hóa.

B.Diệp

Thạnh-Phú-Nhân
Bình luận
Đăng nhập để ý kiến của bạn xuất bản nhanh hơn
 
 
Hoặc nhập thông tin của bạn

Mới nhất Hay nhất
Xem thêm
Media
  • Lịch phát sóng
Văn nghệ
Giáo dục
Công đoàn
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]