Dấu hiệu con bạn nghiện smartphone và cách đối phó

Bứt rứt khó chịu khi không được dùng, nói dối, học hành sa sút… là một số biểu hiện cho thấy con bạn đang nghiện smartphone.

15.5944
7 dấu hiệu con bạn nghiện smartphone

Bứt rứt khó chịu khi không được dùng: Hội chứng cai từ nghiện ma túy hay nghiện rượu gây ra đau đầu và chóng mặt, nghiện các thiết bị điện tử cũng có triệu chứng tương tự. Nếu con bạn cảm thấy bứt rứt, bồn chồn hay buồn chán khi bị lấy đi smartphone, bé có thể đã bị tác động tiêu cực từ thiết bị này.

Ngày càng thèm dùng nhiều hơn: Cũng như người nghiện ma túy ngày càng cần dùng liều lớn hơn để đạt được cùng một mức độ "phê", những người sử dụng smartphone cũng có thể tăng ngưỡng dùng.

Nếu việc chơi 20 phút trò chém hoa quả hay lướt ván không còn đủ làm trẻ vui sướng nữa, thì đó có thể là dấu hiệu của việc nghiện thiết bị điện tử di động.


(Ảnh minh họa)

Mất hứng thú với các hoạt động khác: Nếu những đứa trẻ trước đây yêu thích chơi đá bóng hay bày trò cùng anh chị em hoặc trèo cây, nay lại mất hứng thú với tất cả các hoạt động này vì một trò chơi nào đó trên smartphone thì đó có thể là dấu hiệu một vấn đề.

Khó kiểm soát: Người nghiện thường không có khả năng kiểm soát việc sử dụng "chất gây nghiện". Và mặc dù trẻ 4 tuổi chưa có khả năng tự kiềm chế, nhưng con bạn vẫn sẽ có vấn đề nếu bố mẹ phải rất vất vả mới có thể lấy điện thoại khỏi tay bé.

Nói dối: Một cảnh báo khác cho chứng nghiện smartphone là trẻ nói dối về việc sử dụng điện thoại hay máy tính bảng, lén lút sử dụng các thiết bị này trong phòng ngủ hay ở nơi kín đáo khác hoặc lừa dối các thành viên gia đình để có được nhiều thời gian hơn trước màn hình.

Khó ứng phó với cảm xúc tiêu cực: Những đứa trẻ sử dụng smartphone để tránh đối mặt với cảm xúc buồn, căng thẳng... có thể có vấn đề. Chẳng hạn, nếu con bạn luôn vớ lấy điện thoại sau khi cãi nhau với anh, chị em mình hay bố mẹ, nó có thể coi việc sử dụng thiết bị này là cách để đối phó với cảm xúc tiêu cực của mình.

Học hành sa sút, mất bạn bè: Chỉ vì quá mải mê với trò chơi, chúng có thể mất đi bạn bè hay bị điểm kém.

7 cách bố mẹ có thể "cai" nghiện thiết bị điện tử cho con

Giới hạn thời gian trẻ ở một mình: Với những chiếc máy tính để bàn, một trong những cách tốt nhất để ngăn việc sử dụng quá mức là đặt nó ở nơi sinh hoạt chung, Ofir Turel, một nhà nghiên cứu ở Đại học bang California, Fullerton, Mỹ, nói.

"Nếu bố mẹ biết con chơi bao nhiêu thời gian và nhìn thấy những gì trẻ làm trên máy tính, trẻ sẽ không tự tiện thích gì làm nấy trên mạng", Turel nói.

Nếu con bạn chơi bằng thiết bị của bố mẹ, việc ngăn trẻ mang đồ này về phòng riêng có thể là cách tốt để hạn chế việc chúng chơi game, vào mạng.

Bạn cần hết sức cân nhắc việc con mình đã thực sự cần có máy tính, điện thoại chưa và hãy nhớ là, hầu hết trẻ đều chưa cần tới thiết bị này.


(Ảnh minh họa)

Cài đặt mật khẩu bảo vệ: Mật khẩu nên cài đặt cho bất cứ trò gì trên điện thoại cần mua bằng thẻ tín dụng. Bạn cũng đừng cho trẻ biết mật khẩu hay cài đặt mật khẩu mà trẻ dễ đoán ra. Cần đảm bảo rằng trẻ chỉ có thể chơi trên điện thoại của bạn khi được bố mẹ cho phép và nên cắt quyền truy cập các trang phải tính thêm phí.

Báo trước thời điểm ngừng chơi: Khi trẻ chơi một trò chơi, cách tốt nhất là cảnh báo cho chúng trước khi đến thời gian không được chơi nữa. Tránh việc ngay lập tức tước bỏ thiết bị điện tử khỏi tay trẻ mà không hề báo trước gì. Hãy nói với con: "Con được chơi 10 phút nữa nhé" và nhắc nhở để trẻ nhớ.

Bạn là chủ: Bố mẹ vẫn là người chịu trách nhiệm, và nếu việc chơi này trở thành một vấn đề, rõ ràng là cần hạn chế việc trẻ truy cập vào smartphone và các thiết bị di dộng khác. "Bạn là chủ các thiết bị này, bạn chỉ cần lấy lại nó là xong", nhà tâm lý Steiner-Adair nhấn mạnh.

Lấp đầy thời gian của trẻ: Tước đi thiết bị di động với những trò chơi trẻ yêu thích mà không mang đến cho con bất cứ hoạt động nào thay thế thì sẽ chẳng có hiệu quả về lâu dài. Vì vậy, sau khi giới hạn việc chơi game của con, hãy đảm bảo lấp đầy khoảng thời gian trống đó bằng các hoạt động khác. Hãy đăng ký cho con tham gia lớp tập đá bóng, hay đạp xe, đi bơi... mỗi tuần ba lần.

Làm gương: Trẻ luôn học theo cha mẹ. Nếu bố mẹ lúc nào cũng dính mắt vào màn hình điện thoại, trẻ cũng sẽ coi việc không ngừng chơi game là hành vi có thể chấp nhận được. Vì vậy, bố mẹ nên đặt điện thoại hay máy tính bảng xuống khi vào bữa ăn hay lúc chơi với con.

Chữa bệnh lười của bố mẹ trước: Bố mẹ cũng nên nghiêm khắc nhìn nhận về sự phụ thuộc của mình vào các thiết bị di động. Nhiều phụ huynh đưa smartphone cho con để có thời gian rảnh rỗi, không bị trẻ quấn lấy chân hay để con ăn ngoan, làm theo lời bố mẹ nói. Điều đó sẽ không vấn đề gì với mức độ vừa phải nhưng trẻ thực sự cần học cách cư xử đúng mực mà không cần có các thứ này.

Anh Tuấn (Tổng hợp)

Nguồn: Người đưa tin

Xem thêm video:

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]