Dấu hiệu trầm cảm ở người già là gì?

0

Chào bác sĩ,

Cháu có một câu hỏi rất mong các bác sĩ giải đáp giúp cháu ạ:

Ba cháu năm nay 70 tuổi rồi. Khoảng 1 năm nay cháu thấy ba cháu có các biểu hiện của bệnh trầm cảm như:

– Ngại giao tiếp với người khác, trở nên ít nói bất thường, lười vận động.

– Bi quan lo lắng về tương lai cho bản thân và gia đình, sợ điều xấu xảy ra cho bản thân và gia đình.

– Nghĩ rằng mình không xứng đáng với bản thân và xung quanh. Cho rằng mình phạm nhiều khuyết điểm, tội lỗi, không muốn tiếp xúc với ai.

– Hay bỏ ăn (Trước đây ba cháu là người rất hoạt bát, hay tham gia các công tác xã hội). Gia đình cháu rất muốn đưa ba cháu đi khám bệnh nhưng nói thế nào ba cháu cũng không chịu đi, cứ nói là không mắc bệnh gì.

Có lần nhà cháu định cho ba cháu uống thuốc ngủ để đưa đi viện nhưng lại sợ lúc dậy ba cháu lại nghĩ nhiều hơn và lo ảnh hưởng đến sức khỏe nên lại thôi. Giờ gia đình cháu đang rất lo lắng. Rất mong bác sĩ cho cháu lời khuyên. Mong sớm nhận được hồi âm của bác sĩ.

Cháu xin cảm ơn bác sĩ. – (Cháu Yến – trinh…@gmail.com)

BS-CK2 Phạm Quỳnh Diệp:

Chào em,

Theo những thông tin em cung cấp qua thư, quả thật ba em có các triệu chứng của một rối loạn trầm cảm như cảm xúc bi quan, thu rút, lo âu; mặc cảm tội lỗi; tự đánh giá thấp bản thân; chậm chạp về tâm thần vận động; ăn uống kém.

Tuy nhiên, ở người cao tuổi như ba em, độ tuổi dễ có nhiều bệnh mạn tính phải dùng thuốc thường xuyên. Để chẩn đoán xác định rối loạn trầm cảm thì cần phải phân biệt với các biểu hiện trầm cảm do sử dụng 1 số thuốc (như kháng sinh, kháng viêm, kháng ung thư, thuốc tim mạch, hạ áp, thuốc ngủ, nội tiết tố hay nhóm thuốc tâm thần kinh…) hoặc do một số bệnh tật gây ra (như tim mạch, tai biến mạch máu não, tiểu đường, nhược giáp, hội chứng Cushing, Parkinson,…).

Ngoài ra, cũng ở người lớn tuổi, các biểu hiện của trầm cảm rất dễ nhầm lẫn với các triệu chứng ban đầu của tình trạng sa sút tâm thần, bệnh Alzheimer. Hơn nữa, việc chẩn đoán một bệnh, ngoài việc thu thập những triệu chứng, cũng cần được thông qua quá trình thăm khám, hỏi han trực tiếp bệnh nhân để đánh giá được toàn diện và chính xác hơn (nên việc cho ba uống thuốc ngủ rồi đưa đi khám là không thích hợp).

Do vậy, tốt nhất vẫn là em nên cố gắng thuyết phục ba đi khám bệnh với bác sĩ chuyên khoa tâm thần để được chẩn đoán chính xác và điều trị thích hợp. Ở tuổi của ba, nên thuyết phục ông đi khám theo hướng kiểm tra sức khỏe, điều chỉnh các bất ổn về cơ thể như ăn uống, tiêu hóa kém, ngủ kém, đau nhức về xương khớp… thì có lẽ dễ được ông chấp nhận hơn.

Chúc ba em sớm hồi phục.

BACSI.com (Theo Alobacsi)

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]