Sau một tháng đến với thiền, Đãng từ không đi được đã có thể tự đi lại. 

Bán cả gia tài để chữa bệnh cho con 

Câu chuyện của Đinh Văn Đãng được các anh chị ở Câu lạc bộ thiền dưỡng sinh trường sinh học huyện Cẩm Khê, Phú Thọ chia sẻ và coi đó như một tấm gương mẫu mực về nghị lực của quá trình tự đẩy lùi bệnh tật. Không những vậy, khi đặt chân về thôn Vô Ngại, cuộc đời của Đãng còn được rất nhiều bà con ở đây kể lại như một câu chuyện cổ tích thời hiện đại.

Khẽ mỉm cười khi nghe chúng tôi nói về Đãng, ông Đinh Văn Quang (54 tuổi, cha của anh) cho hay: “Mọi người vẫn thường nói quá lên về chuyện của Đãng. Quả là thiền đã mang lại những điều kỳ diệu cho em nó thật, nhưng nó cũng chưa thể nói trước được điều gì, vì hiện nay mặc dù sức khỏe của Đãng đã khá hơn, bệnh tình cũng đã thuyên giảm, nhưng chưa phải là đã khỏi bệnh hoàn toàn. Đặc biệt, mọi người lại ví như chuyện cổ tích của ngày nay thì tôi e nó hơi quá. Nhưng cũng phải khẳng định rằng, nhờ có dưỡng sinh trường sinh học mà con trai tôi mới kéo dài được sự sống và sức khỏe đã được cải thiện như hiện nay”.

Trước đây, ông Quang từng tham gia chiến trường Tây Nguyên. Giải ngũ trở về, ông sinh đứa con trai đầu lòng là Đãng. Lúc mới sinh, con trai ông cũng bình thường như bao đứa trẻ khác. Lên 5 tuổi, cơ thể Đãng bắt đầu có những thay đổi, cậu hay bị sốt, ăn uống không hấp thụ dẫn đến cơ thể bị suy dinh dưỡng nặng. Năm 1988, trên đầu Đãng bắt đầu xuất hiện những cái u lạ. U ngày một lớn dần khiến phần đầu của cậu bị biến dạng. Lo lắng, ông Quang cùng vợ đưa con lên Bệnh viện Quân đội khám và điều trị. Tại đây, các bác sĩ chẩn đoán, Đãng bị u thịt trên đầu và yêu cầu tiến hành mổ ngay lập tức.

Năm 1989, Đãng được các bác sĩ tiến hành phẫu thuật mổ u thịt trên đầu, nhưng chỉ một thời gian sau, u thịt lại mọc lên gần như cũ. Vào năm 1993, ông Quang tiếp tục đưa con trai lên Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) mổ u lần thứ hai. Nhưng cũng như lần trước, phần khối u ấy vẫn không hề có biến chuyển. Mỗi lần nhìn con trai đau đớn trước khối u quá lớn trên đầu, vợ chồng ông Quang lại rơi nước mắt. Thương con, ông bàn với vợ bán hết gia tài chuyển vào Đắc Lắc sinh sống. Năm 1995, ông Quang lại đưa con đến bệnh xá Sư đoàn 33 ở Tây Nguyên để mổ. “Lần thứ 3 mổ thì phần u trên đầu của con trai tôi khỏi hẳn. Lúc này, vợ chồng tôi mừng lắm, nghĩ rằng bao công sức tiền của bỏ ra giờ đã được đền đáp. Ấy thế, nụ cười còn chưa kịp tắt trên môi thì trên cơ thể thằng Đãng lại xuất hiện rất nhiều mụn nhọt. Một lần nữa, hai vợ chồng tôi lại đưa con đi chạy chữa khắp nơi, hết đông y rồi sang tây y. Giờ chúng tôi cũng không thể nhớ nổi mình đã đi những đâu nữa”, ông Quang kể.

Sau một thời gian chạy chữa, phần u nhọt trên cơ thể Đãng biến mất song nó lại phát xuống chân, khiến phần da ở hai cổ chân của Đãng bị khô cứng, rồi nứt toác. Mạch máu cứ thế nổi u lên rồi vỡ ra, thậm chí có thời điểm vi khuẩn làm hoại tử gần như hết lớp da chân, khiến ông Quang nhìn rõ từng khớp xương bàn chân của con. Bất hạnh chồng chất bất hạnh, người cha già lại lặn lội đưa con đi khắp các bệnh viện, hết Paster lại đến Bệnh viện Chợ rẫy, nhưng các bác sĩ vẫn chỉ lắc đầu trước căn bệnh của con trai ông. “Năm 2003, thằng bé bị bệnh rất nặng, không ăn uống được gì, mọi sinh hoạt đều phải nhờ sự giúp đỡ của hai vợ chồng tôi. Lúc này, nó như là nằm chờ chết, sức khỏe yếu đi rất nhiều. Nghe người bà con nói chuyện, ở ngoài Bắc có mấy ông thầy lang chữa bệnh rất tốt, cứ mang về thử biết đâu chữa lại khỏi. Thương con, một lần nữa, chúng tôi lại bán tống bán tháo hết số tài sản ở Tây Nguyên rồi đưa con về quê, cùng với một niềm tin mong manh”, ông nói.

Từ cõi chết trở về

Ngay khi trở về quê, ông Quang lại mang con đi khắp nơi chữa trị. “Cũng may thời gian về quê, Đãng dùng hợp thuốc nam của một ông thầy lang ở Ba Vì, Hà Nội, nên khỏe ra. Nhưng thuốc ấy cũng chỉ giúp nó cải thiện được sức khỏe một thời gian, sau đó bệnh tình lại nặng hơn”, ông kể.

Thấy bố mẹ vất cả vì căn bệnh quái ác mà mình đang phải gánh chịu, Đãng đã nhiều lần nói với bố mẹ rằng, bệnh của em không thể khỏi được, gia đình không phải cố gắng làm mọi cách để chữa bệnh cho em làm gì, cái số của em nó vậy nên đành chịu. Thậm chí, có lần em nói với bố rằng, cái chân bị hoại tử từ cổ chân trở xuống, bố hãy yêu cầu các bác sĩ tháo khớp chân đi. Tuy nhiên, ông Quang không nghe. Ông nói, còn nước thì còn tát, khi nào bố mẹ sức cùng lực kiệt thì thôi. Được biết, vì căn bệnh viêm da hoại tử, mỗi năm Đãng phải sống tại Bệnh viện Da liễu T.Ư khoảng 4 tháng, cũng đồng nghĩa với việc mỗi năm cũng mất chừng ấy tháng Đãng không thể đi lại được. Các mạch máu ở hai cổ chân cương cứng, nhiều lần tự vỡ ra chảy máu lênh láng khắp nhà. Nhiều lúc sợ cha mẹ lo lắng, Đãng chỉ biết nằm im rồi cắn chặt môi chịu đựng.

Những tưởng hình ảnh về những lần đổ máu, những lần hai bàn chân nhìn thấy rõ từng đốt xương trắng sẽ theo Đãng đến cuối cuộc đời, thì tình cờ, Đãng gặp một người công nhân đang làm việc tại khu công nghiệp gần nhà tên là Vẹn. Đãng được chia sẻ về phương pháp chữa bệnh không dùng thuốc và cũng không phải mất bất kỳ một khoản chi phí chữa bệnh nào, nhưng hiệu quả thì vô tận, đó chính là phương pháp chữa bệnh bằng thiền.

“Trong lúc bế tắc không có lối thoát, tôi và gia đình nghĩ đó là tia sáng cuối cùng để cứu vớt cuộc đời mình. Tôi được giới thiệu lên Cẩm Khê, Phú Thọ để học vào đầu năm 2013. Ngày đầu không đi được, mẹ phải cõng tôi lên, đôi chân bị hoại tử phải dùng màn để che, tránh ruồi muỗi. Thấy tôi như vậy, mọi người và các thầy quan tâm lắm, ai cũng cảm thông và khích lệ. Chính sự quan tâm ấy cùng với nghị lực bản thân mà tôi quyết định theo học…”, Đãng tâm sự. Sau một tuần học lý thuyết về môn học năng lượng trường sinh học và cách ngồi thiền, Đãng bước vào luyện tập. Mỗi ngày, cậu thiền đến 8 giờ đồng hồ với 3 lần tập vào các buổi sáng, trưa, chiều, thời gian đầu chủ yếu là nằm thiền. Đau đớn đến tột cùng là cảm giác mà Đãng chia sẻ về những gian khó trong quá trình luyện tập. “Khổ nhất là việc ngồi thiền, ngồi bất động một chỗ khiến vết thương ở chân đau nhức đến tê dại. Tôi cảm nhận rõ rệt như có hàng trăm con kiến đua nhau đốt vào xương thịt mình. Cơn đau này vừa dứt thì cơn đau khác lại ập đến, lúc thưa thớt, lúc dồn dập làm tôi tưởng như không thể vượt qua…”.

Kiên trì tập luyện với nguyên tắc “tập đúng, tập đều, tập đủ”, bệnh tình của Đãng có những chuyển biến tích cực. Sau một tháng tập luyện, phần da hoại tử nhanh chóng liền lại và Đãng đã tự đi được. Ba tháng đến với thiền và theo học đến lớp cấp 3, Đãng thấy sức khỏe của mình thay đổi rõ rệt, cậu ăn được, ngủ được. Thậm chí năm 2014 vừa qua, thời gian bệnh hoại tử da của Đãng xuống còn 2 tháng (bình thường là 4 tháng) và hầu như cậu đã tự đi lại được. “Hơn một năm nay, tôi chủ yếu dùng thuốc bôi sát trùng vào vết thương hở, chứ tuyệt nhiên không dùng bất kỳ một viên thuốc nào. Khi thiền, tôi thấy sức khỏe mình thay đổi rõ rệt, trước mắt tôi sẽ vẫn theo tập môn này, vì không tốn kém mà sức khỏe lại được nâng lên”.

Chia sẻ với những người đồng cảnh ngộ, Đãng cho biết: “Lần đầu nghe nói đến môn học, tôi cũng hoài nghi lắm. Nhưng khi được gặp các cô, các chú là những con người thật, nhờ thiền họ đã tự đẩy lùi được nhiều căn bệnh nan y mà không dùng đến thuốc, tôi mới dám tin. Lúc đó, tôi nghĩ rằng, mọi người làm được sao tôi lại không thể làm được, nghĩ vậy nên tôi quyết tâm tìm đến với thiền. Bản thân khi đến với thiền thấy sức khỏe được nâng lên, tự đẩy lùi được bệnh tật, tôi vui lắm. Bây giờ, tôi đã lấy lại niềm tin cuộc sống. Và sẽ tiếp tục luyện tập để được sống, để thấy được nụ cười trên gương mặt cha mẹ”.