Để bé không sợ đi mẫu giáo

Bé Na ngày nào đi học cũng khóc đòi về lúc mẹ giao bé cho cô bảo mẫu. Bé luôn cảm thấy lạ lẫm, sợ sệt khi phải đến lớp và điệp khúc “mít ướt” lặp lại suốt cả năm học khiến cho mẹ phát mệt.

0

Ảnh: Fotosearch.com.

Nhiều bậc cha mẹ có con ở tuổi mẫu giáo khác cũng than phiền về chuyện đưa trẻ đến trường rất khó khăn. Bạn hãy tham khảo những điều dưới đây để giúp bé không còn sợ đến lớp nữa nhé.

Chuẩn bị cho bé đi học

Mẹ giải thích cho bé hiểu rằng vườn trẻ có cô bảo mẫu và rất nhiều lớp, mỗi lớp có nhiều bạn để bé chuẩn bị tâm lý vì trẻ con thường sợ tiếng động và nơi đông người. Nhưng bạn cũng đừng tập trung quá vào vấn đề này khiến bé lo sợ.

Để bé làm quen dần với trường lớp bằng cách dắt con tới thăm trường trước thời gian bé đi trẻ.

Bạn dẫn bé đi mua sắm đồ dùng chuẩn bị đi lớp như bút vẽ, vở, cặp… kể cả thứ chưa cần để bé thấy được tầm quan trọng của việc tới trường: đi học là chuyện nghiêm túc chứ không phải đi chơi.

Tránh mua quần áo mới vào dịp khai giảng. Hãy để bé mặc những trang phục quen thuộc hàng ngày vì vào dịp này, bé đã phải làm quen với nhiều cái mới rồi, đừng để bé phải lạ lẫm với cả bộ quần áo của mình.

Khi ngày khai giảng tới gần

Nếu có thể, cả bố và mẹ hãy cố gắng cùng đưa bé tới trường vào ngày khai giảng. Một người đưa đi khiến bé cảm thấy chưa an tâm.

Bạn đưa bé đi thăm lớp học nếu cô giáo đồng ý. Chỉ cho bé biết các khu học, vui chơi, nơi để quần áo…

Cần mặc cho bé loại trang phục dễ cởi, không nên để bé mặc quần yếm, quần áo có dải thắt phức tạp dễ gây vướng khi bé đi vệ sinh.

Không nên đốt cháy giai đoạn

Phải để trẻ làm quen dần với việc đi lớp. Những ngày đầu, nên để bé học một buổi, trưa đón về nhà. Sang ngày thứ ba, đón về trưa rồi chiều lại đưa tới lớp. Tiếp đó, nếu bạn dự kiến để bé ăn bán trú tại trường thì cần phải dứt khoát, không đưa đi đón về như trước nữa.

Phải cho bé đi học đều đặn để bé làm quen và hiểu rằng đây là nơi bé sẽ tới hàng ngày.

Mẹ cần đúng giờ. Nếu ngày nào bạn cũng đưa trẻ tới trường muộn trong khi các bạn của bé đã vào hàng cả thì bé sẽ cảm thấy chuyện mình đến sau là bất thường. Nếu bạn đến đón muộn, bé sẽ thấy sợ hãi khi các bạn lần lượt về hết còn mình phải ở lại sau.

Lập kế hoạch với bé. Bạn hãy kẻ cho bé một thời khoá biểu. Ngày nào phải đi học, bạn hãy tô màu đỏ, ngày nghỉ cuối tuần, tô màu xanh để bé quen dần với việc theo dõi ngày đến lớp.

Tạo cho con những điểm mốc

Ban đầu, nên để bé mang theo chú gấu bông quen thuộc ở nhà tới lớp sẽ giúp bé cảm thấy an toàn hơn. Buổi sáng đưa bé tới lớp, bạn hãy lưu lại đôi chút để trò chuyện với cô giáo, hỏi thăm xem bé ăn uống, nghỉ ngơi ra sao, quan sát các bạn trong lớp bé… Nhưng không nên ở quá lâu vì trẻ hiểu rằng trường học là nơi không có mặt cha mẹ.

Mẹ cần nói tạm biệt kể cả khi bé đang mải chơi với bạn vì nếu không, khi trò chơi kết thúc, bé sẽ tìm kiếm bố mẹ đấy.

Nên cho bé biết ai sẽ đón bé vào buổi chiều để con bạn yên tâm. Buổi tối về, mẹ hãy hỏi về những hoạt động trong ngày để bé cảm nhận được rằng bố mẹ quan tâm đến mình. Nếu bé không chịu nói, cũng đừng nài nỉ vì không phải bé nào cũng nhớ được mình làm gì hôm nay.

Xử lý những rắc rối

Nếu bé khóc mỗi khi bạn đưa tới lớp, cũng đừng nên lo lắng và tránh rơi nước mắt theo bé. Mẹ cần dịu dàng vuốt ve, an ủi, đưa bé vào lớp rồi trở ra nhanh.

Nếu buổi tối bé khó ngủ, tỉnh dậy quấy khóc, tè dầm ra giường…thì bạn nên hiểu những điều đó hoàn toàn bình thường với đứa trẻ mới đi học. Đừng trách mắng mà hãy giúp bé thấy an tâm…

Có nên bán trú vào năm đầu mẫu giáo

Các chuyên gia đều khuyên rằng không nên để trẻ ăn bán trú vào năm đầu đi lớp. Đối với trẻ 3 tuổi, bé cần một không khí bữa ăn ấm cúng, tình cảm. Ăn bán trú ở lớp đối với bé rất mệt mỏi, khó chịu và có cảm giác bị bức bách.

Không khí ồn ào, bé nọ tranh của bé kia… khiến cho bữa ăn đối với bé là sự chịu đựng. Thêm nữa, sự có mặt của cô bảo mẫu phía sau xem bé ăn uống đúng cách chưa, có để rơi vãi thức ăn hay ăn chậm… khiến cho bé sợ sệt, khó gần. Nếu có thể, hãy để bé ăn ở nhà trong năm mẫu giáo bé.

(Theo Cẩm nang Tiêu dùng)

Gửi câu hỏi tư vấn tại đây hoặc về [email protected]
 
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]