Để có được giấc ngủ ngon và an toàn cho bé

Một giấc ngủ ở bé chia làm 5 giai đoạn: ngủ lơ mơ, REM (ngủ mà mắt vẫn chuyển động), ngủ thiếp đi, ngủ sâu và ngủ rất sâu.

15.613
Thời lượng ngủ

Thông thường, sau khi chào đời, bé ngủ khá nhiều, kể cả ban ngày. Hầu như bé chỉ thức để ăn và thay tã. Dần dần, dạ dày của bé hoàn thiện thì nó sẽ giữ được một lượng lớn sữa mẹ (hoặc sữa công thức) hơn.

Khoảng 3 tháng tuổi, bé ngủ được khoảng 15 giờ đồng hồ trong một ngày đêm. Phần lớn các bé ngủ nhiều giấc trong một ngày. Sau đó, bé ngủ được một giấc dài hơn vào ban đêm, khoảng 3-4 giờ đồng hồ liền mạch.
 
Nếu bé ngủ quá nhiều, cha mẹ muốn đánh thức bé dậy cho bú thì bé dễ trở nên cáu kỉnh do chưa được ngủ đẫy giấc. Nếu bé ngủ từ 7h tối đến 2h đêm thì thời gian ngủ một giấc ở bé quá dài. Lúc đó, bạn có thể đánh thức bé dậy lúc 10-11h đêm để cho bé ăn. Tiếp đến, cho bé ngủ lại. Nhiều lần như thế, việc bé thức giấc để bú mẹ rồi ngủ lại sẽ thành lịch trình.

Ngược lại, nếu bé thức liên tục, mà bạn muốn cho bé ngủ, hãy giữ bé ở trong môi trường ít hoạt động và yên tĩnh. Thay tã hoặc cho bé “ti mẹ” trong bóng tối, bạn cũng đừng chơi đùa với con. Không gian tối và yên ả có tác dụng kích thích bé ngủ ngon.
 

Địa điểm và cách ngủ

Các chuyên gia Nhi khoa Mỹ khuyến cáo, để bé sơ sinh khỏe mạnh, nên để bé ngủ trong tư thế ngửa chứ không phải tư thế nằm sấp. Theo thống kê, tỷ lệ đột tử ở bé sơ sinh (SIDS) sẽ giảm xuống 40% nếu bé ngủ đúng tư thế ngửa. Với những bé sinh non, các chuyên gia khuyên, cha mẹ càng không nên cho bé ngủ sấp.

Nếu bé khoảng 5-6 tháng tuổi, đã lẫy thành thạo thì bé có thể tự lật người trong lúc ngủ. Có thể bé không thích nằm ngửa như khi được cha mẹ đặt. Bé thích tự mình nằm nghiêng hoặc nằm sấp. Nhưng nếu bé quá yêu thích tư thế nằm sấp trong thời gian dài thì bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ.

Cha mẹ cũng nên chú ý đến địa điểm ngủ ở bé. Nếu là ngủ ở cũi thì tiêu chí an toàn phải được đặt lên hàng đầu. Tránh đặt bất kỳ đồ vật nào trong cũi vì nó có thể cản trở giấc ngủ ở bé. Thú nhồi bông mềm, chăn, gối mềm cần được để xa khuôn mặt của bé để tránh làm bé ngạt thở.

Tránh treo đồ chơi có ruy băng hoặc dây buộc vì nó có thể quấn vào cổ của bé. Những đồ chơi có góc cạnh sắc nhọn cũng không hợp để treo ở cũi của bé.

Nếu cho bé ngủ chung giường với cha mẹ thì cũng cần chú ý đến yếu tố an toàn. Bố mẹ không được sử dụng đồ uống có cồn và cũng không nên ôm bé khi ngủ chung.

Khuyến khích bé ngủ ngon

Để bé ngủ theo lịch trình sẽ tiện cho mẹ, lại thoải mái cho bé. Hát ru hoặc đọc sách cũng là cách khuyến khích bé ngủ tốt. Nếu duy trì điều này liên tục, bé sẽ có thói quen ngủ tốt. Nên nhớ, nếu thấy bé “ọ,ẹ” và muốn bé ngủ lại, bạn đừng vội bật điện và bế bé ngay. Hãy nhẹ nhàng vỗ hoặc xoa lưng cho bé để bé vượt qua cơn quấy ngủ. Điều này sẽ khiến bé tự ngủ lại nhanh chóng.

Tuy nhiên, không phải lúc nào bé gây ồn ào vào ban đêm cũng dễ dàng tự ngủ lại. Khi bé đã tỉnh giấc thì bé càng quấy khóc hơn. Mức độ quấy ngủ ở bé cũng khác nhau, có bé nhăn nhó, càu nhàu, có bé khóc váng lên trước khi được đặt ngủ lại.

Dấu hiệu cần đi khám

Nếu thói quen ngủ của bé có điều gì bất thường, bạn hãy hỏi ý kiến bác sĩ. Bác sĩ sẽ đưa cho bạn lời khuyên để bé có giấc ngủ ngon.
 
Theo Kidshealth/M&B
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]