Điều trị triệt để viêm lợi hoại tử cấp

SKĐS - Viêm lợi loét hoại tử cấp tính: Viêm lợi loét hoại tử cấp tính (ANUG) là một nhiễm khuẩn cấp tính thường là do stress...

0

Viêm lợi loét hoại tử cấp tính: Viêm lợi loét hoại tử cấp tính (ANUG) là một nhiễm khuẩn cấp tính thường là do stress, do giảm sức đề kháng, hay những tình trạng khác, làm thay đổi mối tương quan vật chủ - vi khuẩn giữa con người và vi khuẩn Borrelia vincenti. Bệnh hiếm gặp ở trẻ em trước tuổi đến trường, đôi khi xảy ra ở tuổi 6-12 và thường gặp hơn ở tuổi thanh thiếu niên.

Khi mắc, biểu hiện đặc trưng của bệnh là bệnh nhân đau liên tục dữ dội và hôi miệng, hôi miệng là do sự tích tụ của vi khuẩn và mô hoại tử. Tổn thương thường xảy ra ở nhú lợi sau đó lan rộng ra các bờ lợi ở mặt lưỡi và mặt môi, nhú lợi bình thường nhọn, có màu hồng, nay không còn nhọn nữa. Các tổn thương loét được bao phủ bởi một màng hoại tử có màng giả mạc màu xám vàng, rất đau khi chạm phải.

Tiến triển cấp tính thường hay xảy ra trên một nền viêm lợi sẵn có và chảy máu khi thăm khám. Tình trạng vệ sinh răng miệng thường rất kém. Có thể có sốt và hạch, nhưng ít gặp hơn viêm lợi Herpes.

Giai đoạn cấp tính kéo dài khoảng 5-7 ngày, sau đó sẽ bước sang giai đoạn mạn tính với các triệu chứng giảm dần. Thỉnh thoảng có các đợt tái phát, nếu chu kỳ cấp tính - mạn tính tiếp tục xảy ra thì bờ lợi, nhú lợi mất đi hình dạng bình thường và trở nên tròn. Cuối cùng nếu viêm và hoại tử lan rộng đến mào xương ổ răng dẫn đến viêm quanh răng hoại tử làm tiêu xương nhanh và tụt lợi. Đó là hậu quả của việc điều trị không đầy đủ.

Các yếu tố nguy cơ thường thấy ở bệnh nhân vệ sinh răng miệng kém, viêm lợi từ trước; nghiện thuốc lá; trẻ em bị suy dinh dưỡng; stress dẫn đến nồng độ corticoid huyết thanh tăng được coi là một cơ chế của ANUG.

Tất cả những yếu tố nguy cơ đều có những hoạt động làm khởi động hoặc tiềm tàng một khả năng gây những thay đổi đặc hiệu ở cơ thể nhiễm, như làm giảm khả năng đáp ứng miễn dịch qua trung gian tế bào. Thực tế cho thấy, ở những bệnh nhân ANUG có suy giảm hoạt động thực bào của bạch cầu đa nhân.

Cách xử trí: Bệnh có nguy cơ tái phát nếu không điều trị triệt để, bệnh nhân cần tăng cường vệ sinh răng miệng hàng ngày bằng bàn chải mềm. Dùng nước súc miệng đặc hiệu để làm giảm hình thành mảng bám, ôxy già để ôxy hóa và làm sạch mô hoại tử. Ngoài ra, các bác sĩ sẽ chỉ định bệnh nhân dùng kháng sinh kết hợp.

Cách phòng bệnh

Để phòng viêm lợi, cần chăm sóc răng bằng cách, chải răng thường xuyên (ít nhất 2 lần/ngày), dùng thêm chỉ nha khoa để lấy bỏ thức ăn thừa giắt bám ở kẽ răng, súc miệng thường xuyên bằng nước muối và các dung dịch súc miệng khác để tiêu diệt vi khuẩn trong khoang miệng. Lưu ý sử dụng những loại bàn chải mềm mại để không gây tổn thương cho lợi trong quá trình đánh răng. Ăn uống đầy đủ dưỡng chất, khám răng miệng định kỳ. Khi có các biểu hiện bất thường cần đến cơ sở y tế có chuyên khoa răng hàm mặt để được tư vấn điều trị.

TS. Trần Thị Mỹ Hạnh

 

 

 

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]