Không khó để nhận ra đâu là nguyên nhân của suy nghĩ này. Thông thường bệnh nhân được chẩn đoán sớm ung thư không có bất kỳ triệu chứng hay cơn đau nào hoặc những vấn đề đó thường rất nhẹ. Trong giai đoạn sớm của ung thư, nếu bệnh nhân có biểu hiện nào thì nó thường có xu hướng nhẹ. Và chỉ sau khi bắt đầu điều trị, bệnh nhân mới cảm thấy mệt.

Đúng là hóa trị, xạ trị và phẫu thuật có thể gây ra các tác dụng phụ nhưng chúng sẽ mất dần sau điều trị và điều trị có thể cứu lấy cuộc sống của rất nhiều người.

Nếu ung thư tiếp tục phát triển mà không được điều trị, các triệu chứng cơ năng sẽ trở nên tồi tệ hơn và theo thời gian sẽ xuất hiện thêm các triệu chứng mới.
Đôi khi một bệnh nhân với sức khỏe kém có thể không đủ điều kiện tiến hành điều trị ung thư. Hoặc bởi vì tuổi tác hay tình trạng sức khỏe, bệnh nhân có thể quyết định không điều trị ung thư, thậm chí dù biết rằng điều đó có thể dẫn đến cái chết. 
Bệnh nhân trong các trường hợp trên có lẽ đã biết rằng điều trị ung thư sẽ không mang đến cơ hội khỏi bệnh cho họ, thấy rằng không đáng mất thời gian vào điều trị hay chống chọi với tác dụng phụ do quá trình điều trị gây ra. Đó là lựa chọn của mỗi người, miễn là bệnh nhân có đủ khả năng kiểm soát hành vi của họ.

Một bệnh nhân khi đang đắn đo từ chối điều trị ung thư nên hỏi ý kiến bác sĩ để hiểu rõ hệ quả của việc chấp nhận điều trị hoặc không điều trị, trước khi đưa ra quyết định cuối cùng.

Giai đoạn muộn của ung thư, khi các triệu chứng trầm trọng xuất hiện, điều trị bệnh có thể không còn là một sự lựa chọn nữa. Ung thư gây chết người bằng cách xâm lấn vào ruột, phổi, não, gan, thận hoặc các cơ quan sống khác, can thiệp vào các chức năng của cơ thể cần thiết cho sự sống. Ung thư không điều trị thường dẫn đến tử vong.

Ngược lại, điều trị ung thư thường cứu lấy cuộc sống, đặc biệt là khi ung thư được phát hiện và điều trị sớm. Thậm chí nếu điều trị không khỏi thì nó cũng có thể giúp kéo dài tuổi thọ. Chăm sóc y tế luôn luôn được đề cao để đem lại sự thoải mái cho bệnh nhân bằng việc giảm các cơn đau và các triệu chứng khác. 
Đó là lý do tại sao việc để bệnh nhân hiểu được mục đích của các quá trình điều trị và đưa ra quyết định trong suốt thời kỳ ung thư là rất quan trọng.

Đôi khi sẽ có bệnh nhân đang điều trị ung thư tự vấn rằng có nên tuân thủ hành trình điều trị gian nan này hay không? Thỉnh thoảng họ trở nên chán nản vì quá trình điều trị không chắc chắn sẽ thành công và thắc mắc liệu có nên bỏ thời gian để điều trị? Điều này là bình thường, nó thúc đẩy các bác sĩ học hỏi những cách tốt hơn trong việc cộng tác với người bệnh kiểm soát các tác dụng phụ do điều trị gây ra.

Hãy nhớ rằng, ung thư là bệnh có thể chữa trị được và mỗi năm lại có những bước tiến mới trong tiến trình điều trị căn bệnh này.

Những năm trước, hầu hết những bệnh nhân bị ung thư khó có thể sống lâu. Tuy nhiên điều này không còn đúng nữa. Ngày càng có nhiều bệnh nhân được chữa khỏi ung thư, đặc biệt đối với những trường hợp trẻ em bị ung thư và những người bị ung thư nhưng phát hiện sớm trước khi bệnh di căn.

Tỉ lệ sống sót không cố định, tùy thuộc vào từng loại ung thư cụ thể. Một số loại ung thư tiến triển rất chậm và có thể đáp ứng với điều trị rất tốt. Nhưng có những loại khác lại phát triển và di căn nhanh hơn và khó điều trị hơn.

Nếu bạn biết ai đó mắc bệnh ung thư, đừng quên rằng những gì xảy ra với họ có thể sẽ rất khác với những gì xảy ra ở một người khác dù cùng mắc một loại ung thư. Diễn tiến và cách biểu hiện của các loại ung thư khác nhau cũng rất đa dạng.

Theo Hiệp hội Ung thư học Mỹ

Soạn dịch và chú giải: Nhóm Online Research Club, gồm các thành viên Nguyễn Hoàng Anh (Khoa Y - ĐH Quốc gia TP.HCM), Nguyễn Phước Long (Biomedera Education),Trần Diễm Nghi (Khoa Y - ĐH Quốc gia TP.HCM), Nguyễn Tiến Huy (Khoa Y - Đại học Nagasaki, Nhật Bản).