Dinh dưỡng cho người viêm đại tràng

Vấn đề nghiêm trọng hơn của người bệnh viêm đại tràng là tình trạng suy nhược, sụt cân, thiếu máu, rối loạn nước và chất điện giải do tiêu chảy kéo dài.

0

Cơ chế bệnh lý

Gọi chung là “viêm đại tràng mãn” khi tất cả hội chứng bệnh lý xuất phát từ tình trạng viêm tấy trên niêm mạc của khung ruột già, từ hậu quả của bệnh ký sinh trùng như kiết lỵ bước qua tiêu chảy cho đến bệnh có liên quan đến hệ thống miễn nhiễm như bệnh Morbus Crohn.

Ngoài những phản ứng không có lợi cho sức khoẻ như đã kể, người bệnh còn phải chịu thêm hậu quả của thuốc kháng viêm, thường là thuốc có chứa corticosteroid, vì phải điều trị lâu dài.

Chế độ dinh dưỡng của người bị viêm đại tràng mãn vì thế thường không nên chỉ tập trung vào triệu chứng bệnh lý mà phải chú trọng nhiều hơn vào mục tiêu nâng đỡ tổng trạng bằng cách cung cấp:

Nước và chất điện giải, chủ yếu là kalium vì đây là khoáng tố bị thất thoát nhiều nhất do tiêu chảy.

Chất đạm để tái tạo niêm mạc đường ruột và để cơ thể tổng hợp kháng thể.

Hoạt chất sinh học nhằm hỗ trợ tác dụng kháng viêm của thuốc và để trấn an khung ruột thông qua tác dụng chống co thắt.

Thực phẩm nên dùng

Một trong những sai lầm thường gặp của người bị viêm đại tràng mãn là chế độ ăn uống kiêng cữ khắt khe. Người bị bệnh đường ruột không nên vì quá sợ tiêu chảy rồi kiêng cữ hết, điều này chỉ làm tình trạng thêm trầm trọng do suy dinh dưỡng. Chỉ cần loại bỏ món ăn nào không dung nạp và mặt khác tìm cách đa dạng hoá khẩu phần để đừng mất chất lượng của thực đơn, khẩu vị.

Uống nhiều nước, 2,5 - 3 lít/ngày, chia ra 6 - 8 lần, đặc biệt là ly nước lớn 300ml vào buổi sáng sớm, lúc bụng đói, nếu được loại nước khoáng có nhiều muối natri càng tốt.

Thay thịt “đỏ” như thịt bò, thịt heo… bằng thịt “trắng” như thịt gia cầm. Tốt hơn nữa là thịt “giả” (vì cũng chứa nhiều chất đạm) như đậu hủ, vì vừa dồi dào chất đạm, vừa là nguồn cung ứng chất vôi cần thiết cho chức năng chống dị ứng của tuyến thượng thận.

Tối thiểu 3 lần trong tuần có món trứng luộc hay cá biển để cung cấp sinh tố D, nhân tố có tác dụng kháng viêm trong bệnh đường ruột.

Thay sữa tươi bằng sữa chua vì sữa tươi thường gây tiêu chảy trong khi sữa chua dễ được cơ thể dung nạp. Sữa chua + chuối + khoai lang ta là món ăn nên có thường xuyên để bổ sung kalium và sinh tố B6, nhất là sau mỗi đợt tiêu chảy.

Ăn vặt nhiều lần trong ngày với trái cây tươi thuộc nhóm cam, quýt, bưởi… Không cần nhiều, miễn là đều đặn, để cơ thể được liên tục tiếp tế sinh tố C vì thiếu C thì các vết loét li ti trên niêm mạc ruột khó lành. Đừng quên trái ổi vì vừa có sinh tố C vừa cung cấp chất chát làm êm dịu niêm mạc đường ruột.

Nếu thích dùng rượu thuốc thì một ly nhỏ rượu quế, ruợu thì là hay rượu sa nhân là điều nên làm sau mỗi bữa ăn. Nên nhớ ly nhỏ khác xa với một xị!

Thức ăn cần tránh

Giảm tối đa thực phẩm công nghệ vì nhiều chất phụ gia trong đó là nguyên nhân dẫn đến tình trạng viêm tấy do dị ứng trên khung ruột già.

Tránh các loại nước uống dạng cốm hoà tan hay sủi bọt, cũng như các loại thuốc có sorbitol hay manitol trong thành phần vì dễ gây tiêu chảy.

Cữ tuyệt đối món ăn nào đã gây dị ứng ngoài da trước đó.

Alobacsi.vn
Theo Sài gòn tiếp thị
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]