Độc đáo truyền thần trên gốm

Giadinh.net - Thời gian gần đây, trong số những dịch vụ mới xuất hiện của làng gốm Bát Tràng, dịch vụ truyền thần trên gốm thu hút được khá nhiều khách hàng. Dịch vụ này chưa thực sự nở rộ, song nó đang được xem là cách chơi sang của nhiều người. Cách lưu giữ hình ảnh độc đáo này không quá tốn tiền nhưng lại mang nhiều ưu việt.

15.6033
Độ bền vĩnh cửu
 
Chỉ cần có một bức ảnh, khách hàng có thể đề nghị chuyển hình lên chất liệu gốm một cách dễ dàng. Anh Đạt - chủ lò gốm Đạt Tuyết - một trong ba cơ sở nhận ảnh truyền thần của làng gốm Bát Tràng cho biết, tất cả các ảnh đều được thợ dùng tay vẽ chứ không có sự can thiệp của kỹ thuật vi tính hiện đại.
 

Ảnh truyền thần trên gốm không khác nhiều so với ảnh chụp. (Ảnh: PH)

 
Theo chủ lò gốm này, hiện nay ở nhiều nước trên thế giới đã xuất hiện cách tạo ảnh trên máy vi tính rồi in trên giấy decal, sau đó mới dán trên gốm sứ. Cách làm này tuy hiện đại nhưng không độc đáo và không có độ bền như cách vẽ thủ công trực tiếp. Hơn nữa, kỹ thuật vẽ trực tiếp đòi hỏi người thợ phải có được sự tinh xảo riêng và sản phẩm ra đời không phải là sản phẩm có thể sản xuất đồng loạt.
 
Ảnh truyền thần trên gốm ban đầu không được nhiều người biết đến bởi khái niệm về ảnh truyền thần thường gắn với ảnh thờ cúng. Chính vì thế, đa phần những khách hàng tự tìm đến dịch vụ này chỉ nhằm mục đích đặt hàng ảnh thờ hoặc ảnh trên bia mộ (cỡ 20x30cm). Tuy nhiên, nhận ra sự độc đáo của nghệ thuật này nên chính bản thân các thợ gốm và một số khách hàng đã mong muốn lưu giữ hình ảnh của mình mà không cần phải chờ đến khi... con cháu đi đặt giúp.
 
Khác với ảnh giấy hay ảnh được in dán trên gỗ, ảnh truyền thần trên gốm có độ bền được xem là... vĩnh cửu. Các loại ảnh khác có thể bị phai màu, hoen ố hay bị rách, hỏng chỉ sau một thời gian trưng bày nhưng ảnh gốm thì khác hoàn toàn. Tuy nhiên, để có một chiếc ảnh bằng gốm sứ khá cầu kỳ vì dịch vụ này mới chỉ xuất hiện tại Bát Tràng, nhưng sở hữu được bức hình đặc biệt ấy thì chủ nhân chỉ cần tránh va đập là ảnh có thể tồn tại hàng trăm năm, thậm chí hàng ngàn năm.
 
Các chủ gốm cũng khá chiều khách bởi không phải ai cũng có sẵn một bức ảnh ưng ý. Chỉ cần có gương mặt thì người thợ vẽ có thể thay đổi kiểu tóc, màu áo hay dáng ngồi, phông nền theo yêu cầu của khách. Thậm chí, người nhận dịch vụ này còn có sẵn máy ảnh kỹ thuật số độ phân giải cao để phục vụ cho những đối tượng có hứng thú với dịch vụ mà không mang theo ảnh.
 

Anh Đạt - chủ lò gốm Đạt Tuyết bên bức ảnh truyền thần lớn nhất của mình. (Ảnh: PH)

 
Trước đây, giá dịch vụ này cao vì sử dụng các lò nung truyền thống, độ rủi ro cao. Kỹ thuật nung hiện đã được hiện đại hoá nên giá thành cũng mềm hơn, chi phí cho một chiếc ảnh đã bao gồm khung ảnh khoảng từ 300.000 (dành cho cỡ ảnh 20x30 cm) cho đến 1 triệu đồng (cỡ ảnh lớn nhất có kích thước 70x100cm). Giá thành này nếu so sánh với ảnh giấy hay ảnh làm trên chất liệu gỗ thì chỉ ngang bằng, thậm chí rẻ hơn. Tuy nhiên, dịch vụ này đòi hỏi khách hàng phải là người có tính kiên nhẫn cao. Sau khi đặt hàng, khách sẽ phải chờ từ 1 tuần đến 1 tháng mới có sản phẩm.
 
Đòi hỏi  kỹ thuật cao
 
Dịch vụ truyền thần trên gốm không phổ biến vì đây là một kỹ thuật khó, không phải thợ gốm nào cũng làm được. Hiện Bát Tràng chỉ có 3 lò nhận dịch vụ này. Theo chủ lò Đạt Tuyết, cái khó nhất trong truyền thần chính là bắt được cái thần sắc trên khuôn mặt của chiếc ảnh mẫu. Ngoài hình dáng khuôn mặt thì cái thần sắc của một con người thể hiện rõ trên đôi mắt và miệng. Khi làm truyền thần, người thợ vẽ phải “bắt” chính xác những chi tiết này thì mới thành công. Khi vẽ thì cái khó khăn tiếp theo lại là kỹ thuật pha màu. Màu sắc trên bản phơ (bản gốm mộc trước khi nung) rất khác với màu sắc khi đã nung. Chính vì thế, khi pha màu và sử dụng màu, người thợ vẽ phải đoán định được chính xác màu sau nung sẽ là màu gì để chuyển thể đúng sắc mặt và màu sắc của ảnh.
 

Ngoài truyền thần ảnh người thật, nhiều nhân vật lịch sử - văn học cũng được thợ gốm truyền thần lại. (Ảnh: PH)

 
Kỹ thuật nung càng đòi hỏi người thợ phải có kinh nghiệm. Tranh gốm nói chung và ảnh truyền thần trên gốm nói riêng đều phải nung ở nhiệt độ từ 1.200-1.215°C mới đủ độ chín. Thông thường, khi nhiệt độ lò nung lên khoảng 1.212°C, tranh sẽ đạt độ chín hoàn chỉnh. Ở nhiệt độ này, màu sắc của men gốm mới thể hiện được rõ nét. Ngoài ra, ở nhiệt độ này thì những chất độc trong màu vẽ mới được xử lý hoàn toàn. Bản thân gia đình chủ lò gốm Đạt Tuyết đã có khá nhiều đời làm gốm và tham gia nhiều năm vào việc truyền thần trên gốm nhưng vẫn không tránh khỏi những sai sót.
 
Chủ lò này tâm sự: “Chúng tôi rất ngại nhận truyền thần nhưng vì công việc thì vẫn phải làm. Hơn nữa, nó cũng là sản phẩm độc đáo đòi hỏi người thợ phải tập trung tư duy. Sản phẩm truyền thần là sản phẩm độc bản, không thể sản xuất hàng loạt. Vì thế, nếu chỉ xảy ra một chút sơ xảy thì sản phẩm sẽ bị hỏng ngay. Ban đầu, khi mới nhận hàng, tôi cũng bị lỗi nhiều, chủ yếu là bị vỡ khi nung. Đến giờ tôi vẫn phải học hỏi nhưng các lỗi cơ bản thì hầu hết đã được khắc phục vì lò nung bây giờ là lò gas. Lò này có độ chuẩn cao, có các giá đặt bằng phẳng nên tranh, ảnh khó vỡ. Lò này lại có thể đạt nhiệt độ tuỳ ý nên hiếm khi xảy ra những sai sót về nhiệt độ nung”.
 

Ảnh: P.H

 
Tuy ít xảy ra sự cố nhưng tranh và ảnh truyền thần gốm sứ thường khó thể hiện được trên các nền ảnh khổ lớn. Bức ảnh gốm truyền thần có kích thước “vĩ đại” nhất ở Bát Tràng mới chỉ đạt 1,15m x 1,5m của lò gốm Đạt Tuyết. Bức ảnh này là bức truyền thần chân dung Bác Hồ. Chủ nhân bức ảnh đang có kế hoạch xin được trưng bày tác phẩm của mình trong dịp đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long.
 
Hoàng Phương

Báo Gia đình và Xã hội cập nhật tin tức trong ngày liên tục, mới nhất

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]