Đưa Internet đến học đường: Cách làm của một trường miền núi

Ở một tỉnh miền núi nghèo Yên Bái, trường PTTH chuyên Nguyễn Tất Thành cũng chịu bao khó khăn như các trường khác. Cả trường có 495 học sinh (HS) nhưng chỉ có 3 máy tính kết nối dial-up, 25 máy không kết nối dùng cho HS thực hành tin học. Với mong muốn tất cả HS được tiếp cận khối lượng thông tin trên Internet, trường đã có một cách làm riêng, khá linh hoạt.

15.6013

Ở một tỉnh miền núi nghèo Yên Bái, trường PTTH chuyên Nguyễn Tất Thành cũng chịu bao khó khăn như các trường khác. Cả trường có 495 học sinh (HS) nhưng chỉ có 3 máy tính kết nối dial-up, 25 máy không kết nối dùng cho HS thực hành tin học. Với mong muốn tất cả HS được tiếp cận khối lượng thông tin trên Internet, trường đã có một cách làm riêng, khá linh hoạt.

Cố hiệu trưởng Đoàn Xuân Cánh(*) trước đây đã cho chúng tôi biết: Giáo viên trường hàng ngày có nhiệm vụ lấy thông tin từ Internet, in và dán lên bảng thông tin của nhà trường. Đó có thể là kiến thức môn học, thông tin về học bổng, thông tin khoa học... Mỗi tổ bộ môn đều có một giáo viên phụ trách đưa thông tin lên bảng tin để kiểm soát cũng như định hướng việc tiếp cận thông tin của HS. Thông tin đưa lên bảng đều có đóng dấu của nhà trường để xác nhận đây là thông tin nhà trường có định hướng, chứ không phải cứ "lôi" từ Internet xuống là được. Nhờ đó, không chỉ giáo viên mà HS cũng được cập nhật thông tin, hướng theo những kiến thức lành mạnh, thiết thực. Không chỉ thông tin, giáo viên của trường còn tải những phần mềm miễn phí như xếp thời khóa biểu, quản lý HS để phục vụ việc dạy và học.

Cùng chịu khó khăn chung như của các trường hiện nay: thiếu giáo viên dạy tin học, thiếu máy tính, thiếu tiền trả cước phí truy cập mạng; hướng dẫn truy cập Internet chưa phải là chương trình đào tạo chính khóa, nhưng bên cạnh việc giúp HS tìm thông tin trên Internet, trường Nguyễn Tất Thành cũng soạn những bản hướng dẫn cách truy cập, tìm kiếm thông tin trên Internet, giới thiệu những trang web hay. Việc trao đổi, chia sẻ thông tin trên Net trở thành phong trào. Thực tế triển khai tại đây cho thấy, khi được định hướng đúng, ngoài giờ học, HS có thể vào các quán Internet để khai thác thông tin phục vụ học tập, nâng cao kiến thức. Trang web www.chuyenyenbai.org do chính các học sinh của trường xây dựng và đã trở thành một diễn đàn trao đổi học tập rất hữu ích. Cũng từ việc tìm thông tin trên Internet, nhiều HS của trường tìm được các suất học bổng và hiện đang đi du học.

Với cách làm sáng tạo của trường Nguyễn Tất Thành, ứng dụng Internet phục vụ học tập đã không còn xa vời đối với HS dù ở vùng sâu, vùng xa.

 

KẾT NỐI NHIỀU, TIẾP CẬN ÍT

 
 

Chương trình đưa Internet đến học đường được Bộ GDĐT và Bộ BCVT bắt đầu triển khai từ tháng 4/2003 với hy vọng CNTT và Internet sẽ làm thay đổi thái độ cũng như phương pháp "học chay" môn tin học. Tuy nhiên, thực tế triển khai lại chưa như mong muốn!
Theo chủ trương đưa Internet đến học đường, 100% các trường ĐH, CĐ và 98% các trường THPT đã được kết nối Internet. Chương trình dự kiến hết năm 2005, 100% trường THPT và 50% trường THCS được kết nối Internet. Con số trên dễ khiến nhiều người vui mừng bởi theo TS.Quách Tuấn Ngọc, giám đốc Trung Tâm Tin Học, Bộ GDĐT thì HS, sinh viên được dùng Internet sẽ tiến bộ nhanh về mọi mặt, nhất là CNTT.
Tuy nhiên, có bao nhiêu HS thực sự được tiếp cận với máy tính, Internet thông qua nhà trường? Con số này có lẽ rất ít vì phần lớn các trường chỉ được trang bị 1-2 máy tính và một đường Internet dial-up phục vụ một bộ phận rất nhỏ giáo viên, chủ yếu để gửi và nhận email. Một số trường thuộc các thành phố lớn "may mắn hơn" khi có hẳn phòng máy tính kết nối mạng nội bộ và mạng Internet nhưng thường chỉ cho HS sử dụng trong các giờ thực hành tin học. Đã có nhiều ý kiến tranh cãi về nguyên nhân khiến chương trình chưa đạt được kết quả như mong muốn. Một số quan chức của Bộ GDĐT cho rằng đưa Internet đến trường học cần phải hiểu là nối băng thông rộng mới đạt yêu cầu. Trong khi đó, ngành BCVT lại cho rằng vấn đề quan trọng là hỗ trợ thêm máy tính và kinh phí truy cập Internet... Ngoài ra, ở hầu hết các trường đã được kết nối Internet, việc hướng dẫn học sinh truy cập nội dung gì và sắp xếp thời khóa biểu ra sao còn ít được quan tâm.

 

Việt Anh
---------------------------------------------------
* Thầy Đoàn Xuân Cánh đã từ trần ngày 5/11/2005 vì bệnh hiểm nghèo.

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]