Đừng đợi đau ngực mới sợ bệnh tim

Rất nhiều người bị bệnh tim mà không đau, và triệu chứng đau đầu tiên cũng có thể là triệu chứng cuối cùng trong đời họ. Nhà báo nổi tiếng Larry King của kênh truyền hình CNN từng suýt mất mạng vì coi thường bệnh do chưa có cơn đau tim.

15.5921

Khi thấy đau tim, có thể là đã muộn. Ảnh: Z.about.

Chuyện xảy ra cách đây 17 năm. Larry King có tất cả các yếu tố nguy cơ của bệnh tim như: hút 3 bao thuốc/ngày, từng được chẩn đoán bệnh mạch vành, ăn rất ít rau, nhiều thịt và chất béo, có bố mất sớm vì đau tim. Tuy nhiên, do chủ quan, ông vẫn duy trì chế độ ăn uống sinh hoạt cũ.

Một đêm, King bị đau nhức vai phải và cảm thấy như kiệt sức. Vẫn chưa lo lắng, ông cố hút một điếu thuốc trên đường tới bệnh viện và định về ngay khi cơn đau hơi giảm. Nếu làm vậy, đó có thể là lần cuối cùng ông về nhà, bởi cơn đau rất nghiêm trọng. Rất may King đã chịu ở lại và qua được cơn hiểm nghèo. Ông phải sử dụng tim nhân tạo và thay đổi cách sinh hoạt.

Bạn cũng có thể lâm vào hoàn cảnh như Larry King vì các cơn đau tim thường tới rất bất ngờ. Rất nhiều người coi thường dấu hiệu này, nghĩ là nó đến rồi tự đi, hoặc cho rằng đấy chỉ là chứng ợ nóng, co cơ... mà thôi. Với 1/3 số người đau tim, triệu chứng đầu tiên cũng là cuối cùng, và một nửa trong số họ chết khi chưa kịp tới bệnh viện.

Biểu hiện bệnh tim dễ thấy nhất:

- Đau ngực hoặc khó chịu (tức ngực, bị ép vào ngực...).
- Khó chịu ở phần trên (một bên cánh tay, lưng, cổ, hàm, dạ dày...).
- Thở gấp.
- Toát mồ hôi lạnh.
- Buồn nôn.
- Đột nhiên mệt mỏi khác thường (dù không thiếu ngủ).

Tại sao người bệnh khó nhận ra mình mắc bệnh tim cho đến khi bệnh nặng? Đó là vì trái tim bạn tự nó không thấy đau do không có bộ phận chuyên biệt cho cảm giác đau. Tuy nhiên, nếu có vấn đề gì ở tim, các dây thần kinh nối với tim cũng sẽ mất ổn định. Khi đi tới cột sống, chúng có thể làm chạm mạch các dây thần kinh khác (như dây nối tới tay hay ngực). Vì vậy, bạn sẽ thấy đau tay, ngực, hàm hay bất kỳ nơi nào khác ngoài tim. Não cũng tham gia bằng cách kích thích thần kinh phế vị, làm bạn đau bụng, đổ mồ hôi lạnh.

Tuy nhiên, nếu những dây thần kinh nói trên không chạm nhau, bạn sẽ không có triệu chứng gì trong khi trái tim đang nguy khốn. Vì vậy, bạn đừng chờ các cơn đau; nếu có các yếu tố nguy cơ như Larry King, nên kiểm tra sức khỏe thường xuyên và thay đổi ngay lối sống.

Tại sao bệnh tim xuất hiện?

Giống như đường ống nước chính trong ngôi nhà - cơ thể, trái tim cung cấp dinh dưỡng để bạn sống. Nước sạch sẽ giúp bạn uống mà không lo bệnh tật. Còn trong cơ thể, tim bơm máu tới từng ngõ ngách; tới não bộ giúp bạn suy nghĩ, tới bộ phận sinh dục giúp sinh sản, và tới các cơ bắp giúp bạn chuyển hộ cô hàng xóm chiếc đàn piano nặng nề.

Khi hoạt động trơn tru, tim giống như một cỗ máy phi thường. Các mạnh máu đến cơ bắp được nở ra giống như chiếc xăm xe đạp khi được bơm căng. Chúng giúp tim bơm máu đi khắp cơ thể với khối lượng tùy tùy ý.

Tim bạn khỏe đến mức có thể điều chỉnh mức độ bơm phù hợp với bất kỳ hoạt động nào của cơ thể, kể cả khi bạn đang dạo chơi bên chiếc cối xay gió hay đang tìm cách thoát khỏi lũ ngỗng ngu ngốc giận dữ đuổi sát gót. Hãy tưởng tượng bạn phải nắm mở tay liên tục 60-70 lần/phút trong suốt đời mình; đó chính là việc mà trái tim vẫn làm. Quá trình co bóp cho phép xử lý 5 lít máu mỗi phút khi nghỉ ngơi và 20 lít ngay khi bạn bắt đầu tập thể dục.

Cái ảnh hưởng lớn nhất tới sức khỏe của tim chính là nguồn cung cấp máu cho nó. Trở ngại thường thấy nhất ở khâu này là động mạch vành chở máu nuôi tim bị hẹp hay tắc hẳn, khiến các cơ van tim yếu đi do thiếu máu.

Thật may là chính bạn, chứ không phải vị quan chức nào, nắm vai trò giám đốc nhà máy nước trong cơ thể mình. Bạn sẽ quyết định loại chất lỏng nào chảy trong đường ống, sẽ phá hoại hay bảo vệ các đường ống đó qua cách ăn uống, tập luyện và xử lý stress...

Bạn hãy hình dung hệ tuần hoàn giống như hệ thống tàu hỏa. Trái tim là sân ga chính, nơi tất cả các chuyến tàu đều đi qua. Động mạch, tĩnh mạch là đường ray đưa tàu đi khắp cơ thể, giúp hành khách (máu) tới sân ga ở bất kỳ ngõ ngách nào. Chuyến tàu tối thứ bảy đưa bạn đến buổi ái ân cùng nàng bao giờ cũng rất đông khách.

Nếu đường ray bị hỏng chỗ nào đó hay xuất hiện chướng ngại vật không cho tàu đi qua, hành khách sẽ cáu bẳn ầm ĩ. Nếu ách tắc quá lâu, một số sân ga sẽ ngừng hoạt động và dần dần làm tê liệt rất nhiều sân ga xung quanh nó. Và nếu như chuyến tàu tối thứ 7 nói trên không tới được đích cuối cùng, bạn sẽ bị bất lực.

(Theo Bạn - Chủ nhân cẩm nang sống khỏe)

"Bạn - Chủ nhân cẩm nang sống khỏe" là một trong những cuốn sách bán chạy nhất nước Mỹ năm 2005, liên tục giữ vị trí sách bán chạy nhất trong 39 tuần tính, đến 4/2006.

Sức hấp dẫn của cuốn sách đến từ lối hành văn linh hoạt, dí dỏm, từ các câu chuyện, hình vẽ, trắc nghiệm... về các chức năng sinh lý học của cơ thể, cách sinh hoạt, ăn uống, luyện tập để nâng cao sức khỏe... Nhờ đó, kiến thức y khoa đến với độc giả một cách thân thiện và dễ dàng.

Tác phẩm này của hai bác sĩ Michael F.Roizen và Mehmet C.Oz đã được xuất bản với 26 ngôn ngữ. Ngày 22/8, sách đã ra mắt độc giả Việt Nam, do hai nhà xuất bản Văn hóa thông tin và Y học hợp tác ấn hành.

S.K.

 

Gửi câu hỏi tư vấn tại đây hoặc về [email protected]
 
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]