Dùng đúng thuốc trị đau mắt đỏ

Thuốc nhỏ mắt là dạng thuốc đặc biệt, phải đáp ứng các tiêu chuẩn hết sức khắt khe để dùng cho mắt người. Vì vậy, không được dùng bất cứ thứ gì không phải là thuốc nhỏ mắt để nhỏ vào mắt.

15.5622

Chỉ dùng khi cần thiết

Điều đáng quan tâm là có nhiều người bệnh đau mắt đỏ tự ý chữa trị và chữa trị không đúng cách. Như tự ý xông thuốc, xông lá ở mắt đưa đến gây bỏng giác mạc hay dùng lá trầu đấp lên mắt khiến bệnh lâu khỏi và bị bội nhiễm rất nặng.

Hoặc tự ý mua thuốc nhỏ mắt, đặc biệt là những loại thuốc có chứa corticoid sẽ rất nguy hiểm, khiến bệnh có thể nặng hơn, gây biến chứng viêm loét giác mạc đưa đến mù lòa.

Đôi mắt chúng ta là cơ quan hết sức tinh tế, nhạy cảm, dễ bị tổn thương, vì vậy, chỉ dùng thuốc nhỏ mắt khi cần thiết để nhỏ vào mắt. Thuốc nhỏ mắt được định nghĩa là chế phẩm vô khuẩn (tức không chứa các vi khuẩn gây bệnh), không chứa các chất lạ gây hại, được pha chế và đóng gói thích hợp để nhỏ vào mắt với mục đích điều trị hoặc chẩn đoán các bệnh về mắt.

Với định nghĩa như trên cho thấy thuốc nhỏ mắt là dạng thuốc đặc biệt, phải đáp ứng các tiêu chuẩn hết sức khắt khe để dùng cho cơ quan là mắt người. Vì vậy, không được dùng bất cứ thứ gì không phải là thuốc nhỏ mắt để nhỏ vào mắt.

Nếu mắt bình thường không việc gì thì không nên dùng thuốc nhỏ mắt (bất cứ loại thuốc nào) để nhỏ vào mắt. Chỉ khi nào làm việc bằng mắt nhiều (hiện nay thường là do sử dụng máy vi tính), cảm thấy mỏi mắt, khô mắt, hoặc mắt khó chịu do khói bụi có thể sử dụng thuốc nhỏ mắt chứa nước muối sinh lý (gọi là thuốc nhỏ mắt NaCl 0,9% vì chỉ chứa muối ăn natri clorur) để nhỏ mắt.

Dùng đúng cách

Lưu ý về thuốc nhỏ mắt này cũng giống như các loại thuốc nhỏ mắt khác, khi đã mở lọ thuốc ra chỉ nên dùng trong vòng 15 ngày kể từ khi mở lọ, vì sau khi mở lọ khoảng thời gian 15 ngày sẽ có nguy cơ không còn đạt được độ vô khuẩn.

Thuốc nhỏ mắt NaCl 0,9% chỉ chứa muối NaCl với nồng độ giống như nước mắt nhằm đạt độ đẳng trương làm dịu mắt, cung cấp nước cho mắt bị khô và  làm sạch mắt (ta cần biết mắt ta luôn luôn có nước mắt tiết ra tạo lớp phim mỏng bảo vệ mắt, nếu nước mắt tiết ra không đủ sẽ bị khô mắt rất khó chịu).

Thuốc nhỏ mắt NaCl 0,9% không có tác dụng sát trùng và người bệnh đau mắt đỏ được cho dùng NaCl 0,9% nhằm để rửa làm sạch mắt, làm giảm cảm giác khó chịu ở mắt; bệnh do virus nên có thể tự khỏi.

Do bệnh nhãn khoa có nhiều loại nên có nhiều loại thuốc nhỏ mắt, bác sĩ sẽ tùy vào bệnh lý mà chọn sử dụng. Có thể kể:

  • Thuốc chứa chất sát trùng: Argyrol (chứa bạc vitelinat dùng ngừa bệnh mắt lậu cầu ở tẻ sơ sinh), sulfaxylum, kẽm sulfat.
  • Thuốc chứa kháng sinh kháng khuẩn: cloramphenicol 0,4% (Cloroxit), tetracycline 1%, neomycin, gentamycin, tobramycin, ciprofloxacin… Người bệnh đau mắt đỏ được cho dùng Cloroxit hoặc tetracyclin để trị vi khuẩn bội nhiễm chứ kháng sinh không có tác dụng với virus gây bệnh đau mắt đỏ. Người bị nhiễm vi nấm ở mắt, chớm tăng nhãn áp mà nhỏ thuốc chứa corticoid thì cũng rất nguy hiễm vì có thể bị mù mắt.
  • Thuốc chứa kháng sinh kháng nấm: natamycin.
  • Thuốc chứa chất kháng virus: acyclovir (chỉ có tác dụng virus herpes chứ không có tác dụng với adenvirus gây đau mắt đỏ).
  • Thuốc chứa corticoid chống viêm: Cebedex, Pred-Fort…
  • Thuốc chứa corticoid chống viêm chống nhiễm trùng: Dexacol, Neodexa, Polydexa…

Người bệnh đau mắt đỏ tuyệt đối không tự ý mua thuốc nhỏ mắt có chứa corticoid sẽ rất nguy hiểm, vì bệnh có thể nặng hơn, gây biến chứng viêm loét giác mạc đưa đến mù lòa.

Ngoài các thuốc kể trên, thuốc nhỏ mắt còn có: thuốc giãn đồng tữ (để khám mắt), thuốc trị tăng nhãn áp, thuốc chống viêm không steroid, thuốc làm chậm đục thủy tinh thể…

Bảo quản và ngưng dùng

Khi nhỏ thuốc vào mắt: Tay nên rửa sạch, dùng ngón tay kéo mí mắt dưới xuống, nhỏ vào mí mắt với đúng số giọt theo yêu cầu trong khi hướg mắt lên trên. Tránh không cho chạm đầu lọ thuốc vào mắt cũng như bất cứ vật nào khác. Nhỏ xong đậy kín lọ thuốc ngay.

Không dùng thuốc nhỏ mắt là dung dịch khi thuốc có hiện tượng đục, đổi màu.

Nếu đang nhỏ thuốc thấy mắt đột nhiên đau nhức, hoặc ngay cả mắt mới bị đau chưa dùng thuốc nhỏ mắt mà bị đau nhức phải đi khám mắt ở bác sĩ chuyên khoa ngay, vì đó là dấu hiệu nguy hiểm.

PGS.TS. Nguyễn Hữu Đức

Đại học Y dược TP.HCM

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]