Dùng nitroglycerin có tác dụng phụ gì?

Mẹ tôi hay có những cơn đau thắt ngực, đi khám được bác sĩ cho dùng nitroglycerin nhưng lại dặn không được dùng khi huyết áp thấp.

15.6015
Mẹ tôi hay có những cơn đau thắt ngực, đi khám được bác sĩ cho dùng nitroglycerin nhưng lại dặn không được dùng khi huyết áp thấp. Nhưng tôi rất băn khoăn bởi lúc mẹ tôi uống thuốc thì huyết áp chưa thấp, nhưng sau đó lại bị hạ huyết áp thì có bị ảnh hưởng gì không? Dùng thuốc này kéo dài có tác hại gì? Xin quý báo giải đáp giúp tôi. Tôi xin cảm ơn.

Hoàng Trọng Mạnh (TP.HCM)

Nguyên nhân của đau thắt ngực là do cơ tim bị thiếu ôxy đột ngột vì mất thăng bằng giữa tăng nhu cầu ôxy của cơ tim và sự cung cấp không đủ ôxy của mạch vành. Nitroglycerin là một thuốc đầu bảng trong điều trị cơn đau thắt ngực ở mọi thể, có tác dụng cắt cơn đau nhanh chóng.

Cơ chế tác dụng của thuốc là làm giãn cơ trơn, có tác dụng rất rõ trên cả động mạch và tĩnh mạch lớn nên làm giảm sử dụng ôxy cơ tim và giảm công năng cơ tim; thuốc còn làm thay đổi phân phối máu cho cơ tim, làm tăng tuần hoàn phụ cho vùng tim thiếu máu.

Nitroglycerin được chỉ định trong các trường hợp: phòng và điều trị cơn đau thắt ngực; nhồi máu cơ tim; điều trị tăng huyết áp; điều trị suy tim sung huyết. Trong điều trị cơn đau thắt ngực, để cấp cứu dùng dạng đặt dưới lưỡi là thông dụng nhất vì thuốc có tác dụng ngay sau 2 - 3 phút, để phòng ngừa cơn đau thắt ngực dùng thuốc qua đường uống hoặc hệ điều trị qua da.

Một trong những tác dụng không mong muốn của nitroglycerin là gây hạ huyết áp khi đứng, nhất là trường hợp có huyết áp thấp và người cao tuổi do thuốc làm giãn mạch toàn thân trực tiếp và thoáng qua.

Vì vậy, thuốc không được dùng trong trường hợp huyết áp thấp (huyết áp tối đa dưới 100mmHg), do đó trong quá trình dùng thuốc phải kiểm tra huyết áp thường xuyên (mỗi ngày có thể đo huyết áp 3 lần bằng máy đo huyết áp cá nhân) để kịp thời báo lại với bác sĩ.

Ngoài ra, thuốc còn có thể gây ra tác dụng phụ khác như: làm da bừng đỏ, nhất là ở ngực, mặt, mắt, gây tăng nhãn áp; nhức đầu, tăng áp lực nội sọ; gây phản xạ nhịp tim nhanh. Không sử dụng thuốc trong trường hợp tăng nhãn áp và tăng áp lực nội sọ. Khi sử dụng thuốc liều cao và kéo dài sẽ gây ra hiện tượng dung nạp thuốc làm thuốc kém hiệu lực.

Vì vậy, thời gian dùng thuốc và liều lượng phải theo chỉ định của bác sĩ, đồng thời phải thường xuyên theo dõi tình trạng bệnh, các biểu hiện của tác dụng không mong muốn trong quá trình dùng thuốc.

AloBacsi.vn
Theo DS.Hải Hà - Sức khỏe & Đời sống

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]