Đường đi của thực phẩm “bẩn”

Giadinh.net - Thoát “cửa” kiểm dịch, hải quan, thú y... với khâu lấy mẫu xét nghiệm sơ sài, cấp giấy chứng nhận cẩu thả, thực phẩm “bẩn” được các doanh nghiệp tuồn ra thị trường bằng nhiều mánh khóe, vượt tiếp các “barie” của cơ quan quản lý thị trường và các trạm thú y địa phương.

15.599
>
 
Bán trên đường về kho

Sau khi vượt “tường lửa thực phẩm” là sự kiểm dịch, lấy mẫu xét nghiệm của cơ quan thú y vùng và nhận được giấy chứng nhận thực phẩm an toàn từ chính cơ quan này, doanh nghiệp đã có thể hoàn tất thủ tục hải quan, được phép chở thực phẩm về kho bảo quản và tiến hành giao dịch mua bán dưới sự kiểm soát của cơ quan quản lý thị trường cùng trạm thú y địa phương.
 

Từ thói quen ẩm thực, yêu cầu người tiêu dùng tẩy chay với thực phẩm “bẩn” là điều không tưởng (ảnh chỉ mang tính minh họa).


Cơ quan quản lý thị trường sẽ kiểm soát các giao dịch theo đúng thủ tục, đồng thời kiểm soát số lượng cho đến khi hết lô hàng. Cùng với đó, trạm thú y địa phương chịu trách nhiệm kiểm soát chất lượng thực phẩm, cũng đến khi lô hàng kết thúc. Mọi giao dịch của doanh nghiệp lúc này đều phải thông báo và được sự đồng ý của 2 cơ quan quản lý nói trên. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp nhập khẩu thịt, nội tạng, sản phẩm phụ từ gia súc, gia cầm thời gian quan đã dụng chiêu “tiền trảm hậu tấu” để qua mặt quản lý thị trường và trạm thú y. Theo một cựu nhân viên xuất nhập khẩu tên T (Công ty T.N), các giao dịch đã được doanh nghiệp nhập khẩu thực phẩm “bẩn” thỏa thuận từ trước, việc mua bán diễn ra ngay trên đường về kho. Thực phẩm “bẩn” được tuồn ra thị trường trước khi quản lý thị trường và trạm thú y áp đặt quyền kiểm soát trên lô hàng.

Vụ phát hiện 48 tấn chân gà “bẩn” vào cuối tháng 9/2009 vừa qua do Công ty TNHH giao nhận xuất nhập khẩu Việt Mỹ nhập từ Ba Lan, cho thấy chiêu “tiền trảm hậu tấu” được doanh nghiệp này vận dụng thành công. Theo đó, đơn vị này đã bán hơn 40 tấn chân gà ngay sau khi rời cảng. Chính vì lẽ này, bà Đinh Thị Hồng Hạnh - Trưởng trạm thú y Bình Chánh, đơn vị chịu trách nhiệm kiểm soát chất lượng lô hàng nói trên tại kho lạnh Nhan Hòa đã phải “bó tay” thông báo không thể lấy mẫu xét nghiệm vì trên giấy tờ ghi 48 tấn, nhưng thực tế chỉ còn hơn 3 tấn. Đến khi Công ty Việt Mỹ giải trình ai là người mua thì toàn bộ số chân gà “bẩn” đã được thị trường tiêu thụ hết.

Bán lén tại kho

Đại diện một doanh nghiệp chuyên nhập khẩu thịt đông lạnh ở TPHCM tiết lộ rằng, khi doanh nghiệp lấy hàng ra khỏi kho lạnh (đặc biệt là những lần lấy hàng vào ban đêm), nhiều lần không có nhân viên thú y ở đó nên doanh nghiệp có thể lấy 10 tấn, nhưng sau đó khai báo lấy 5 tấn, thú y cũng không hay biết. Vị đại diện doanh nghiệp này cho rằng sự sơ hở như vậy quá dễ dàng cho các đơn vị gian dối tẩu tán hàng kém chất lượng ra thị trường.

Thậm chí, theo ông T, nhiều doanh nghiệp ngày hôm trước bị kiểm tra phát hiện, ngày hôm sau đã “tẩu tán” toàn bộ số hàng ra thị trường. “Nước đổ làm sao hốt lại được. Thực phẩm tung ra thị trường giống như nước vậy. Người tiêu dùng đã mua hết thì làm sao mà thu hồi. Nhiều doanh nghiệp “chơi liều” như vậy nên cơ quan chức năng đuổi theo cũng không kịp”- ông T nói.

Cũng theo ông T, khi bị phát hiện thực phẩm “bẩn”, nhiều doanh nghiệp còn tránh việc phải tiêu hủy bằng cách chuyển đổi mục đích sử dụng (chuyển làm thức ăn gia súc) rồi “câu giờ” tiếp tục bán lén. “Cơ quan chức năng làm sao có thể trực chiến 24/24 để kiểm soát. Trong khi đó, hệ thống chân rết đưa ra thị trường của các doanh nghiệp này rất mạnh” - ông T tiết lộ.

Về phía cơ quan quản lý nhà nước, ông Phan Xuân Thảo, Chi cục trưởng Chi cục Thú y TPHCM thừa nhận: TPHCM có gần 50 kho lạnh nằm rải rác ở nhiều quận huyện, chưa kể còn có các “kho ma” nên việc kiểm soát chất lượng thịt đông lạnh tại các kho này rất khó khăn. Trong đó, mỗi kho có khối lượng hàng ngàn tấn, chứa nhiều loại hàng hóa, nhiệt độ trong kho lại quá lạnh nên lực lượng thú y địa phương ít khi vào kho để kiểm tra. Chính vì thế, ông Thảo cảnh báo, nếu không sớm có biện pháp xử lý, hơn 300 tấn thực phẩm đang tồn tại ở các kho có thể sẽ tiếp tục bị các doanh nghiệp lén mang ra thị trường tiêu thụ. Theo ông Thảo, số hàng nhiễm khuẩn trên được bảo quản tại các kho lạnh ở Bình Chánh, Bình Tân, Tân Phú, Thủ Đức và quận 8. Trong đó 66 tấn sản phẩm đã qua chiếu xạ nhưng hơn 270 tấn vẫn chưa được diệt khuẩn.

Cũng theo ông Phan Xuân Thảo, nhiều lô thịt trâu, bò nhập khẩu dù đã được cơ quan chức năng ghi nhận nhiễm khuẩn và yêu cầu không được xuất bán, nhưng sau đó doanh nghiệp tự ý tuồn ra thị trường. Tháng 8/2009, tại Bình Chánh, dù được cơ quan chức năng ngăn không cho bán nhưng một lượng lớn thịt trâu đông lạnh nhập khẩu từ Ấn Độ bị nhiễm khuẩn đã biến mất. Cuối tháng 9/2009, hơn 10 tấn lòng trâu, bò kém vệ sinh tại quận 8 cũng được bán hết. Đầu tháng 10/2009, gần chục tấn chân gà nhập khẩu bầm tím, nổi mốc đã được một doanh nghiệp ở Bình Chánh đưa ra thị trường tiêu thụ. Trước đó, Thanh tra Chi cục Thú y TPHCM cũng phát hiện hàng chục tấn thịt lợn nhập khẩu có dấu hiệu vi phạm hạn sử dụng. Một lượng lớn thực phẩm từ các lô hàng này đã được đưa ra thị trường.

“Chịu đấm ăn xôi”

Các hành vi bán trên đường về kho hay bán lén tại kho đều chịu sự chế tài theo quy định. Tuy nhiên, chế tài yếu ớt khiến các doanh nghiệp nhập khẩu thực phẩm chấp nhận phạt tiền để bán thực phẩm “bẩn”. Hàng loạt vi phạm được nêu trong điều 15 của Nghị định 45/2005/NĐ-CP quy định các hành vi vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm đang bị các doanh nghiệp nhập khẩu thực phẩm “bẩn” cố tình vi phạm, bởi vì chế tài tối đa chỉ 15 triệu đồng/lần xử phạt. “Những vi phạm của doanh nghiệp kinh doanh thực phẩm “bẩn” mang lại cho họ tiền tỷ mà phạt 15 triệu đồng thì ăn thua gì. Các doanh nghiệp dễ dàng cân đối lợi ích và chấp nhận chịu phạt”- ông T chua xót.

Chế tài - bức tường cuối cùng của “hệ thống phòng thủ thực phẩm bẩn” đang “phản pháo” cơ quan chức năng và người tiêu dùng, khi các doanh nghiệp xem nhẹ sức khỏe của người tiêu dùng để trục lợi. Những doanh nghiệp này đang biến việc xử phạt thành chiêu “hợp thức hóa” buôn bán thực phẩm “bẩn”. Chiếc khóa chỉ ngăn người ngay chứ làm sao ngăn được kẻ gian. Khi kẻ gian - doanh nghiệp nhập khẩu thực phẩm bẩn - đang lộng hành như hiện nay thì ai phải chịu trách nhiệm và đâu là chiếc khóa hữu hiệu?
 

Theo điều 15 của Nghị định 45/2005/NĐ-CP quy định các hành vi vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm và mức phạt: “Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau: a) Sản xuất, kinh doanh thực phẩm đã bị biến chất, nhiễm bẩn, có tạp chất lạ hoặc nhiễm các chất độc hại có nguy cơ gây ảnh hưởng đến sức khoẻ con người; b) Sản xuất, kinh doanh thực phẩm có ký sinh trùng gây bệnh, vi sinh vật gây bệnh không được phép có trong thực phẩm hoặc vượt quá giới hạn cho phép; c) Sản xuất, kinh doanh thực phẩm hoặc sản phẩm chế biến từ thịt gia cầm, gia súc, thuỷ sản, rau quả do bị bệnh, bị ngộ độc, chết không rõ nguyên nhân hoặc bị ngâm tẩm bằng các chất hoá học không được phép sử dụng; d) Không có giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm do cơ quan có thẩm quyền cấp đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm có nguy cơ cao; đ) Sản xuất, kinh doanh phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, vi chất dinh dưỡng, thực phẩm chức năng, thực phẩm có nguy cơ cao, thực phẩm được bảo quản bằng phương pháp chiếu xạ, thực phẩm có gen đã bị biến đổi nhưng chưa được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cho phép...”.

 
Huyền Trang – Thanh Giang

Báo Gia đình và Xã hội cập nhật tin tức trong ngày liên tục, mới nhất

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]