Gần Tết, bệnh sởi 'quậy' trẻ em

(Sức khỏe) - Sởi là bệnh nguy hiểm với tốc độ lây lan nhanh, sau nhiều năm vắng bóng đã quay trở lại với sự gia tăng về số lượng ca nhiễm cũng như những biến chứng.

15.5944

Bệnh sởi (ban đỏ) là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi rút sởi gây nên. Trẻ em và người lớn đều có thể mắc sởi đặc biệt là những người chưa được chủng ngừa đầy đủ bằng vắc-xin phòng sởi.

Sau hơn 3 năm không có ca bệnh, nhưng hiện nay mỗi ngày Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM tiếp nhận 5 - 6 trẻ mắc bệnh sởi bị biến chứng. 

Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm bệnh viện Nhi Đồng 1 cho biết, sau mấy năm vắng bóng, bệnh sởi đã quay trở lại tấn công nhiều trẻ em từ đầu tháng 12/2013 đến nay.

Theo các bác sĩ điều trị, đa số các bệnh nhi mắc sởi đều không được tiêm vắc-xin ngừa sởi.

Một phụ huynh cho biết, lúc đầu thấy bé biếng ăn, ho rất nhiều, trổ ban xong vẫn còn bị sốt cao. Tưởng con bị sốt xuất huyết nhưng khi nhập viện mới biết cháu bị sởi.

Sau hơn 3 năm vắng bóng, bệnh sởi quay trở lại hoành hành trẻ em

Tương tự, trong những ngày qua, khoa Nội A, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM cũng tiếp nhận nhiều bệnh nhi nghi mắc bệnh sởi. Mỗi ngày có trung bình gần chục ca nằm viện với các triệu chứng trổ ban đỏ khắp người và sốt mê man. Bệnh viện đã gửi các mẫu bệnh đến Viện Pasteur TP HCM và 70% các mẫu này đều dương tính với virus sởi.

Một phụ huynh chia sẻ: “Cháu có biểu hiện sốt cao tới 40 độ C, mi mắt sưng, nước mũi ra nhiều. Tôi cho cháu vào bệnh viện khám, các bác sĩ cho biết đã chuyển sang thể nặng nên phải cấp cứu ngay”.

Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm bệnh viện Nhi Đồng 1, nếu cơ địa của trẻ yếu hoặc được chăm sóc không tốt thì sẽ có biến chứng viêm phổi, viêm tai. Đặc biệt, viêm tai có thể gây ra điếc, viêm phổi, nặng nhất là bị viêm não, để nặng quá có thể gây tử vong.

Với trẻ suy dinh dưỡng kết hợp bị sởi sẽ dễ dẫn đến viêm phổi và suy dinh dưỡng nặng hơn.

Để nhận biết bệnh sởi ở trẻ, bác sĩ Khanh lưu ý các triệu chứng như sốt cao, ho nhiều, sau đó nổi ban khắp người. Phụ huynh khi thấy trẻ sốt quá cao, co giật, thở mệt, tiêu ra máu, chảy mủ tai thì phải đưa trẻ đến bệnh viện ngay.

Phụ huynh không nên kiêng ăn, kiêng tắm, kiêng gió cho trẻ bị bệnh sởi và cần phải thúc trẻ ăn nhiều vì thường bị bệnh này trẻ hay biếng ăn. Nhiều phụ huynh kiêng ăn, cho trẻ uống thuốc sẽ làm trẻ bệnh nặng hơn.

Để chủ động phòng tránh chỉ có cách chích ngừa sởi, không bỏ mũi 9 tháng”.

Hiện nay, thời tiết đang trở lạnh đột ngột cũng khiến các bệnh lây qua đường hô hấp ở trẻ em như: sốt xuất huyết, thủy đậu, rubella gia tăng tại TP.HCM trong dịp cận Tết.

Phòng ngừa bệnh Sởi

  • Dùng khăn hoặc tay che miệng khi ho, hắt hơi.
  • Rửa tay trước khi ăn và trước khi chế biến thức ăn.
  • Chích ngừa sởi là biện pháp chủ động để ngừa bệnh sởi.

Những ai cần tiêm chủng phòng chống bệnh Sởi

  • Trẻ em tiêm chủng đầy đủ 2 liều vắc-xin sởi trong chương trình tiêm chủng mở rộng (miễn phí) theo lịch sau:

- Tiêm mũi 1 khi trẻ từ 9 tháng đến 11 tháng tuổi.

- Tiêm mũi 2 khi trẻ 6 tuổi (học lớp 1).

  • Người lớn cần tiêm nếu có nguy cơ lây bệnh cao như:

- Chưa tiêm chủng trước đó.

- Sống trong vùng có dịch sởi.

  • Cán bộ y tế tiếp xúc trực tiếp với người bệnh sởi.

Có thể tiêm chủng phòng ngừa bệnh Sởi ở Viện Pasteur TP.HCM, Trung tâm Y tế Dự phòng Thành phố và Quận, Huyện hoặc Trạm Y Tế Phường, Xã.

Bình Nguyên

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]