Giảm cân cho trẻ: khó !

Các bé thừa cân, béo phì khi bước vào tuổi dậy thì luôn mong có được một thân hình thon thả… Lúc này, cuộc chiến giảm cân của phụ huynh và bé bắt đầu….

0

Dễ dàng… thất bại

Chiến lược giảm cân do các bác sĩ dinh dưỡng đề ra thường rất đơn giản:

- Tăng cường năng lượng tiêu hao bằng cách vận động.

- Giảm năng lượng ăn vào.

Tuy nhiên, từ lý thuyết đến thực hành vô vàn khó khăn. Để tăng cường năng lượng tiêu hao, con trai thì cho đi học võ, bóng rổ…; con gái thì đi bộ, nhảy dây. Thế nhưng, các kế hoạch thường bị phá sản vì trẻ không kiên trì, không thấy ngay được hiệu quả. Chưa kể, một số tình huống “căng thẳng” đòi ăn đòi uống sau khi luyện tập.

Về ăn uống, nhiều phụ huynh cũng nôn nóng cho con ăn theo các bài thuốc giảm cân, kiểu như cho con ăn nguyên trái bưởi hấp lên. Đang ăn uống ngon miệng, nay phải đối mặt với các món có vị kinh khiếp hoặc kiêng khem quá mức, trẻ thường có phản ứng tiêu cực.

Bí quyết giảm cân

Giảm cân cho trẻ tốt nhất là từ lúc trẻ bắt đầu có dấu hiệu tăng cân, béo phì. Càng phát hiện sớm càng dễ, càng trễ thì khó khăn trong giảm cân càng tăng theo cấp số nhân vì:

- Ăn uống đã trở thành thói quen.

- Trẻ ham thích những trò chơi ngồi một chỗ như chơi game, xem ti vi…

- Bao tử có sức chứa lớn nên luôn đòi hỏi…

Theo TS Trần Thị Minh Hạnh - Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM, việc vận động mỗi ngày 60 - 120 phút, cường độ cao, mồ hôi nhễ nhại, thở hổn hển mới có thể giảm từ nửa ký đến một ký/tuần. Tuy nhiên, khó có ai tập liên tục hai tiếng với cường độ cao như thế.

Tuy nhiên, không có việc gì khó nếu bền chí và có mục tiêu rõ ràng. Cần lên kế hoạch giảm cân và giải thích thật rõ cho trẻ biết là phải khoảng trên dưới 10 năm cơ thể mới tích lũy được số cân dôi ra 25-30kg. Vì vậy, muốn giảm cân phải cần thời gian tính bằng năm, không thể một sớm một chiều. Cần lên kế hoạch cụ thể. Ví dụ trong năm 2014 sẽ phấn đấu giảm xuống 10-12kg, mỗi tháng xuống một - hai ký. Để đạt mục tiêu này, điều cần làm là tập các thói quen sau:

Ăn uống

Không giảm ngay mà giảm từ từ để không “vật vã” vì sự phản ứng của cơ thể qua những cơn đói và đòi hỏi ăn uống rất khó chịu.

- Ăn thay thế một phần cơm bằng các loại rau, củ, quả, luộc (thực hiện khi dùng bữa cơm gia đình).

- Thực hiện “vườn không nhà trống” tức trong tủ lạnh chỉ có các loại: yaourt, dưa leo, lê, táo, thanh long, ổi, cóc, đu đủ, củ sắn, hạt dưa… thay vì các loại bánh kem, kem, chocolate, chè…

- Thay thế các món chiên, quay… bằng các món cuốn (cuốn tôm, thịt nạc, cá…), gỏi gà (không ăn da…), xà lách trộn cá ngừ…

- Ăn giảm dần, càng về chiều càng ít và không ăn đêm.

- Khi tham gia các bữa tiệc cần quyết định trước mình sẽ ăn gì, bao nhiêu… chứ không ăn theo khẩu phần chia sẵn của nhà hàng.

Tập luyện

Chọn môn thể dục thể thao ưa thích và tăng dần cường độ theo thể lực. Ví dụ nhảy dây ngày đầu chỉ 50 cái, ngày hôm sau 55 cái. Khi thấy mệt thì không cố sức, vì sự mệt mỏi kéo dài cũng gây ra lười biếng, làm phá sản kế hoạch. Theo TS Trần Thị Minh Hạnh, việc luyện tập mỗi ngày một-hai tiếng tuy có giảm cân nhưng sau đó lại ngồi yên trong phòng thì vẫn không hiệu quả bằng cuộc sống năng động, thường xuyên tham gia việc nhà, chạy nhảy ở trường học.

Trẻ cần tập thói quen đi thang bộ, chạy nhảy trong giờ ra chơi, làm bếp phụ mẹ, lau nhà phụ cha… Cuối cùng, trẻ cần ghi nhớ đây là cuộc chiến của bản thân, cha mẹ chỉ giúp đỡ, nhắc nhở chứ không thể thay thế.

AloBacsi.vn
Theo Phương Nam - Phụ Nữ Online
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]