Hạ đường huyết ở người bệnh đái tháo đường và cách xử trí

Đường máu hạ xuống thấp quá mức bình thường lại là một tình trạng cấp tính rất nguy hiểm ở người bệnh đái tháo đường.

15.6014

Nó thậm chí còn nguy hiểm hơn tăng đường huyết rất nhiều, vì có thể gây tử vong nhanh chóng nếu không được xử lý kịp thời.

Một số biểu hiện của hạ đường huyết

Khi bị hạ đường huyết, người bệnh mệt đột ngột, run, tim đập nhanh, vã mồ hôi, lạnh, ẩm; lo lắng bứt rứt, chóng mặt, đau đầu; cảm giác đói cồn cào.

Rối loạn hệ thần kinh trung ương: Nhìn đôi, lú lẫn, cư xử bất thường, mất trí nhớ, mất tri giác, co giật, hôn mê.

Dùng thuốc hạ đường huyết quá liều là một trong những nguyên nhân gây hạ đường huyết ở người bệnh ĐTĐ. Ảnh minh họa

Các yếu tố nguy cơ gây hạ đường huyết

Dùng liều thuốc hạ đường huyết quá cao, quá lâu. Người bệnh kiêng khem quá mức; người bệnh không ăn uống nhưng vẫn dùng thuốc hạ đường huyết. Do uống quá nhiều rượu, nhất là uống rượu mà không ăn gì.

Dùng liều insulin chưa thích hợp. Người bệnh đang dùng thuốc điều trị các bệnh khác như: cúm, nhiễm khuẩn… hoặc dùng phối hợp nhiều loại thuốc hạ đường huyết với nhau mà theo dõi không kỹ…

Cần làm gì khi có biểu hiện hạ đường huyết?

Khi có biểu hiện hạ đường huyết cần nhanh chóng đưa đường huyết lên mức an toàn, tránh nguy cơ tổn thương hoặc tăng đường huyết quá mức. Ngừng ngay các thuốc hạ đường huyết hoặc insulin.

Với hạ đường huyết nhẹ: có thể ăn bánh, hoa quả, sữa… hoặc bất cứ đồ ăn nào có sẵn trong nhà.

Nếu không đỡ nhưng bệnh nhân tỉnh: uống tối thiểu 15g glucos (3 miếng đường hoặc 3 thìa cafe trong 100ml nước) hoặc 100 - 150 ml nước ngọt (hoa quả, cocacola) có thể làm tăng đường huyết lên 50mg/dl (2,7mmol/l) trong 15 phút.

Thử lại đường huyết sau 15 phút. Nếu không đỡ, ngay lập tức bệnh nhân phải vào các cơ sở y tế để điều trị.

Trường hợp bệnh nhân hôn mê không được cho bệnh nhân uống hay ăn vì rất dễ sặc vào phổi.

Mức đường huyết an toàn khi đói là 90 - 120mg/dl (3.9 - 6.4mmol/l), sau các bữa ăn 1 - 2 giờ là nhỏ hơn 180 mg/dl (10 mmol/l). Khi đường huyết xuống dưới 3.6 mmol/l (65 mg/dl), các triệu chứng thần kinh sẽ xuất hiện; nếu xuống dưới 0,55 mmol/l (10 mg/dl) thì các nơron thần kinh sẽ bị mất hoạt động điện học, khiến người bệnh nhanh chóng đi vào hôn mê.

Khi đường máu xuống thấp dưới ngưỡng bình thường, cơ thể sẽ gia tăng sản xuất các hoóc-môn để làm tăng đường huyết như adrenalin, glucargon theo cơ chế tự bảo vệ. Chính sự gia tăng của các hoóc-môn này gây nên triệu chứng kinh điển của hạ đường huyết như: cảm giác cồn cào, mạch nhanh, da tái lạnh, bủn rủn chân tay…


Theo BS Quý Nhân - Sức khoẻ và Đời sống

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]