Hấp dẫn 10 món ngon biến tấu từ hủ tiếu ở Sài Gòn

Hủ tiếu là món ăn gợi nhớ rất nhiều trong ký ức của những người từng gắn bó với mảnh đất Sài Gòn phồn hoa. Món ăn này được biết đến là đa phong cách khi có thể biến tấu thành nhiều kiểu khác nhau, từ hủ tiếu nước, hủ tiếu khô, hủ tiếu xào… nhưng mỗi loại đều vẫn giữ được những nét đặc trưng và hương vị riêng.

31.1477

1. Hủ tiếu mực thịt băm

 

Tô hủ tiếu mực thịt băm với thành phần chính là mực ống tươi cắt khoanh, thịt băm vò viên thơm ngon béo ngậy, trứng cút trần qua nước sôi tái chín, ăn cùng rau cần, tần ô, giá, hẹ... đã hấp dẫn rất nhiều vị khách ghé thăm Sài Gòn. Đối với món ngon nổi tiếng này thành phần quan trọng nhất chính là nước lèo phải có vị đậm đà. Nồi nước lèo được hầm với xương ống, thêm mực nướng, củ cải trắng, tôm chấy mỡ, tỏi và hành tím phi thơm... sẽ cho ra nồi nước thơm, ngọt đậm đà.

2. Hủ tiếu cá Nam Vang

 

Có nguồn gốc từ Phnôm Pênh nhưng sau khi “định cư” ở Việt Nam thì hủ tiếu Nam Vang đã biến tấu khác bản gốc rất nhiều. Một tô hủ tiếu khô ăn kèm với thịt bằm, tỏi phi và được rưới hắc xì dầu mới nhìn thôi đã cực ngon mắt. Còn cá sẽ được nấu trong nước hầm xương, vừa sôi là bắc ra liền và đổ vào chén riêng ăn kèm với hủ tiếu khô. Cá ở đây là loại cá lóc bông, bỏ xương rồi thái mỏng. Nước chấm cá gồm nước tương (hoặc nước mắm), vài lát ớt hoặc tương ớt, tỏi bằm, vừa ăn cá vừa chấm, rồi ăn kèm với hủ tiếu khô và đầy đủ rau sống như hủ tiếu Nam Vang.

3. Hủ tiếu bột lọc

 

Được làm từ bột lọc nên sợi hủ tiếu dai mềm hơn, sợi to dễ gắp. Nước lèo trong vắt, ngọt lịm vị xương, sóng sánh vài lá hẹ được ngắt nhỏ và những tóp mỡ chiên giòn. Có thể ăn hủ tiếu bột lọc cùng thịt hay gan nhưng ngon nhất vẫn là cật. Miếng cật được cắt mỏng, luộc vừa chín tới nên khi chấm với một ít sa tế ớt, ăn có cảm giác giòn và ngọt lịm.

4. Hủ tiếu Nam Vang

 

Nguyên liệu chính là hủ tiếu khô, nước dùng là thịt bằm nhỏ nấu cùng lòng heo. Hủ tiếu Nam vang có vị ngọt của xương, của tôm, vị đậm đà của thịt bằm không chỉ ngon mà còn thu hút người ăn bởi màu nâu sẫm của gan, trắng của trứng cút và sắc xanh của cần tây, lá hẹ. Từng sợi hủ tiếu mềm dai kết hợp với nước dùng thanh ngọt, vị béo của những nguyên liệu trên quyện thêm mùi thơm của tỏi phi vàng rộm sẽ níu chân người quay lại thưởng thức.

6. Hủ tiếu sa tế

 

Tô hủ tiếu sa tế nóng hổi quyện với hương thơm lan tỏa từ nồi nước sa tế nghi ngút khói nấu bằng bột đậu phộng thêm thật nhiều gia vị đặc trưng như đại hồi, tiểu hồi, thảo quả, đinh hương, quế chi, cà ri, nghệ... đã góp phần giúp ẩm thực Sài thành dễ dàng ghi điểm trong lòng mọi người. Tùy theo sở thích của khách mà các chủ cửa hàng điều chỉnh lượng sa tế cho phù hợp. Vị cay của sa tế trộn với các gia vị khác như tôm khô, đậu phộng, tỏi, sả tạo nên một bát hủ tiếu đủ vị cay, chua, béo, mặn, ngọt đậm đà.

5. Hủ tiếu bò kho 

 

Nghe tên gọi nhiều người sành ăn đã lờ mờ đoán được nguyên liệu chính của món hủ tiếu bò kho này gồm hủ tiếu, thịt bò nhưng để có được bát hủ tiếu ngon cần dùng nhiều gia vị hành tỏi phi thơm, sả, tiêu. Thịt bò kho với nước dừa xiêm, cà rốt và cà chua. Khi ăn phải cảm nhận được nước bò kho sền sệt, đậm đà, thịt bò mềm nhưng không nát. Các loại rau sống hành lá, ngò, hành tây được bỏ vào bát khi bắt đầu ăn.   

7. Hủ tiếu Mỹ Tho

 

Đặc điểm nổi trội của hủ tiếu Mỹ Tho là cọng nhỏ, khô, dai và giòn giòn thơm ngon nấu cùng thịt nạc, lòng, xương hoặc hải sản... Điều hấp dẫn người ăn hủ tiếu Mỹ Tho nhiều nhất chính là nước dùng. Ngoài vị ngọt của nước hầm xương, còn có cái mằn mặn của tôm khô, ngọt nhẹ của củ cải, tạo cảm giác dìu dịu nơi đầu lưỡi khi thưởng thức đúng vị ẩm thực miền Tây.

8. Hủ tiếu Sa Đéc

 

Bánh hủ tiếu Sa Đéc lại có cọng to, màu trắng sữa, khi ăn cho cảm giác dai mềm, hơi giòn cùng cái vị ngọt dịu khiến người thưởng thức khó quên. Nước dùng của hủ tiếu này nhìn trong vắt nhưng ngay từ miếng đầu tiên người dùng đã có thể cảm nhận được độ ngọt đậm tự nhiên từ xương heo nguyên chất. Tiếp đến, bát hủ tiếu không dùng thịt bằm thay vào đó là miếng phèo non cắt vừa, lát tim heo, lát thịt nạc rất vừa miệng ăn, không hề tạo cảm giác béo ngậy khó chịu. Vị chua, giòn, cay, độ nồng tỏi, ớt cùng hòa trộn giúp món ăn thanh ngọt và tròn vị hơn hẳn.

9. Hủ tiếu tôm xào

 

Sợi hủ tiếu dai dai kết hợp với đồ xào có đầy đủ hương vị mặn ngọt của tôm khô và thịt bằm, sự giòn mát của rau giá luôn được đón nhận nồng nhiệt vì cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng. Đĩa hủ tiếu xào sau khi được bày ra rắc thêm chút tiêu và hành ngò, ăn nóng kèm với nước tương, chanh, ớt là sự kết hợp tuyệt vời.

10 . Hủ tiếu đen Singapore

 

Đây là món ăn đậm chất Á đông, từng sợi hủ tiếu được thấm đẫm mùi thơm của tỏi và gừng, vị ngọt của tôm, mực, thịt băm không thể tách rời lúc cho vào xào cùng. Khi chế biến món hủ tiếu đen cần sử dụng dầu hào, nước tương, tiêu, đường, bột gà, rượu, cải thìa, cà rốt, nấm và nước hầm xương. Rau thơm như hành, ngò cho đĩa hủ tiếu dậy mùi và đẹp hơn. 

Tin bài liên quan

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]