Hễ dạy con là cáu, phải làm sao?

0

Mỗi tối dạy con học bài là một trận chiến đối với tôi. Con hay làm sai khiến tôi phát bực, quát tháo và thậm chí cốc đầu hay lấy thước vụt vào tay con.

Tôi cố gắng hướng dẫn, làm mẫu cho con nhiều lần nhưng cháu vẫn không hiểu, không làm được. Khi mẹ hỏi hiểu chưa thì con bảo hiểu rồi, nhưng lúc cầm bút làm bài thì lại sai. Có lúc, cháu trả lời bằng miệng với mẹ thì đúng nhưng viết vào bài lại sai.

Tôi cáu quá, không kìm nổi nên toàn quát tháo và thậm chí cốc đầu hay lấy thước vụt vào tay con. Con khóc tôi lại thấy ân hận và quyết tâm lần sau không làm như thế nữa. Nhưng mọi việc vẫn lặp lại. Tôi không biết phải làm thế nào để sửa mình và dạy con hiệu quả. (Minh Nguyệt)

Ảnh minh họa: Ambargilmore.files.wordpress.com.

Trả lời

Chào bạn!         

Tình huống bạn đang gặp cũng là hoàn cảnh của nhiều gia đình. Ngày nay việc dạy con học tưởng dễ mà thật không dễ chút nào. Có thể lý giải như sau:

Thứ nhất: chương trình học cuả học sinh ngày nay thật sự khác xa với các thế hệ trước. Vì vậy không phải phụ huynh nào cũng có thể dạy học cho con được, kể cả những người có trình độ.

Thứ hai: Dạy học là cả một nghệ thuật. Không phải cứ có kiến thức là có thể dạy cho người khác hiểu được. Muốn dạy được đòi hỏi phải có phương pháp dạy, cách diễn đạt, cách dùng từ ngữ… Thậm chí chúng ta vẫn thường nghe người học than phiền rằng: ông giáo sư này, bà tiến sĩ nọ là những người “gây mê”, hay kiến thức nhiều mà giảng chẳng hiểu gì cả.

Thứ ba: Muốn người học hiểu và hứng thú học, đòi hỏi người dạy còn phải biết tâm lý người học. Ví dụ như: độ tuổi, học lớp nào, tâm trạng ra sao, tâm thế, sự hứng thú, động cơ học, khả năng tiếp thu của trẻ như thế nào, sức khỏe?... Thậm chí người học khi có ác cảm với người dạy rồi thì không thể học được.  

Thứ tư: Về phía trẻ không phải đứa trẻ nào cũng có khả năng tiếp thu kiến thức nhanh chóng. Có trẻ rất bình thường, nhưng lại khó học. Có thể khó học về ngôn ngữ, có thể khó học toán…  Hoặc có trẻ lại tiếp thu rất chậm, đòi hỏi phải có thời gian mới hiểu được.

Nhiều trẻ khác lại gặp khó khăn về tư duy trừu tượng, tức là trẻ chỉ tiếp thu dễ dàng khi nhìn thấy trực tiếp, cụ thể cái đó là gì. Ngược lại, những kiến thức mang tính trừu tượng, đòi hỏi trẻ phải tưởng tượng thì rất khó để trẻ hiểu được. Có trẻ lại bị chi phối về tâm lý. Chúng ta thường hay gặp nhiều trẻ rất sợ học. Cứ mỗi lần nhắc đến học là lo lắng, chán nản, đi học với trẻ không phải là niềm vui mà là nỗi thống khổ và như vậy cũng chẳng thể nào tiếp thu được. Vì thế sự chuẩn bị tâm thế  ngày đầu cho trẻ đến trường rất quan trọng. Rồi môi trường học, thầy cô, bạn bè có làm cho trẻ thấy thỏa mái hay không đều ảnh hưởng đến sự tiếp thu.

Thứ năm: Khi cha mẹ dạy con học là chúng ta đã biết về điều ấy rồi, trong khi với trẻ là cái mới, nhưng khi dạy trẻ học chúng ta thường lấy mình ra làm chuẩn nên khi dạy mà nói chừng vài lần trẻ không hiểu là chúng ta la hét, quát mắng con. Hậu quả trước mắt là con sẽ lo sợ, sự tiếp thu bắt đầu giảm sút. Khi đó con sẽ chẳng có tâm trạng gì để mà học. Bạn lại càng tức khi bạn tiếp tục giảng mà con chẳng hiểu gì.

Bạn càng nôn nóng và lại la mắng và khi đó con lại càng sợ và chẳng tiếp thu được gì  nữa. Đó là một chuỗi phản ứng. Hậu quả về lâu dài có thể đối với con là nỗi ám ảnh, và trẻ sẽ sợ học. Thậm chí trầm cảm, rối loạn lo âu.  Chính vì quá sợ bị đánh mắng nên có trẻ phải nhận liều là mình hiểu để cho qua chuyện.

Trong trường hợp của bạn, việc bạn cần làm ngay lúc này là hãy lắng nghe con để xem con bạn đang có những cảm xúc gì và gặp khó khăn gì, mong muốn gì? Có như vậy, bạn mới biết mình phải làm gì. Muốn dạy con học đòi hỏi cha mẹ phải có tính kiên nhẫn, biết kìm chế cảm xúc nóng giận, nếu không sự dạy đó vô tác dụng, thậm chí là phản tác dụng.

Nếu quá nóng giận, bạn có thể đi chỗ khác hay uống một ly nước hoặc nghỉ trong vài phút để tĩnh tâm lại… Khi tâm trạng không vui, không thỏa mái thì đừng dạy, bởi tâm trạng đó sẽ  lây qua con. Đồng thời bạn tìm hiểu xem con mình thuộc dạng tiếp thu nhanh hay chậm để điều chỉnh cách dạy. Bạn cũng cần học cách thức diễn đạt, phương pháp dạy để con dễ hiểu.

Đối với con, trước khi vào học, bạn hãy tạo cho con tâm lý thỏa mái bằng cách như cho nghe nhạc, cho nghỉ ngơi, chia sẻ những lời yêu thương dành cho con… 

Và cuối cùng, nếu việc dạy học của bạn làm con bị ức chế tâm lý, làm con sợ học thì bạn nên ngừng ngay việc này, để ai đó trong gia đình giúp cháu học. Nếu không thì tìm giáo viên để họ dạy đúng phương pháp sư phạm.

Chúng tôi hy vọng với những chia sẻ trên bạn sẽ có hướng giải quyết tốt cho con và bạn.

Minh Hoa
Chuyên gia tư vấn tâm lý-trị liệu 1088 TP HCM

Gửi câu hỏi tư vấn tại đây hoặc về [email protected]
 
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]