Con tôi bị móm phải làm sao

15.5813

Con tôi mới 16 tháng tuổi nhưng tôi nhìn thấy cháu bị móm rõ ràng, răng hàm trên bị thụt vào bên trong, khi cười chỉ nhìn thấy răng hàm dưới.

Bao giờ thì tôi có thể cho cháu đi làm răng, có phải càng can thiệp sớm càng tốt không, có phải phẫu thuật không? (Hằng).

Bé có bị móm hay không phải chờ đến khi thay răng mới có thể xác định chính xác. Ảnh: L.A.

Trả lời:

Chào bạn,

Móm hay còn gọi là khớp cắn ngược là biểu hiện hàm răng trên ở phía trong so với hàm răng dưới. Khớp cắn ngược thường có 2 dạng: Khớp cắn ngược do răng và khớp cắn ngược do xương.

Khớp cắn ngược do răng biểu hiện ngược ở nhóm răng cửa phía trước. Nguyên nhân là do răng cửa hàm trên mọc muộn hơn răng cửa hàm dưới hoặc do trẻ có thói quen trượt hàm sang bên, nghiến răng mạnh khiến răng hàm trên bị thụt vào bên trong.

Có nhiều trẻ khi thay răng xong, răng trở lại bình thường, không có hiện tượng khớp cắn ngược nữa. Vì vậy, hãy chờ đến khi con bạn thay răng để xem bé có thực sự bị móm hay không.

Nếu đúng bé bị khớp cắn ngược do răng, điều trị thuận lợi nhất là vào thời điểm bé thay răng cửa, cụ thể là khi răng cửa dưới đã mọc hoàn toàn và răng cửa trên mọc ít nhất được nửa thân răng. Tùy vào độ sai lệch răng của bé mà các bác sĩ nha khoa có thể nong hàm trên bằng các dụng cụ y khoa phù hợp.

Đối với các bé có khớp cắn ngược do xương, ở giai đoạn răng sữa bạn có thể nhận thấy khuôn mặt của bé lõm vào một chút, hàm dưới bị đưa ra nhiều so với hàm trên, mức độ lõm càng gia tăng có thể gây khớp cắn hở phía trước.

Nguyên nhân của khớp cắn ngược do xương có thể là do xương hàm trên kém phát triển so với xương hàm dưới. Bé cũng có thể bị dị tật khe hở vòm miệng làm xương hàm trên thiếu hụt kích thước.

Việc có phải bé bị khớp cắn ngược do xương hay không, hãy chờ đến khi bé thay răng, sau đó đưa đến các bác sĩ nha khoa để có được sự tư vấn phù hợp nhất.

Với những bé bị nhẹ, bác sĩ có thể cho bé đeo khí cụ Face Mask chỉnh nhóm để kích thích sự phát triển của hàm trên. Việc này được thực hiện tốt nhất khi bé khoảng 12-13 tuổi.

Với những trường hợp nặng, các bé sẽ phải chờ đến khoảng 18 tuổi trở lên khi xương không còn phát triển và các sai lệch của khuôn mặt gần như dừng lại.

Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Minh Hiền

Phó khoa Răng Hàm Mặt - Bệnh viện Bộ Công Thương

Gửi câu hỏi tư vấn tại đây hoặc về [email protected]
 
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]