Hiểm họa rình rập trẻ ở trường mẫu giáo

Tai nạn với đồ dùng, đồ chơi ở lớp học; tai nạn do bạn bè; ngộ độc thực phẩm... là những hiểm họa đang ngày ngày rình rập trẻ nhỏ ở trường mẫu giáo, bố mẹ cần nắm bắt rõ để bảo vệ con mình.

15.6047

Theo các chuyên gia, trẻ lứa tuổi càng nhỏ hiểm họa càng lớn. Việc lựa chọn trường để gửi gắm con mình cũng cần được cân nhắc kỹ.

Hiểm họa từ đồ chơi, đồ dùng

Môi trường sư phạm có vẻ an toàn nhưng vẫn ẩn chứa những hiểm họa cho trẻ. Trước tiên, về cơ sở vật chất, các lớp  học đều có nhiều ngăn, giỏ đựng đồ chơi, đồ chơi nhiều chủng loại: to, nhỏ, bằng nhựa, bằng gỗ... bày khá bắt mắt ở xung quanh phòng học. Hệ thống dây điện được thiết kế ngoài tầm với của trẻ.

Với số lượng trung bình 50 học sinh thì 3 cô giáo muốn quản được lớp sẽ khá vất vả để trẻ không bị nguy hiểm.

Trẻ rất dễ nuốt phải đồ chơi ở trường mẫu giáo (ảnh minh họa)

Cô Phạm Thu Hường, lớp số 12 trường mẫu giáo Việt Triều (Hà Nội) cho rằng: Dù ở bất cứ đâu, môi trường xung quanh cũng đều ẩn chứa những hiểm họa cho trẻ nếu trẻ không được chăm sóc, giáo dục tốt.

Cô giáo phải có kỹ năng hướng dẫn trẻ làm quen với đồ chơi, cách chơi đồ chơi như thế nào cho dù là chơi giả vờ, ăn giả vờ nhưng cũng làm như thật. Chẳng hạn, trẻ chơi ở góc nấu ăn thì trẻ được đóng vai là người nội trợ, khi nấu thì dù chiếc chảo bằng nhựa đồ chơi nhưng cô giáo cũng phải dạy cho trẻ biết cảm giác chiếc chảo đang nóng, phải dùng miếng lót nồi để khỏi bỏng tay...

Các đồ chơi thường được làm từ các vật liệu nhựa, gỗ có những cạnh sắc, có những loại có những chi tiết nhỏ có thể nuốt được. Đồ dùng học tập như bút sáp bút chì nếu chẳng may trẻ ngậm vào nuốt phải sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng. Vì thế, ngay từ lớp mẫu giáo bé, các cô giáo đã dạy trẻ phân biệt thứ gì có thể ăn được, thứ gì không được phép cho vào miệng và dặn các con nếu thấy những đồ vật của mình hoặc không phải của mình rơi ra lớp đều phải nộp cho cô.

Không chỉ đồ chơi, nhiều đồ dùng trong lớp học như tủ đựng đồ, kệ đựng giày dép, các thiết bị nhà vệ sinh, tay vịn cầu thang... cũng có thể gây thương tích cho trẻ.

Tai nạn từ bạn bè

“Tai nạn cho trẻ có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Một bé đang ngồi chơi, bé kia đi giật lùi và té ngã lên người bạn. Một bé ngồi trên xích đu và rướn sức để đẩy xích đu, các bé khác đứng phía sau bị xích đu tông vào. Có bé thì rượt đuổi nhau, đầu va vào các góc sắc cạnh của xích đu, bị rách đầu phải khâu mấy mũi...

Tai nạn từ bạn bè xảy ra cũng rất bất ngờ, nhiều khi không lường trước được (ảnh minh họa)

Ngay cả nhà banh trông có vẻ an toàn nhưng vào đó các bé nhảy và xô đẩy nhau, có bé té chống tay xuống bị gãy tay. Nếu giờ ra chơi mà lớp nhà trẻ ra sân cùng lúc với lớp mẫu giáo, chắc chắn các bé lớp nhà trẻ sẽ bị giành đồ chơi hay bị rượt đuổi đến trượt té hoặc các tai nạn tương tự” - một giáo viên Trường mầm non Thiên Lý (Q.Tân Phú, TP.HCM) cho biết.

Ngộ độc thực phẩm

Trong những năm gần đây, việc hàng chục trẻ mầm non nhập viện trong tình trạng nôn mửa, đau đầu, chóng mặt vì ngộ độc thực phẩm không phải là chuyện hiếm gặp.

Gần đây nhất là sự việc 30 trẻ học tại một trường mẫu giáo ở Cần Thơ phải nhập viện ngày 28/4/2015.

Chăm con trai tại khoa Cấp cứu, chị Đặng Thị Hồng Trang (36 tuổi) cho biết cậu bé bị ói tại trường từ chiều hôm trước, ngay sau bữa ăn. Các cô giáo đã gọi điện gia đình đến đưa cháu về. “Cả đêm qua con tôi ói, tiêu chảy liên tục. Gần sáng nay thì cháu phát sốt nên gia đình đưa vào viện. Đến đây mới hay nhiều trẻ học cùng trường với cháu cũng phải nhập viện”, chị Trang nói.

Vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm ở trường mẫu giáo cũng đáng báo động (ảnh minh họa)

Theo Thạc sĩ - bác sĩ Lê Văn Khoa (Khoa Cấp cứu Bệnh viện nhi đồng Cần Thơ), sau khi nhập viện các cháu được truyền dịch, điều trị xử lý các triệu chứng ngộ độc thực phẩm. Bác sĩ Khoa  nhận định có thể các bé ngộ độc do ăn bánh mì ngọt bị nhiễm khuẩn.

Vấn đề ngộ độc thực phẩm ở trẻ trường mầm non, mẫu giáo gióng lên một hồi chuông báo động cho giáo viên và các bậc phụ huynh có con nhỏ, đòi hỏi các nhà chức trách vào cuộc kiểm tra kĩ lưỡng vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm tại đây.

Nói tóm lại, lứa tuổi học sinh mầm non, mẫu giáo là lứa tuổi phải đối mặt với nhiều hiểm họa ở trường học. Vì vậy, bố mẹ cần lựa chọn cho con mình một môi trường học tập an toàn nhất để bảo vệ con mình ở những năm đầu đời.

Hảo Min (tổng hợp)

Theo GĐVN

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]