Hiểm họa rình rập "hoa trắng" đường đến trường

Bị đâm ngay trong lớp; bị côn đồ đánh, bị xe đâm... đường đến trường với nhiều học sinh rình rập biết bao nguy hiểm.

15.4604

Di ảnh em Nguyễn Hữu Hoàng (Ảnh: Dân trí)
Chuyện buồn ở trường

Vụ em Nguyễn Hữu Hoàng (SN 1993, ở xã Nam Xuân, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An) bị đâm chết khi cố gắng đưa bạn đi cấp cứu khiến nhiều người vẫn bàng hoàng. Vào khoảng 12h30' ngày 14/11, em Nguyễn Đắc Toàn (SN 1994, học sinh lớp 11 Trường THPT dân lập Sào Nam, huyện Nam Đàn) trên đường đi học về bị Hồ Viết Khánh (SN 1994, trú xã Nam Xuân, là bạn học với Toàn) xịt hơi cay vào mặt rồi chém một nhát vào gáy khiến em gục xuống. Lúc đó, em Hoàng chạy xe máy ngang qua vội dừng xe để đưa bạn đi cấp cứu. Khi Hoàng vừa cúi xuống định bế Toàn thì bị Khánh đâm một nhát dao chí mạng từ phía sau lưng dẫn đến tử vong. Còn Toàn phải đi bệnh viện cấp cứu trong tình trạng nguy kịch.

Ngày 28/10, tại phòng học lớp 9A4, Trường THCS Chư Quynh (xã Ea Ning, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk) đã xảy ra một vụ án mạng đau lòng. Trong lúc chờ giáo viên đến sinh hoạt lớp, Phạm Đức Toàn (SN 1995) và bạn học cùng lớp là Lê Khắc Duy (SN 1996) đã xảy ra xô xát. Trong lúc tức giận, Duy móc con dao dài đã thủ sẵn trong túi quần ra đâm một nhát vào ngực Toàn khiến em tử vong. Cái chết bất ngờ của Toàn làm cho người thân, thầy cô, bạn bè vô cùng bàng hoàng, đau xót. Toàn và Duy vốn là bạn thân. Vài ngày trước khi án mạng xảy ra, hai em có mâu thuẫn với nhau. Không ngờ, mâu thuẫn nhỏ đó đã dẫn đến cái chết đau lòng của Toàn. Bố mẹ Toàn có 4 người con, em là con trai duy nhất trong gia đình.

Gia đình tổ chức đám tang cho Phạm Đức Toàn (Ảnh: Người lao động)

Ngày 29/9, em P.T.T.T (SN 1996, HS lớp 9, Trường PTCS Nguyễn Văn Tiết (phường Lái Thiêu, thị xã Thuận An) được đưa đến cấp cứu ở Bệnh viện Đa khoa Thuận An (thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương) trong tình trạng bị rách ở đầu. Theo lời người nhà nạn nhân, buổi trưa cùng ngày, em T. đi học về với bộ mặt sưng húp, máu từ vết rách ở trên đầu chảy ra nhiều làm em choáng váng. Em T kể với gia đình là do bị một nam sinh học cùng trường vây đánh ngay tại cổng trường lúc tan học. Nam sinh đã dùng vật cứng đập vào đầu khiến em bị thương.
 
Ngoài những tai nạn thương tâm do mâu thuẫn, hiểu nhầm khiến chính các em có những hành động sai trái thì những chuyện tác động của ngoại cảnh như tai nạn giao thông cũng góp phần cướp đi sinh mạng của các em khi trên đường tới trường. Vào trưa 22/10, trong lúc đi xe đạp từ trường về nhà, 3 em học sinh lớp 8/2, Trường THCS Nguyễn Bá Ngọc (xã Đồi 61, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai) đã bị một chiếc xe tải đâm. Vụ tai nạn khiến 2 em chết ngay tại chỗ; 1 em bị chấn thương sọ não nặng.

Để đường đến trường không thành đường đến... bệnh viện

Những tai nạn, những vụ bạo lực xảy ra với học sinh ngày càng có chiều hướng gia tăng khiến nhiều phụ huynh lo ngại cho sự an toàn của con em mình khi đến trường. Để tìm giải pháp cho vấn nạn này, trên một số diễn đàn, các phụ huynh đã đưa ra một số ý kiến khá bổ ích.
 
Bạn đọc Chu Tuấn cho rằng: “Với những hành động kiểu "anh chị" như vậy nếu đuổi học thôi chưa chắc đã đủ sức mạnh để răn đe và mặt khác có khi gián tiếp đẩy những học sinh này vào con đường phạm những lỗi lầm lớn hơn… Nên chăng, những người có trách nhiệm cần có những biện pháp khác để giáo dục mà vẫn cho các em con đường trở thành người tốt”. Thành viên hoaban lại liên hệ những vụ bạo lực với việc giáo dục trong nhà trường: “Hiện nay, các trường giảng dạy nặng nề về kiến thức mà lãng quên đi giáo dục con người. Câu “Tiên học lễ, hậu học văn” thời nào cũng đúng”.

Nói về những vụ tai nạn giao thông liên tiếp xảy ra với học sinh trên đường đến trường, nhiều bậc phụ huynh bày tỏ sự bất bình trước thái độ xem thường tính mạng người đi đường của các tài xế. Nhiều người cho rằng nguyên nhân của những vụ tai nạn phần lớn là do sự thiếu ý thức, lơ là, chủ quan của những người lái xe. Thành viên ngocquynh bức xúc: “Cánh tài xế xe tải, xe khách coi tính mạng người như cỏ rác. Vì sự cẩu thả, thiếu ý thức của họ mà biết bao em nhỏ đã chết một cách tức tưởi”. Tuy nhiên, cũng có một số ý kiến cho rằng, nguyên nhân tai nạn một phần là do ý thức chấp hành luật giao thông của một số học sinh còn kém. Thành viên thanhphuc cho biết “Tôi thấy trẻ con đi xe đạp ngoài đường giờ nguy hiểm lắm. Đường thì hẹp mà cứ hay đi dàn hàng 2, hàng 3 dềnh dàng”.

Các ý kiến đều thống nhất là để hạn chế những tai nạn, rủi ro cho học sinh khi đến trường, điều cốt yếu là chính bản thân các em phải biết tự bảo vệ mình, tránh những xích mích, mâu thuẫn không đáng có với bạn bè; đi đường nên chấp hành luật lệ giao thông. Ngoài ra, rất cần sự gắn kết hơn nữa giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong việc giáo dục học sinh.
 
Theo Vietnamnet

Báo Gia đình và Xã hội cập nhật tin tức trong ngày liên tục, mới nhất

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]