Học cách làm nghệ thuật "siêu thị giác"!

15.5935
(TT&VH) - Có một chuyến đi lặng lẽ đã mang theo những thông điệp to lớn, đầy tính nhân văn, đó là chuyến đi Thụy Điển của các em học sinh khiếm thị Trường Nguyễn Đình Chiểu, Hà Nội. Trong thời gian 10 ngày ở Thụy Điển, các em đã mang theo 30 bức tranh, 20 tượng gốm và tranh gốm. Và ở mỗi buổi triển lãm lại có thêm những sản phẩm mà các em thực hiện ngay tại xưởng gốm ở đó, nên đã tạo không gian cuộc triển lãm thêm sinh động.


Các em học sinh khiếm thị làm việc tại xưởng gốm nhà chị Lena ở Ystad (Thụy Điển).

Họa sĩ Đào Ngọc Huỳnh, người tham gia giảng dạy trong “Ngôi nhà nghệ thuật” của Trường Nguyễn Đình Chiểu và là người trực tiếp dẫn đoàn đi, cho biết:

- Cách đây 3 năm có một dự án đặc biệt được triển khai ở Trường Nguyễn Đình Chiểu, Hà Nội mang tên Nghệ thuật vượt qua thị giác - được tài trợ bởi bà Elisabeth và một số cá nhân, tổ chức từ Thụy Điển. Để nâng cao hiệu quả hoạt động của dự án, phía tài trợ tổ chức các chuyến đi giao lưu, học hỏi đến Thụy Điển cho thầy hướng dẫn và những học trò tiêu biểu. Tại Thụy Điển, các em được tham gia làm gốm tại ba xưởng gốm nổi tiếng. Các em đã học được cách làm hoa gốm, cách vuốt các bình cắm hoa nghệ thuật. Đặc biệt, các sản phẩm vừa thực hiện đã được triển lãm ngay tại xưởng của chị Lena ở thị trấn Ystad, đây là một xưởng gốm lâu đời, sản phẩm gốm của gia đình chị được lấy làm biểu tượng của thị trấn cổ này.

Ngoài làm gốm các em còn được tiếp xúc và làm việc với 2 nhóm nghệ sĩ gốm khác nữa và được đi gặp gỡ với những cá nhân, tổ chức đã tài trợ cho hoạt đông của chính các em ở VN. Giao lưu với trường âm nhạc ở Hoor. Đến trường St.Petri ở TP.Malmo tham gia một tiết học mỹ thuật cùng các bạn học sinh ở đây, các em đã làm một tấm bản đồ VN bằng gốm để các bạn ký tên mình vào làm kỷ niệm.


Thầy Đào Ngọc  Huỳnh (ngoài cùng bên phải) cùng các em.

* Chắc hẳn chuyến đi đã vượt khỏi khuôn khổ ý nghĩa của một chuyến giao lưu?

- Để nói là được thì các em được nhiều thứ, nhiều lĩnh vực trong đó cái được lớn nhất đối với các em là cách tiếp cận với nghệ thuật. Cách tiếp cận ở đây tôi muốn nói tới cách tiếp cận làm sao mà những khiếm khuyến về giác quan không trở thành vấn đề rào cản, các em được học cách làm nghệ thuật siêu thị giác, vượt qua thị giác. Có thể nói nghệ thuật của các em được sáng tạo ra từ một tâm hồn phong phú và đầy đặn thông qua phương tiện là đôi bàn tay, bằng nhiều chất liệu khác nhau để thành tác phẩm.

* Cảm nhận của anh về việc phát triển nghệ thuật đối với người khiếm thị tại Thụy Điển như thế nào?

- Thụy Điển là nước phát triển nên việc quan tâm hỗ trợ đến người khuyết tật rất được chú trọng. Có lẽ cũng vì một lý do nữa là tỷ lệ người khuyết tật của họ rất thấp nên họ có điều kiện quan tâm hơn. Người khiếm thị của họ hoạt động có tổ chức, được hỗ trợ nhiều từ chính quyền.

* Bản thân anh và Ngôi nhà nghệ thuật của Trường Nguyễn Đình Chiểu có dự định tiếp tục đưa các tác phẩm ra nước ngoài để triển lãm không?

- Trong một buổi giao lưu với các nhà tài trợ của Thụy Điển tôi cũng nói nên mong muốn của chúng tôi là cố gắng mỗi năm tổ chức cho các em ít nhất một cuộc triển lãm ở Việt Nam, triển lãm này sẽ nhằm vào Ngày khuyết tật Việt Nam. Còn việc mang tác phẩm đi nước ngoài triển lãm, chúng tôi rất mong muốn, nhưng điều này phụ thuộc nhiều vào sự giúp đỡ của các nhà tài trợ trong nước cũng như nước ngoài.

Hoàng Điệp (thực hiện)
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]