Học cách làm nông kiểu Đài Loan

Khi sản phẩm bán ngoài thị trường, khách hàng có thể biết nhà nông nào làm ra.

15.572

Chỉ 7% dân số Đài Loan làm nông nghiệp nhưng họ không những đáp ứng được nhu cầu nội địa mà còn cả xuất khẩu. Một dự án hợp tác nông nghiệp do Tập đoàn Chinfon tài trợ tại huyện Củ Chi đã thực sự cung cấp được cần câu cho nông dân. Chính vì sự thành công này, sau khi kết thúc giai đoạn 1 (từ tháng 7/2007 đến tháng 12/2010), Dự án đã triển khai ngay giai đoạn 2, dự kiến sẽ kéo dài đến tháng 12/2013.

Nhịp cầu đầu tư đã trao đổi với ông Hu Cha-Chi, nguyên Trưởng đại diện Văn phòng kinh tế và Văn hóa Đài Loan tại Việt Nam, hiện là cố vấn của tập đoàn Chinfon phụ trách dự án, xung quanh vấn đề này.

- Trong giai đoạn 1 của dự án, phía Đài Loan đã hỗ trợ gì cho Việt Nam?

- Dự án này là sự hợp tác giữa Tập đoàn Chinfon, Quỹ Phát triển Nông nghiệp của Đài Loan, Bộ Phát triển nông nghiệp nông thôn của Việt Nam và chính quyền huyện Củ Chi. Tập đoàn Chinfon tài trợ 100% kinh phí cho dự án, lúc đầu là 300.000 USD, sau đó nâng lên thành 500.000 USD.

Chúng tôi đã đưa 4 cán bộ của TP HCM sang đào tạo thạc sĩ tại Đại học Trung Hưng, đại học danh tiếng nhất Đài Loan trong lĩnh vực nông nghiệp, về các chuyên ngành kỹ thuật sản xuất, quản lý sau thu hoạch, tổ chức nông nghiệp và hệ thống tiêu thụ sản phẩm. Nhiều cán bộ và nông dân cũng được đưa sang đây để nghiên cứu khảo sát, tập huấn trong vòng 2 tuần. Các chuyên gia Đài Loan cũng đến Củ Chi để hướng dẫn thêm cho nông dân về kỹ thuật canh tác, thu hoạch, quản lý nông trại...

- Giai đoạn 1 đã đạt được kết quả gì?

- Điều dễ nhận thấy nhất là quan niệm làm ăn của nông dân Củ Chi đã thay đổi, đặc biệt là tại 2 xã Nhuận Đức và Trung An. Tại Trung An, lúc đầu chỉ có 12 thành viên tham gia chương trình, nhưng sau đó đã tăng lên 46 thành viên và diện tích nằm trong chương trình thử nghiệm tăng từ 10 ha lên 43,5 ha. Những người tham gia có thu nhập cao hơn gấp 3 lần so với những người không tham gia. Tại Nhuận Đức, số thành viên đã tăng từ 8 lên 32.

- Nội dung hợp tác của giai đoạn 2 như thế nào, thưa ông?

- Bước sang giai đoạn 2, chúng tôi tập trung vào tiếp thị sản phẩm và phân loại sản phẩm sau thu hoạch. Chúng tôi cũng chú ý đến việc ươm trồng cây con và kiểm nghiệm việc sử dụng thuốc trừ sâu để đảm bảo chất lượng sản phẩm. Giai đoạn này, Chinfon đóng góp 300.000 USD và vốn đối ứng của Việt Nam là 220.000 USD.

- Ông có thể cho biết về kinh nghiệm chuyển đổi cơ cấu của nông nghiệp Đài Loan?

- Cách đây hơn 50 năm, Đài Loan đã lấy sản xuất nông nghiệp làm ngành kinh tế chủ đạo. Khi đó, khoảng 80% dân số tham gia làm nông nghiệp. Sau cuộc cải cách ruộng đất “Người cày có ruộng” và “Giảm tô 375”, một hệ thống chính sách và quy hoạch phát triển nông nghiệp đã dần dần được hoàn chỉnh. Trong vòng 20 năm sau cải cách, hơn 70% lao động nông nghiệp đã dịch chuyển sang các ngành công nghiệp, thương nghiệp và dịch vụ.

Đến nay, tuy số lượng người làm nông nghiệp chỉ còn 7% nhưng do nâng cao được kỹ thuật, cơ giới hóa hoàn toàn sản xuất, xây dựng tốt mạng lưới tiêu thụ sản phẩm, nên nông nghiệp Đài Loan không chỉ đáp ứng nhu cầu nội địa mà còn phục vụ được cho cả một số thị trường nước ngoài.

Hiện tại, nông dân không còn làm những công việc thủ công như gặt lúa, hái quả hay bón phân nữa. Những công việc này đều được các doanh nghiệp bên ngoài bao thầu. Sản phẩm của nông dân nào cũng đều có mã vạch riêng của nông dân đó. Khi họ đưa sản phẩm ra bán ngoài thị trường, khách hàng có thể dễ dàng biết sản phẩm đó là của ai cũng như đánh giá được chất lượng của chúng. Tiền thu về sẽ được chuyển trực tiếp vào tài khoản của nông dân. Nói chung, mọi quy trình đều được thực hiện một cách nhanh chóng và chặt chẽ. 

(Theo Nhịp cầu đầu tư)

 
 
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]