1. Bệnh do vi-rút Ebola là gì?
Bệnh do vi-rút Ebola (Ebola virus disease), từng được biết đến là bệnh Sốt xuất huyết do vi-rút Ebola (Ebola haemorrhagic fever), là bệnh nguy hiểm dễ gây tử vong ở người. Tỷ lệ tử vong do Ebola virus disease (EVD) lên đến 90%. Dịch bệnh EVD được phát hiện lần đầu tại những bản làng xa xôi hẻo lánh tại khu vực Trung và Tây Phi, gần rừng nhiệt đới. Vi-rút Ebola xuất hiện lần đầu tại Sudan và Cộng hòa Công Gô vào năm 1976. Tại Công Gô, vi-rút được phát hiện ở một ngôi làng ven sông Ebola, vì vậy người ta đặt tên là vi-rút Ebola. Tại châu Phi, dơi ăn quả được xem là các vật chủ tự nhiên của vi-rút này.
2. Vi-rút Ebola lây nhiễm sang người như thế nào?
Vi-rút Ebola lây truyền từ động vật sang người khi tiếp xúc gần với máu, chất tiết của động vật bị nhiễm. Tại châu Phi, vi-rút lây truyền khi người lành tiếp xúc với các động vật như tinh tinh, gôrila, dơi ăn quả, khỉ, linh dương và nhím ốm, chết hoặc các động vật trong rừng nhiệt đới.
Vi-rút Ebola lây truyền từ người sang người do tiếp xúc trực tiếp với máu, các chất tiết của cơ thể (phân, nước tiểu, nước bọt, tinh dịch) của người mắc bệnh, hoặc các vết xước trên da hay niêm mạc của người lành tiếp xúc với môi trường bị ô nhiễm với các chất tiết của người nhiễm vi-rút (quẩn áo, ga trải giường nhiễm bẩn hay kim tiêm đã qua sử dụng).
Cán bộ y tế rất có nguy cơ nhiễm vi-rút Ebola khi chăm sóc bệnh nhân mắc hoặc nghi ngờ mắc bệnh này nếu không áp dụng các biện pháp phòng hộ thích hợp. Cán bộ y tế cần được trang bị kiến thức cơ bản về điểm của bệnh, đường lây truyền và tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp phòng chống nhiễm khuẩn đã khuyến cáo.
Bệnh nhân bị nhiễm vi-rút Ebola - Ảnh minh họa
3. Đối tượng nào có nguy cơ cao nhiễm vi-rút này?
Trong một vụ dịch bệnh sốt xuất huyết do vi-rút Ebola, các đối tượng sau có nguy cơ cao nhiễm vi-rút gồm:
- Thành viên gia đình hay người tiếp xúc gần với người mắc bệnh;
- Người đi dự tang lễ tiếp xúc trực tiếp với thi thể người chết do nhiễm vi-rút Ebola;
- Người đi săn tiếp xúc với động vật chết do nhiễm vi-rút Ebola trong rừng;
- Cán bộ y tế.
4. Các dấu hiệu nhận biết và triệu chứng của bệnh do vi-rút Ebola là gì?
Người mắc bệnh do vi-rút Ebola thường xuất hiện các triệu chứng sau: sốt đột ngột, mệt mỏi kéo dài, đau cơ, đau đầu, đau họng. Tiếp theo là các triệu chứng nôn, ỉa chảy, phát ban, suy thận, suy gan. Một số trường hợp bị chảy máu trong nội tạng và chảy máu ngoài. Thời gian ủ bệnh là từ 2 đến 21 ngày.
Bệnh nhân dễ lây truyền bệnh ngay khi bắt đầu xuất hiện triệu chứng.
5. Khi nào nên đi khám?
Bạn nên đến ngay cơ sở y tế nếu sống trong khu vực có dịch bệnh do vi-rút Ebola hay khi tiếp xúc với người nhiễm hay nghi ngờ nhiễm vi-rút Ebola và khi bắt đầu thấy xuất hiện các triệu chứng của bệnh.
Bất kỳ trường hợp nghi ngờ mắc bệnh nào cũng cần được thông báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất và được chăm sóc y tế nhằm giảm nguy cơ tử vong. Cần kiểm soát sự lây truyền của bệnh và tiến hành ngay các biện pháp phòng chống nhiễm khuẩn.
6. Phương pháp điều trị bệnh sốt xuất huyết do vi-rút Ebola là gì?
Bệnh nhân mắc bệnh sốt xuất huyết do vi-rút Ebola cần được điều trị tích cực, được bù nước với các dung dịch điện giải qua đường uống hay truyền tĩnh mạch. Hiện chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu cho bệnh này. Nhiều bệnh nhân đã khỏi bệnh sau khi được chăm sóc y tế thích hợp.
Để kiểm soát sự lây truyền của vi-rút, người mắc bệnh hay nghi ngờ mắc bệnh cần được cách ly với các bệnh nhân khác trong cơ sở y tế và được nhân viên y tế điều trị với việc tuân thủ các biện pháp phòng chống nhiễm khuẩn đã khuyến cáo.
Vi-rút Ebola qua kính hiển vi - Ảnh minh họa
7. Có thể làm gì để phòng nhiễm vi-rút Ebola?
Hiện chưa có vắc xin phòng bệnh do vi-rút Ebola. Nâng cao nhận thức về các yếu tố nguy cơ của bệnh và các biện pháp phòng tránh cho người dân hiện đang là biện pháp duy nhất để giảm số ca mắc và tử vong do vi-rút Ebola.
Các biện pháp phòng lây nhiễm
Do vi-rút Ebola lây truyền từ người sang người, các biện pháp sau đây có thể được thực hiện để phòng chống lây nhiễm và hạn chế hay cắt đường lây truyền bệnh.
- Hiểu rõ đặc điểm của bệnh, đường lây truyền, biện pháp phòng chống dịch bệnh.
- Theo dõi và tuân thủ các hướng dẫn do Bộ Y tế ban hành
- Nếu bạn nghi ngờ một ai đó nhiễm vi-rút Ebola, cần động viên và giúp đỡ họ đến khám và điều trị tại cơ sở y tế.
- Nếu bạn có ý định chăm sóc bệnh nhân mắc vi-rút Ebola tại nhà, cần thông báo cho cán bộ y tế để được cung cấp găng tay, phương tiện phòng hộ cá nhân (PPE) và được hướng dẫn cách chăm sóc bệnh nhân, cách bảo vệ bản thân và gia đình khỏi bị lây nhiễm và cách tiêu hủy PPE sau khi sử dụng.
- Khi thăm bệnh nhân trong bệnh viện hay chăm sóc bệnh nhân tại nhà, cần rửa tay với xà phòng hoặc chất sát khuẩn sau khi tiếp xúc với người bệnh, hay tiếp xúc với dịch tiết cơ thể hoặc sờ vào các vật dụng của người bệnh.
Ngoài ra, cần tránh tiếp xúc với các động vật có nguy cơ cao nhiễm vi-rút Ebola (ví dụ như: dơi ăn quả, khỉ, hay vượn) tại khu vực có rừng nhiệt đới. Không giết mổ động vật nghi ngờ bị nhiễm bệnh. Thịt và tiết canh của động vật nên được nấu chin kỹ trước khi ăn.
8. Cán bộ y tế phải tự bảo vệ như thế nào để tránh nguy cơ mắc bệnh khi chăm sóc bệnh nhân nhiễm vi-rút Ebola?
Cán bộ y tế khi chăm sóc và điều trị bệnh nhân mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh do vi-rút Ebola có nguy cơ lây nhiễm cao hơn các đối tượng khác.
- Ngoài các biện pháp phòng ngừa chung, cán bộ y tế cần tuân thủ chặt chẽ các biện pháp phòng chống nhiễm khuẩn đã khuyến cáo nhằm tránh phơi nhiễm với máu, dịch tiết của người bệnh hoặc môi trường hay vật dụng của người bệnh bị ô nhiễm như: khăn trải giường hay kim tiêm đã qua sử dụng.
- Cán bộ y tế cần sử dụng các phương tiện phòng hộ cá nhân như áo choàng, găng tay, khẩu trang y tế và kính bảo hộ.
- Không nên sử dụng lại các phương tiện phòng hộ đã qua sử dụng nếu chưa được khử trùng đúng cách.
- Cần thay đổi găng tay khi chăm sóc cho từng bệnh nhân nghi ngờ nhiễm vi-rút Ebola..
- Các quy trình điều trị, chăm sóc y tế có thể làm cho bác sĩ, y tá hay cán bộ y tế khác dễ phơi nhiễm với bệnh cần được thực hiện trong điều kiện an toàn và nghiêm ngặt.
- Cần cách ly bệnh nhân mắc bệnh do vi-rút Ebola khỏi các bệnh nhân khác và người khỏe mạnh.
9. Tổ chức Y tế thế giới đã làm gì để bảo vệ sức khỏe người dân trong thời gian xảy ra dịch bệnh?
Để chuẩn bị ứng phó và phòng chống dịch bệnh do vi-rút Ebola. Tổ chức Y tế thế giới đã triển khai các hoạt động, gồm:
- Giám sát dịch bệnh và chia sẻ thông tin giữa các khu vực để phòng tránh sự lây truyền của dịch bệnh;
- Hỗ trợ kỹ thuật để điều tra và khống chế các mối đe dọa của dịch bệnh tới sức khỏe- như hỗ trợ thực địa để phát hiện người nhiễm và theo dõi các mô hình dịch bệnh;
- Khuyến cáo các biện pháp phòng và điều trị bệnh;
- Cung cấp chuyên gia và phân phối các trang thiêt bị y tế (như phương tiện phòng hộ cá nhân cho cán bộ y tế), khi được yêu cầu;
- Truyền thông nâng cao nhận thức về đặc tính của bệnh, các biện pháp phòng chống lây nhiễm, và
- Khởi động mạng lưới các chuyên gia quốc tế và khu vực để cung cấp các hỗ trợ kỹ thuật khi được yêu cầu, và giúp giảm các tác động tới sức khỏe, cũng như hạn chế các trở ngại tới du lịch và giao thương quốc tế.
10. Việc đi lại trong thời gian xảy ra dịch bệnh do vi-rút Ebola có an toàn không? Tổ chức Y tế thế giới có khuyến cáo gì cho người du lịch không?
Trong thời gian xảy ra dịch bệnh, Tổ chức Y tế thế giới thường xuyên theo dõi và đánh giá tình hình sức khỏe cộng đồng. Đến nay (1/8/2014) chưa đưa ra các khuyến cáo về hạn chế đi lại và giao thương quốc tế.
Nguy cơ lây nhiễm cho người đi du lịch rất thấp, do bệnh lây truyền từ người sang người qua tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết cơ thể hay các chất bài tiết của người nhiễm bệnh.
Đối với người du lịch, Tổ chức Y tế thế giới có những khuyến cáo sau:
- Tránh mọi tiếp xúc với người mắc bệnh;
- Cán bộ y tế đi làm việc tại các vùng bị ảnh hưởng cần tuân thủ nghiêm ngặt các hướng dẫn về phòng chống nhiễm khuẩn;
- Nếu bạn đã từng ở những nơi có các trường hợp mắc mới được thông báo, nên theo dõi xem có thấy xuất hiện các triệu chứng của bệnh, và đến ngay cơ sở y tế nếu thấy xuất hiện các dấu hiệu bệnh đầu tiên;
- Nhân viên chăm sóc y tế cho người du lịch trở về từ các vùng bị ảnh hưởng nếu thấy xuất hiện các triệu chứng tương tự cần cân nhắc khả năng có thể bị mắc bệnh do vi-rút Ebola.
Nguồn: Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế