GS.TS Nguyễn Lân Việt, Viện trưởng Viện Tim mạch Quốc gia sẽ giái đáp những thắc mắc của khán giả VTV về bệnh lý huyết áp thấp.
Khán giả: Thưa bác sĩ, huyết áp 85/60 có phải là huyết áp thấp không?
GS.TS Nguyễn Lân Việt: Con số huyết áp dưới 90/60 mmHg thì được gọi là huyết áp thấp. Cũng có những trường hợp bị huyết áp thấp rất lâu, nhưng cũng có trường hợp người bệnh thỉnh thoảng mới có hiện tượng huyết áp xuống thấp.
‘ Người huyết áp thấp luôn cảm thấy mệt mỏi, chóng mặt. (Ảnh minh họa)
Khán giả: Huyết áp thấp có nguy hiểm như tăng huyết áp hay không?
GS.TS Nguyễn Lân Việt: Tăng huyết áp là một bệnh lý rất phổ biến trong cộng đồng và khá nguy hiểm, huyết áp thấp không gây ra những biến chứng đột ngột như trong trường hợp tăng huyết áp. Tuy nhiên, huyết áp thấp luôn làm cho người ta có cảm giác rất mệt và hay cảm thấy mất thăng bằng, hay chóng mặt, đảo người, ngã xuống.
Khán giả: Bạn tôi bị huyết áp thấp, thường xuyên chóng mặt, nhức đầu, đôi khi bị ngất, xin giáo sư cho biết biện pháp để khắc phục.
GS.TS Nguyễn Lân Việt: Việc điều trị đối với tăng huyết áp có rất nhiều biện pháp, rất nhiều các nhóm thuốc, nhưng điều chỉnh đối với huyết áp thấp chủ yếu là phòng tránh các trường hợp để làm nặng thêm huyết áp thấp như: Tránh đứng lâu, tránh ngồi xổm, đặc biệt tránh thay đổi tư thế đột ngột nhất là khi nằm mà chuyển sang đứng.
Khi chúng ta ngồi dậy, chúng ta nên ngồi một cách từ từ, đung đưa chân một vài phút sau đó mới từ từ đứng lên. Chế độ ăn uống đối với người huyết áp thấp nên ăn hơi mặn một chút, uống lượng nước đủ để khối lượng tuần hoàn đảm bảo cung cấp đủ máu cho não.
Khán giả: Mẹ chồng tôi năm nay 50 tuổi, bà thường xuyên bị huyết áp thấp, nhưng hiện tại đi khám thì bác sĩ lại cho biết mẹ chồng tôi bị huyết áp cao, như vậy có đúng không thưa giáo sư?
GS.TS Nguyễn Lân Việt: Có khá nhiều bệnh nhân tới gặp chúng tôi và cho biết xưa nay toàn huyết áp thấp, tại sao bây giờ bác sĩ lại bảo là huyết áp cao. Bản thân con người lúc bình thường có thể huyết áp thấp nhưng càng lớn tuổi thì tình trạng xơ vữa động mạch, xơ cứng động mạch lại nhiều hơn, vì vậy sức cản của mạch máu ngày càng tăng lúc đó chúng ta có thể có hiện tượng tăng huyết áp.
Mời quý vị và các bạn theo dõi chi tiết những tư vấn của GS.TS Nguyễn Lân Việt, Viện trưởng Viện Tim mạch Quốc gia, trong chương trình "Cuộc sống thường ngày", chuyên mục "Sống khỏe".
MEDIA ITEM: width="420" height="235" file="Thoi su/Nam 2013/Thang 7/18072013_CSTN.mov" Cuộc sống thường ngày - 18/07/2013