Keo dán tránh thai không an toàn với người bệnh tim mạch

Cao dán tránh thai EVRA đã được Cơ quan Quản lý thuốc và thực phẩm Mỹ cảnh báo là có thể gây tắc tĩnh mạch, thậm chí tử vong. Do đó, thuốc không được dùng cho những người bị huyết khối và các bệnh tim mạch.

15.6046

Từ khoảng tháng 3/2006, keo dán tránh thai EVRA được thử nghiệm trên người Việt Nam. Trong khi đó, từ tháng 11/2005, trên trang web của Cơ quan Quản lý thuốc và thực phẩm Mỹ (FDA) đã có cảnh báo về những nguy cơ khi sử dụng sản phẩm này, nghiêm trọng nhất là tử vong do tắc tĩnh mạch. Trước đó, FDA đã nhận được thông tin về 23 trường hợp tử vong có liên quan đến việc sử dụng EVRA.

Bác sĩ Nguyễn Duy Ánh, Phó giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, cho biết, có 3 cơ sở tham gia thử nghiệm EVRA, do Bộ Y tế chỉ định: Bệnh viện Phụ sản trung ương, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội và Trung tâm Sức khỏe sinh sản Vĩnh Phúc.

Khi được hỏi Bộ Y tế có biết những nguy cơ được cảnh báo về EVRA trước lúc quyết định thử nghiệm tại Việt Nam hay không, một quan chức Vụ Sức khỏe sinh sản khẳng định: “Vụ chưa có công văn chính thức nào đề nghị thử nghiệm keo dán EVRA tại các bệnh viện”. Song người phụ trách dự án thử nghiệm keo dán EVRA - một chuyên gia của vụ - thì lại xác nhận EVRA đang trong giai đoạn thử nghiệm tại các đơn vị cộng tác viên.

Bác sĩ Trần Văn Hùng, giám sát chuyên môn của đề tài tại Bệnh viện Phụ sản trung ương, lại đưa ra các văn bản chứng tỏ đề tài thử nghiệm EVRA là có thật. Theo đó, tháng 12/2005, hội đồng khoa học Bộ Y tế đã duyệt đề cương đề tài nghiên cứu khoa học cấp bộ. Hội đồng cũng khuyến cáo nhóm nghiên cứu chú ý những tai biến như teo niêm mạc tử cung, xem lại tính nguy hiểm của EVRA do tiêu chuẩn loại trừ nhiều, tiêu chuẩn tuyển chọn cao. Do đó, những người dùng thử phải được các chuyên gia tư vấn, giải thích.

Bác sĩ Hùng cho biết, các hình thức tránh thai bằng thuốc viên cũng có nguy cơ gây tắc tĩnh mạch với người mang sẵn bệnh huyết khối. Vì vậy, khi chọn lựa hình thức tránh thai, kể cả thuốc viên hay keo dán, đều phải chọn lựa và sàng lọc bệnh nhân thật tốt, không dùng cho người mắc bệnh huyết khối, các bệnh về tim mạch...

Còn ở Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, bác sĩ Nguyễn Duy Ánh cho biết, trong 100 người thử nghiệm, có một số trường hợp bỏ thuốc nhưng không phải do chất lượng thuốc mà do không quen với miếng dán trên da, một số bị hơi ngứa ở chỗ dán.

(Theo Tuổi Trẻ)

Gửi câu hỏi tư vấn tại đây hoặc về [email protected]
 
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]