Khát khao sinh con của phụ nữ khuyết tật đơn thân

15.6027

Bị khuyết tật, kém may mắn trong tình duyên, nhưng với khát khao có đứa con để nương tựa cuối đời, có người đã phải đi xin con; chấp nhận làm vợ hờ, vợ lẽ; hay thậm chí bị gia đình từ bỏ, hàng xóm dè bỉu vì không chồng mà chửa...

Một số người phụ nữ khuyết tật đơn thân tham dự chương trình "Xương rồng vẫn nở hoa". Ảnh: Phan Dương.

Trong phòng triển lãm số 6, Trung tâm Phụ nữ và Phát triển (số 20, Thụy Khuê, Hà Nội), một đứa bé chừng 5 tuổi đang chạy xem những bức ảnh. Lúc thấy ảnh mẹ mình, nó la lên rồi vấp ngã. Người mẹ chạy theo sau kịp đỡ con, ra cử chỉ im lặng, kèm theo một nụ cười khiến đứa bé thôi mếu máo. Nó ngã vào lòng mẹ.

Chị là Nguyễn Thị Hương (36 tuổi, Sơn Đông, Sơn Tây, Hà Nội), chị cả trong một gia đình có 5 chị em. Hương và 2 người em gái của mình không may mắn đã bị khuyết tật ngay từ khi sinh ra.

"Tôi nghe người nhà nói lại có thể ngày xưa bố tôi làm trong đội thanh niên xung phong của xã, chuyên làm nhiệm vụ quản lý cây giống và bị ảnh hưởng thuốc sâu nên 3 chị em tôi đều bị khuyết tật bẩm sinh. May mắn là 2 em trai về sau khỏe mạnh", chị Hương chia sẻ.

Cuộc sống của chị trôi qua trong buồn tủi, không được đi học cùng chúng bạn, không nghề nghiệp, tiền bạc. Có lẽ chị sẽ sống thầm lặng như thế đến cuối đời nếu không có một ngày chị được giới thiệu cho một anh bộ đội đóng quân trên địa bàn để kiếm một đứa con nhằm có chỗ nương tựa tuổi già.

Sức khỏe yếu, thân hình nhỏ bé lại không ăn được, lúc mang thai 3 tháng, chân tay chị bị tê cứng, không thể đi lại, phải nằm ở sở y tế một thời gian dài. Khi thai 8 tháng, chị lại bị đau bụng, người nhà sợ nên cho chị vào Bệnh viện Sơn Tây nằm luôn. Chị phải sinh mổ đứa con thiếu tháng. Không đủ sữa cho con bú, phải nhờ bà con làng xóm...

Khi con được 18 tháng tuổi, chị Hương quyết định chuyển ra ngoài thuê nhà sống dù gia đình phản đối kịch liệt. "Gia đình tôi rất khó khăn. Tôi không muốn mình, rồi con mình là gánh nặng cho mẹ. Nếu tôi không tự vươn lên bằng sức lực của mình thì sẽ vất vả cho mẹ, cho các em", chị chia sẻ.

Ngày chuyển đi, tài sản quý giá nhất với mẹ con chị chỉ là vài bộ quần áo cá nhân. Hơn 30 tuổi, chị Hương bắt đầu học kiếm sống. Chị học may, mở quán nước để kiếm thêm. Đời sống của hai mẹ con rau cháo qua ngày. "Thời gian đầu tôi tưởng như mình không trụ được. Cuộc sống bên ngoài bỡ ngỡ, tôi lại què quặt, yếu đuối. Nhưng giờ mọi chuyện đã đâu vào đấy rồi. Tuy khó khăn nhưng cuộc sống mẹ con tôi rất vui vẻ", chị tâm sự.

Như bao đứa trẻ khác, chị Nguyễn Thị Điệp (44 tuổi, Đồng Bảng, Bà Vì)sinh ra bình thường, xinh đẹp, nhưng năm lên 3 tuổi, một cơn sốt đã cướp đi đôi chân của chị.

Nhà nghèo, trường học xa, sức khỏe yếu, chị không thể tự mình đến trường nên phải bỏ học từ cấp 2 và tự bươn chải kiếm sống. Năm 1989, chị chuyển ra sống riêng, lấy nghề may làm "cần câu cơm".

Chị Điệp vốn có khuôn mặt dễ nhìn, lại có công việc nuôi thân, không ít người đến đặt lời yêu thương với chị, chị đều từ chối hết. Chị nói: "Tôi thấy bản thân mình vốn đã kém may mắn. Nếu lấy chồng đời sống không suôn sẻ thì chỉ mình chịu thiệt. Sức tôi lại yếu, làm sao để chăm con".

Nhưng một ngày con tim chị lại rung động trước người đàn ông đã có gia đình. Tin chị mang thai vang đi khắp làng xóm, chị Điệp đã tưởng như mình không thể sống được trước búa rìu dư luận.

"Làng xóm dị nghị, tôi cố cho qua. Thế nhưng gia đình cũng xa lánh tôi, bố từ mặt tôi. Mình tôi phải chịu bao cơ cực trong suốt thời gian mang thai. Lúc con được một tháng tuổi, tôi bế cháu về quỳ dưới chân bố xin tha thứ. Vì thương tôi, bố cũng tha thứ".

Chị Điệp bị khuyết tật từ nhỏ. Hiện chị và con trai đang phải sống trong một căn nhà lụp xụp, chỉ chừng 10 m2, chất đầy đồng nát. Dù vậy, chị luôn lạc quan vươn lên cuộc sống. Ảnh: Phan Dương.

Không đủ kiểm sống nuôi con bằng nghề may, chị chuyển sang đạp xe đi chợ bán rau. "Tôi cứ mua từ chỗ này, bán chỗ khác. 10 năm trời đạp xe tôi tự nuôi được con mình. Cũng may nhờ thời gian đó mà chân tôi khỏe hơn, đi vững hơn", chị Điệp cho biết thêm.

Giờ người em trai mở một cửa hàng thu mua đồng nát, chị Điệp về giúp em. Mỗi tháng chị được trả gần 1,5 triệu đồng, đủ để trang trải cuộc sống hằng ngày và nuôi cậu con trai đang học lớp 6. Chị tâm sự: "Trộm vía từ lúc sinh ra tới giờ con tôi vẫn bụ bẫm như vậy nhưng vì yếu nên tôi rất khó khăn để bế cháu. Tôi nhớ lần năm con 1 tuổi, cháu đòi bế, tôi đi được một đoạn là 2 mẹ con ngã lăn, đau cả con, cả mẹ. Từ đó cũng không thấy cháu đòi bế nữa".

Như thấy được sự vất vả của mẹ, con trai chị Điệp cũng sớm trưởng thành. Ngoài giờ học, em giúp mẹ cơm nước, dọn dẹp nhà cửa. Đôi khi còn giúp chị thu lượm đồng nát.

"Tôi lao động suốt ngày để mang cuộc sống tốt đẹp nhất cho con. Vất vả là vậy nhưng nhờ có con, tôi vui vẻ hơn. Đi làm về đã có con tâm sự, có con trò chuyện, nấu cơm cho. Những lúc trong lòng bực bội, cũng có con để trút", người mẹ bộc bạch.

Cũng vì nghèo không có tiền mua thuốc mà sau một lần trúng gió năm 3 tuổi, chị Phùng Thị Hòa (40 tuổi, Phú Sơn, Ba Vì) bị teo chân. Bố mất sớm, mẹ phải nuôi 3 chị em. Là con cả, chị Hòa phải bỏ học phụ mẹ.

Chị lê từng bước đi bán từng mớ rau, kẹo bông. Đến năm 2001, chị Hòa đi mổ chân, đóng khớp, tuy đi lại dễ dàng hơn nhưng sức khỏe vẫn yếu, không làm được việc nặng. 

"Mọi người đều khuyên tôi nên kiếm một đứa con nương tựa tuổi già. Tôi thì thấy mình chưa lo nổi cho bản thân, huống gì chăm con. Tôi cũng lo lắng không biết mình có khả năng sinh nở không nữa", chị Hòa chia sẻ.

Lúc này, có một người đàn ông đã có vợ, con chủ động tìm đến gia đình chị đặt vấn đề, mong muốn chị sinh cho anh ta một đứa con trai. Sau nhiều lần qua lại, chị Hòa cũng đồng ý làm "vợ lẽ".

"Tôi sinh cho anh ấy 2 đứa con nhưng đều là con gái. Vì thế anh cũng chẳng chu cấp cho mẹ con được gì, chỉ thỉnh thoảng qua lại, quan tâm về tình cảm", chị cho biết thêm.

Giờ đây, con gái đầu của chị đã 11 tuổi, con gái út 2 tuổi. Chị Hòa có nhiều chuyện phải lo hơn trước kia. "Gánh nặng kinh tế luôn đè nặng lên vai tôi. Nhiều khi thấy con thiếu thốn, thua kém chúng bạn là tôi lại đau lòng. Những khi con sà vào lòng mẹ khóc vì bị bạn bè trêu là 'con mẹ què', 'con không cha', tôi cũng phải nuốt nước mắt", chị nói mắt đỏ hoe.

Bà Nguyễn Lan Anh - Giám đốc Trung tâm Hành động vì sự phát triển cộng đồng (ACDC) - Ban tổ chức chương trình "Xương rồng vẫn nở hoa" cho biết: "Phụ nữ khuyết tật đã khổ nhưng phụ nữ khuyết tật đơn thân còn khổ hơn gấp bội. Chúng tôi mong muốn thông qua chương tình này nhằm gây quỹ từ thiện, phụ giúp họ cải thiện cuộc sống, giúp họ tự tin, hòa nhập với cộng đồng".

Lấy tên chương trình là "Xương rồng vẫn nở hoa", bà Anh chia sẻ hình ảnh những người phụ nữ khuyết tật cũng như cây xương rồng, dù chịu nhiều đau khổ, khắc nghiệt của cuộc sống, họ vẫn không từ bỏ, cố gắng vươn lên. Những thành quả của họ, những đứa con của họ là bông hoa xương rồng rất bền, rất đẹp.

* Tên nhân vật đã thay đổi.

Phan Dương

Gửi câu hỏi tư vấn tại đây hoặc về [email protected]
 
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]