Khó ghi nhớ số điện thoại là bệnh gì vậy AloBacsi?

Em không biết tình trạng bệnh của em là do thiếu tập trung hay sút trí nhớ. Nhờ bác sĩ cho lời khuyên để cải thiện trí nhớ.

15.6004
Thưa bác sĩ,
Em 27 tuổi, cháu đầu lòng được 13 tháng. Từ khi học cấp 3, em học giỏi các môn tự nhiên nhưng em lại không thể nhớ chính xác các con số (lứa tuổi dậy thì em hay bị nhức đầu nhưng khoảng 22 tuổi thì em đã hết).

Đến nay, tình hình có vẻ càng trầm trọng hơn. Ví dụ như khi nói điện thoại về một vấn đề liên quan đến số 30%, ngay khi cúp máy, em dễ nhầm lẫn với một số khác. Em không biết tình trạng bệnh của em là do thiếu tập trung hay sút trí nhớ. Đối với các số điện thoại quen, em có thể nhớ rất rõ và đọc nhanh khi được hỏi đến. Bác sĩ tư vấn và cho em xin lời khuyên để cải thiện trí nhớ của em. Em cảm ơn!
(Mỹ Tiên - Nha Trang)
 
Chào Mỹ Tiên,

 

Trí nhớ là khả năng ghi nhận, lưu trữ và sau đó tái hiện thông tin và những trải nghiệm đã qua trong bộ não con người. Đầu tiên, các thông tin được ghi nhận qua các giác quan, đặc biệt là thính giác và thị giác để tạo nên trí nhớ ngắn hạn (nhận biết sự việc đang xảy ra). Đây là bước quan trọng để tạo nên trí nhớ dài hạn (trong suốt cuộc đời).

 

Để có một sự ghi nhận tốt, cần có sự tập trung chú ý tốt, biết liên tưởng, kết hợp với các sự việc, hình ảnh khác trước đây, kết hợp giữa âm thanh và hình ảnh, liên hệ về ngữ nghĩa, thời gian, không gian. Đặc biệt, các sự kiện có cảm xúc đi kèm được ghi nhớ tốt hơn.

 

Sau đó, các thông tin được củng cố qua việc lặp đi lặp lại, ứng dụng nhiều lần và được chọn lọc để lưu trữ. Việc gợi nhớ sẽ dễ dàng hơn nếu có yếu tố gợi ý (tình huống, hình ảnh tương tự, mốc thời gian, không gian…).

 

Ngoài ra, trí nhớ còn bị ảnh hưởng bởi các yếu tố như giấc ngủ, dinh dưỡng, thuốc men, chất kích thích, các bệnh của hệ thần kinh hoặc một số bệnh tâm thần (stress cấp hoặc kéo dài, lo âu, trầm cảm,…).

 

Từ các yếu tố trên cho thấy, việc ghi nhớ một con số sẽ khó hơn nhớ câu từ vì ít tao được hình ảnh liên tưởng, ít gắn kết với ý nghĩa và cảm xúc.

 

Qua thư, bạn cho biết chỉ gặp vấn đề trong việc khó nhớ các con số mới nghe, mới thấy thì cũng không phải là trầm trọng, đối với các số điện thoại quen, bạn có thể nhớ rất rõ và đọc nhanh khi được hỏi đến vì có thể đây là những con số được bạn sử dụng lặp đi lặp lại nhiều lần và được gán ghép cho một người.

 

Nếu nhận thấy trí nhớ chung của mình chưa được tốt, bạn có thể thực hiện một số biện pháp để cải thiện như tăng cường sự tập trung chú ý (đảm bảo ăn ngủ điều độ, chỉ tập trung làm từng việc mỗi thời điểm, nghe nhạc, học ngoại ngữ, chơi thể thao…), dùng sổ tay, lịch để ghi nhớ, lập kế hoạch, tập tưởng tượng công việc cần nhớ thành hình ảnh, sơ đồ trong đầu, sắp đặt việc cần làm, đồ dùng cần lấy… ở nơi dễ thấy, dễ nhắc nhớ; rèn luyện trí nhớ bằng cách ghi nhật kí, chơi đố vui, ô chữ, so sánh, liên tưởng, gắn kết sự việc cần nhớ với ý nghĩa, lặp đi lặp lại và ứng dụng vào thực tế…

 

Riêng đối với các con số mới, bạn nên ghi chú lại ngay, đọc lên (khi nhìn thấy) hoặc nhắc lại (khi nghe ai nói) để củng cố thêm sự ghi nhận bằng âm thanh, nếu được có thể so sánh với con số khác trong một sự kiện tương tự… để dễ nhớ hơn.

 

Thân mến!

 BS-CK2 Phạm Quỳnh Diệp


AloBacsi.vn - nơi bạn có thể trò chuyện, chia sẻ mọi thắc mắc với bác sĩ chuyên khoa.

AloBacsi.vn giúp bạn giải đáp 1.001 thắc mắc về sức khỏe.
Mọi thắc mắc về sức khỏe gửi đến email: [email protected].

Bạn đọc có thể ghi kèm số điện thoại để bác sĩ liên hệ khi cần thiết.
Để chính xác về nội dung cần hỏi, bạn đọc vui lòng gõ có dấu (font chữ Unicode).

Chân thành cảm ơn.

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]