Khoa học Malaysia phát minh ra que thử bệnh tả

15.6032
Một nhóm các nhà nghiên cứu tại Đại học Khoa học Malaysia (USM) đã phát minh ra một bộ xét nghiệm phân tử để phát hiện ADN của vi khuẩn bệnh tả có chi phí thấp, ít tốn thời gian, dễ sử dụng và thân thiện với môi trường.

Sản phẩm, được gọi là bộ thử EZ Cholera Genostick, bắt đầu được nghiên cứu từ năm 2007 bởi các nhà khoa học của trường Khoa học Y tế thuộc USM đứng đầu là giảng viên, bác sĩ Lim Boon Huat.

Kết quả ADN thông qua bộ thử EZ Cholera Genostick, tương tự như que thử thai, sẽ hiển thị các vạch đỏ trên một màng trắng. Nếu xuất hiện ba vạch đỏ trên que thử thì sẽ cho kết quả dương tính với bệnh, trong khi hai dòng đỏ cho thấy một kết quả âm tính.

Kết quả kiểm tra sẽ được hiển thị trong vòng hai giờ so với thời gian tiêu chuẩn khoảng 48 giờ bằng cách sử dụng phương pháp truyền thống.

Bác sĩ Lim nói rằng, các phương pháp thông thường phát hiện vi khuẩn tả trong các mẫu thử đòi hỏi phải thực hiện trong phòng thí nghiệm với các thiết bị tốn kém, cũng như phải sử dụng các chất có thể gây ung thư và độc hại như ethidium bromide và ánh sáng tia cực tím (UV).

Trong khi đó, bộ thử EZ Cholera Genostick sử dụng thuốc thử không cần bảo quản lạnh có thể phát hiện ADN của vi khuẩn tả từ một mẫu thử và cho phép người dùng xem kết quả ADN trên que thử bằng mắt thường. Sản phẩm này được dùng một lần và không chứa bất kỳ hóa chất nguy hiểm nào.

Bộ công cụ thử này đã giành giải thưởng vàng tại Giải thưởng sáng tạo sinh học Malaysia năm 2010.

Bác sĩ Lim cho biết, ngoài các ADN của vi khuẩn bệnh tả, công nghệ thông qua bởi bộ thử có thể được sửa đổi để phát hiện các sinh vật gây bệnh khác.

Bộ thử hiện đã được đăng ký bằng sáng chế và đang được nhóm nghiên cứu thảo luận với các công ty thương mại để tung ra thị trường trong tương lai./.

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]