Không nên đưa “gu” của mình vào công việc

Làng báo có không ít giọng ca hay không kém... ca sĩ chuyên nghiệp, nhưng phát hành đĩa một cách thực sự chính thống thì có lẽ Mạnh Hà là người đầu tiên. Trước đó Hà từng xuất hiện trên Truyền hình Việt Nam trong vai trò ca sỹ trong chương trình Giai điệu vượt thời gian với các nhạc phẩm tiền chiến. Bộ sưu tập 09 gồm 9 bản tình ca trữ tình lãng mạn ra đời từ nhiều thập niên trước.

15.5888
Khi viết bài không nên đưa gu của mình vào công việc. Báo chí phản ánh đời sống xã hội nên PV cần nghĩ xem độc giả quan tâm đến điều gì. Và đưa ai lên báo không quan trọng bằng đưa được “câu chuyện” gì của họ... Nguyễn Mạnh Hà- PV chuyên về âm nhạc đang tác nghiệp với một cách đi đơn giản và rạch ròi như thế.
Song ca cùng ca sĩ SMĐH Ngọc Anh

* Nhà báo- ca sĩ: nghề nào cũng thích

Thường thì người ta hay lấy nghề phụ nuôi nghề chính nhưng Mạnh Hà lại viết báo kiếm tiền thu đĩa… và ra đĩa nhạc. Lạ và hiếm hoi khi giờ đây một chân “đóng đinh” với mỗi số báo hàng ngày, ca sĩ Khôi Minh- nghệ danh của Mạnh Hà âm thầm đeo đuổi con đường ca hát khi không trẻ… (Mạnh Hà sinh năm 1976- cái tuổi bắt đầu chín với một nghề nào đó, hơn là để khởi nghiệp một nghề như ca hát).

Trong tháng 3 và 4 Hà đã trình diễn 2 mini show ấm áp và gần gũi với bạn bè để giới thiệu đĩa hát mới và kỷ niệm ngày mất Trịnh Công Sơn. Đây cũng là dịp thử sức lớn nhất, dài nhất với vai trò một ca sĩ thực sự. Hà hát khá “sung” (còn hát khuyến mãi thêm vài bài) dù trước đó ốm kéo dài cộng với nhiều đêm mất ngủ do hồi hộp.

Con đường đi hát và viết báo của Hà hiện vẫn song hành, chưa nghiêng bên nào. Hát thì cũng là bổ sung cho công việc, cách để thâm nhập thực tế sâu hơn của một nhà báo- Hà nói thế. Dù không biết đó có phải là cách biện minh cho đam mê của mình. Trong khi anh phải tiêu tốn thời gian và gần như tiền thu nhập của nhiều năm để ra đĩa. Hà cho hay: Bây giờ tôi không nghĩ đến khởi nghiệp hay không. Mình có khả năng gì thì nên chia sẻ với mọi người trong điều kiện có thể vì nếu không chia sẻ mình sẽ là người thiệt thòi trước tiên. Vấn đề tuổi tác là một sức ép ở khía cạnh thôi thúc tôi phát huy hết khả năng của mình. Tuổi tác cũng không quan trọng, nhất là đối với người nghe nhạc. Một ca sĩ hát quá lâu có khi đến tuổi 30 cũng mỏi mệt. chỉ có điều, giá mà tôi có thể đảo ngược lại, tức là hát để kiếm tiền còn viết báo là thú vui thì có lẽ hợp lý hơn chăng!? (cười)

Ca sĩ chuyên nghiệp bỏ ra vài trăm triệu làm đĩa là chuyện không có gì… sốc nhưng nhiều người thật sự choáng khi nghe số tiền bỏ ra làm đĩa, dù chỉ... dăm chục triệu của Hà. Trong khi nhuận bút để có được con số đó quả là khó khăn. Kể về chuyện này Hà bộc lộ: Viết báo lấy tiền làm album thời buổi này với tôi là một nghịch lý khủng khiếp. May sự giúp đỡ của bạn bè đã giúp tôi hóa giải nghịch lý này. Ai cũng có thể coi ca hát là cái thú. Nhưng khi đã hát cho mọi người, thì tôi phải bỏ ra nhiều công sức hơn. Lúc đó, nó đã trở thành một công việc. Không gì bằng niềm vui tìm thấy trong công việc.

Bài viết liên quan đến sở thích dễ có cảm xúc mạnh hơn để diễn đạt

Hà chuyên sâu về âm nhạc không chỉ do phân công của báo. Từ sở thích, từ mối quan tâm đặc biệt cho thanh nhạc, tự nhiên Hà đến với âm nhạc và gắn bó. Những bài viết về âm nhạc, những nhận xét đánh giá của một PV chuyên sâu về âm nhạc cần phải có trước mỗi sự kiện nổi bật của năm- Hà đã làm được, đã thể hiện cái nhìn riêng, có kiến thức khá sâu về âm nhạc. Các bài viết được đánh giá cao như: Loạt chuyên đề về âm nhạc 2005: đi sâu vào opera, nhạc tiền chiến, nhạc truyền thống... Hay năm 2008 với bài tổng hợp Nhạc Việt từ A đến Z. Hiện tại là những bài viết thể hiện tính phát hiện ra các tài năng thực sự, những sản phẩm âm nhạc thể hiện cá tính và quan tâm nhiều đến các đề tài truyền thống văn hóa, mặc dù đang bị lép vế như ca trù, chèo, xẩm... Đây là những giá trị của văn hóa Việt trong giai đoạn toàn cầu hóa. Có thể có những bài viết về nhạc cổ điển hay bác học của Phương Tây nhưng theo Hà thì nó đã quá phát triển, có một độ nhàm nào đấy, thậm chí hơi xa xôi so với độc giả, tại sao chúng ta không bảo vệ những giá trị gần với mình.

Để có những nhận định và thông tin theo cả chuỗi sự kiện, Hà nói: “Trước mỗi sự kiện âm nhạc, phóng viên nên có sự chuẩn bị. Thường là có kiến thức về nó rồi. FABBA đến Việt Nam chẳng hạn… ABBA là ban nhạc tôi quan tâm nên đã nghe hầu hết các album và các buổi biểu diễn qua băng đĩa… Khi xem live show của FABBA là có ngay thông tin so sánh, nhận định cho bài viết. (Bài báo của Hà về đêm biểu diễn này được đồng nghiệp đánh giá cao, thực sự đã mang lại một cảm nhận rõ, tinh tế cho người nghe từ những phân tích chuyên nghiệp: giọng hát, âm thanh, cách phối lại các bài hát… những phát hiện mang tính hậu trường của sự việc).
Cùng bạn bè trong minishow giới thiệu album mới
Viết ban đầu từ nhận thức của người hâm mộ. Nếu như quan tâm thực sự trong máu thịt và thông tin có sẵn, chỉ việc xử lý bằng công việc của nhà báo… Một bài viết liên quan đến sở thích dễ có cảm hứng hơn để diễn đạt điều mình suy nghĩ.     

Nghệ sĩ nên chấp nhận nghe nhiều chiều

Mảng văn hóa đôi khi nhạy cảm hơn nhiều mảng khác, nhất là trước bạt ngàn thông tin, bình luận... mà đa phần câu chuyện được bắt đầu từ cảm tính hay cảm nhận của chính người cầm bút. Trước mỗi tác phẩm nghệ thuật hay nghệ sĩ, tuy vẫn có định lượng chung song cảm nhận lệch nhau khá nhiều. Phóng viên viết văn hóa tạo sự cảm nhận chuẩn, đúng với bản chất sự việc hay làm chệch cảm nhận của khán giả?  Điều mà không ít PV băn khoăn, mỗi khi bắt tay vào một bài viết, trong đó có Hà. Và mỗi bài viết đều thể hiện góc nhìn của nhà báo, có thể chỉ là thông tin nhưng cũng có khi có những lời bình gây sốc cho nghệ sĩ. Có không ít lần gây hiệu ứng không hay, một số nghệ sĩ quá nhạy cảm, không khen họ đã cảnh giác. Thực ra khi tung ra một sản phẩm, nghệ sĩ nên mở rộng lòng. Và nhà báo cũng không nên lạm dụng khen chê, càng khách quan càng tốt.

Còn nhớ rất rõ bài viết của Mạnh Hà về ca sĩ Mỹ Linh sau một đêm hát với đầu đề: Sao không hạ nửa “tông” cho Mỹ Linh?

Nếu không chuyên sâu về âm nhạc và thanh nhạc, có lẽ nhà báo khó nhận ra và chỉ đích xác những cú “vấp” của nghệ sĩ. Nhắc lại chuyện này Hà kể lại: Thực ra mình vốn yêu thích giọng hát Mỹ Linh. Theo dõi chị cả chặng đường ca hát thì  gần như có gì sơ suất dễ nhận ra hơn, dễ bị để ý hơn. Ca sĩ hát “tai nạn” là bình thường, báo chí viết về nó cũng bình thường nhưng mình nghe lại, Mỹ Linh đọc bài viết đó tưởng nhà báo không thích, có dụng ý gì… Nhưng ca sĩ hay nghệ sĩ nên chấp nhận nhiều luồng bình luận. Bản thân người cầm bút phải có niềm tin vào những gì mình viết. Chứ không phải vì cảm tình với nhân vật mà đôn họ lên. Trong trường hợp nào, người đọc cũng có quyền biết sự thật để tự rút ra kết luận cho mình.

Nhà báo có bạn là nghệ sĩ không?

Nghệ sĩ vốn cảnh giác với nhà báo... là chuyện thường thấy. Chỉ lạ khi họ thực sự là bạn và công bằng trước mọi ý kiến khen chê, trên cơ sở khách quan... Với Mạnh Hà cũng không ngoại lệ: Ban đầu mình cũng không có ý định chơi thân với các nghệ sĩ. Chỉ có mối quan hệ bài vở vì ngại nếu thân sẽ kém khách quan khi đưa thông tin về họ. Nhưng sau nghĩ lại, tại sao mình lại bỏ phí những người bạn tốt. Ai cũng có thể là bạn nếu chân thành và rạch ròi công việc, tình cảm. Tốt nhất nên chọn những người đầu ngành, những người giỏi nhất trong lĩnh vực đó để chơi... may ra mới không mấy khi phải chê họ (cười). Còn khi viết đặt mình ở khán giả, ở góc khách quan nhất thì sẽ khác, không đưa cái chủ quan của mình, không thích bình luận chỉ mang tính cá nhân, cảm tính mà còn cần có định lượng. Độc giả có đủ năng lực cảm nhận, đánh giá trước sản phẩm của nghệ sĩ, cộng với thông tin nhà báo cung cấp để quá trình cảm nhận thú vị hơn.

Đã là bạn bè, nên rạch ròi giữa nghề nghiệp, chuyên môn và tình cảm. Mình chơi với nhau vì con người, không phải vì công việc... Dường như Hà đã làm được điều đó.
 
Hằng Nga


 
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]