Không nên tẩy chay thịt lợn

Giadinh.net - Cúm lợn có thể lây bệnh cho người thông qua đường hô hấp. Nhưng với thịt lợn sống, người tiêu dùng vẫn có thể yên tâm chế biến mà không lo lây cúm khi tiếp xúc với thịt.

15.6009
>
>
 
TS Nguyễn Văn Thịnh, Trưởng bộ môn Thực phẩm chế biến, Viện Khoa học-Công Nghệ ĐH Bách Khoa khẳng định với PV Báo GĐ&XH sáng 30/4.
 
Thời điểm nhạy cảm này, không nên ngửi thịt lợn sống (ảnh minh họa).
Ảnh: Chí Cường

Việt Nam không có thịt lợn từ Mexico

Trả lời PV Báo GĐ&XH ngày 30/4, TS Nguyễn Thanh Sơn, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) khẳng định: Đến thời điểm này, thịt lợn Mexico (tâm điểm của dịch cúm lợn) chưa từng có mặt ở Việt Nam.
 
Việt Nam có nhập khẩu thịt lợn của Mỹ, nhưng với số lượng hạn chế do giá thịt lợn nhập từ Mỹ khá đắt. Thịt lợn nhập ngoại hiện có ở Việt Nam đa số là từ Brazil và một số quốc gia khác. Tương tự, Phó Cục trưởng Cục Thú y, Bộ NN&PTNT Hoàng Văn Năm cũng cho biết, thịt lợn nhập từ Mỹ vào Việt Nam khoảng vài nghìn tấn/năm cho hai loại lợn giống và lợn thịt.
 

* Thịt lợn Mexico không có ở Việt Nam.

* Không nên ăn nem chua, không ngửi thịt lợn sống.

Tuy nhiên, từ bây giờ, Bộ NN&PTNT sẽ kiểm soát chặt chẽ nguồn thịt lợn nhập khẩu, nhất là từ Mỹ. Cũng theo TS Năm, hiện Cục Thú y đang yêu cầu các chi cục thú y các tỉnh giám sát đàn lợn và những cơ sở giết mổ, lên kế hoạch và phòng chống kịp thời dịch cúm ở lợn.
 
Ông Nguyễn Thái Dũng, Phó Tổng giám đốc siêu thị Big C Thăng Long (Hà Nội) cho biết: Từ cuối năm 2008, siêu thị đã ngừng nhập nguồn thịt gia súc ngoại nhập như thịt bò, thịt lợn do giá cả tăng cao, sức mua giảm. Hiện toàn bộ nguồn thịt lợn đang bán ở siêu thị có nguồn gốc tại Việt Nam.
 
Theo TS Nguyễn Thanh Sơn, Việt Nam chưa từng xuất hiện cúm lợn ở bất cứ thể nào, kể cả với các chủng cổ điển từng xuất hiện trên thế giới. Tuy nhiên, dịch cúm H1N1 lần này diễn biến phức tạp và được xác định lây qua đường hô hấp.
 
Vì vậy TS Sơn khuyên không nên ngửi thịt lợn sống. Với những người trực tiếp tiếp xúc với lợn, nên mang khẩu trang, găng tay, kính. Khu chăn nuôi phải cách xa khu vực người ở để giảm khả năng tiếp xúc giữa người và lợn.

Trước một số thông tin người dân nên đi tiêm vaccine phòng chống cúm, Ths Nguyễn Hồng Hà, Phó Viện trưởng Viện Các bệnh truyền nhiễm và Nhiệt đới Quốc gia cho biết, vaccine phòng cúm thông thường không có tác dụng với chủng A/H1N1 như hiện nay. Trong khi đó, hiện chúng ta chỉ có vaccine phòng cúm mùa thông thường.

Vẫn có thể ăn thịt hộp, lạp xường

 TS Nguyễn Văn Thịnh, Trưởng bộ môn Thực phẩm chế biến, Viện Khoa học-  Công Nghệ ĐH Bách Khoa khẳng định, những chế phẩm từ thịt lợn như: Xúc xích, lạp xường, thịt hộp... cho dù có xuất xứ tại trung tâm của dịch cúm là Mexico vẫn an toàn cho người sử dụng vì khi chế biến, thịt hộp được thanh trùng ở nhiệt độ 1150C, lạp xường được cho một lượng khá lớn natri nên không có khả năng lây bệnh.

Riêng với nem chua, TS Thịnh khuyên người tiêu dùng không nên sử dụng trong thời điểm nhạy cảm hiện nay,  vì nem chua được làm từ thịt sống, ức chế bởi lên men lactic. Tuy nhiên, loại men này có thể kháng lại một số loại vi sinh vật như nấm mốc, lên men nhưng không thể kháng được virus cúm. Đồng quan điểm, TS Nguyễn Thanh Sơn cũng cho rằng, không nên ăn nem chua vì chỉ đun nấu ở nhiệt độ 700C, virus cúm trong thịt lợn mới bị tiêu diệt.

Về công đoạn chế biến thịt lợn như: Rửa thịt, thái thịt, đun nấu... TS Thịnh cho rằng, virus cúm lợn khó có thể lây sang người. Tuy nhiên, TS Thịnh lưu ý người dân nên cẩn trọng vấn đề dùng chung dụng cụ nấu nướng giữa thịt sống và thịt chín như: Dao, thớt, rổ rá đề phòng lây chéo.
 
Trong mỗi gia đình nên có ít nhất 2 con dao và 2 cái thớt chuyên để thái thịt sống và thịt chín, tuyệt đối không dùng lẫn lộn. Sau khi thái thịt sống, người dân nên rửa tay sạch bằng xà phòng. Nếu có dấu hiệu cúm: Sốt, ho, đau họng, buồn nôn thì nên đến cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn và điều trị, tránh biến chứng nguy hiểm.
 

Hạn chế đến chốn đông người

Cục Y tế Dự phòng và Môi trường, Bộ Y tế khuyến cáo: Để phòng tránh cúm lợn trong dịp nghỉ lễ 30/4-1/5, người dân nên hạn chế đi lại những chỗ đông người. Nếu phải di chuyển trên các phương tiện công cộng nên đeo khẩu trang, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và vệ sinh mũi họng.

Triệu chứng cúm lợn

Triệu chứng cúm lợn A/H1N1 có biểu hiện giống như cúm thông thường với các triệu chứng: Sốt, ho, đau họng, đau cơ, nhức đầu, rùng mình và mệt mỏi. Một số người có thể đi ngoài phân lỏng, buồn nôn, nôn. Bệnh có thể nhẹ hoặc rất nặng. Những trường hợp bị viêm phổi nặng có thể dẫn đến suy hô hấp và tử vong.

TS Nguyễn Huy Nga, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng và Môi trường, Bộ Y tế

Mai Thúy

Báo Gia đình và Xã hội cập nhật tin tức trong ngày liên tục, mới nhất

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]