Tôi đi hỏi thì mới biết đó là các thuốc kháng viêm, giảm đau không steroid. Xin bác
sĩ cho biết công dụng của những thuốc này như thế nào? Có tác hại gì không? Để cắt
những cơn đau khớp của ba tôi thì có thể dùng những thuốc nào an toàn?
Nguyễn Thị Ngà (Q.1, TP.HCM)
BS Thái Thị Hồng Ánh - Trưởng khoa Cơ xương khớp BV Nguyễn Tri Phương trả
lời: Người ta chia thuốc kháng viêm không steroid thành hai nhóm: nhóm cổ điển
(diclofenac, ibuprofen, naproxen, aspirin, piroxicam, indomethacin...) và nhóm coxib (nhóm ức chế
chọn lọc COX2, là tác nhân chính trong chuỗi quá trình gây viêm).
Các kháng viêm không steroid cổ
điển chống quá trình gây viêm rất tốt, song đồng thời cũng gây ra một số phản ứng bất lợi như gây
viêm loét dạ dày, đôi khi đưa đến biến chứng nặng như xuất huyết tiêu hóa, thủng dạ dày…
Do đó,
những bệnh nhân có tiền căn viêm loét dạ dày tá tràng, các rối loạn về chức năng gan, thận và đông
máu không được sử dụng nhóm thuốc này vì có thể nguy hiểm đến tính mạng. Ngoài ra, thuốc còn có thể
gây dị ứng hay cơn hen cấp tính nặng cho người có cơ địa dị ứng hay hen suyễn… Càng về sau người ta
càng cố gắng sản xuất những loại thuốc kháng viêm không steroid ít gây tác dụng phụ ở đường tiêu
hóa như celecoxib, etoricoxib…
Nếu xảy ra một cơn đau cấp tính ở một vùng cơ xương nào đó, việc đầu tiên là bệnh nhân nên
nghỉ ngơi, không được cắt lể, uống thuốc tùy tiện. Một số thuốc giảm đau có thể sử dụng trong
một, hai ngày đầu là:
- Paracetamol: Thuốc có tác dụng hạ sốt nhiều hơn là giảm đau. Nhóm thuốc này được sản xuất đa
dạng về chủng loại, phù hợp với nhiều đối tượng như tiêm truyền (chỉ sử dụng tại bệnh viện), viên
nén, nhộng, sủi bọt, kể cả tọa dược (nhét hậu môn). Liều dùng thông thường đối với trẻ em là
15mg/kg, dùng không quá bốn lần trong ngày.
Đối với người lớn, liều dùng từ 500 - 1.000mg (hai
viên), không quá 4.000mg/ngày, có thể chia thuốc ra từ hai-bốn lần trong ngày. Để tăng tác dụng
giảm đau, người ta có thể phối hợp paracetamol với codein, cafein, tramadol… Tuy nhiên, các chất
này có thể gây trạng thái ngầy ngật, buồn ngủ, ảnh hưởng đến khả năng vận hành máy móc, tàu xe…
- Các thuốc bôi ngoài da (không chà xát hay xoa bóp mạnh).
- Thuốc kháng viêm không steroid.
Sau khi nghỉ ngơi và tạm thời uống những thuốc giảm đau thông thường khoảng ba ngày mà không
thấy bệnh thuyên giảm hay chỉ giảm rất ít, bệnh nhân nên đến cơ sở y tế để được thăm khám và xử
trí thích hợp.
Tóm lại: thuốc kháng viêm giảm đau có nhiều tác dụng phụ, không nên sử dụng bừa bãi, nhất là ở
những người có nguy cơ cao như: bệnh nhân trên 60 tuổi, bệnh nhân có rối loạn đông máu, rối loạn
chức năng gan thận, phụ nữ mang thai, đang cho con bú. Khi sử dụng các loại thuốc kháng viêm giảm
đau, không được cố kéo dài thời gian sử dụng thuốc quá năm-mười ngày mà không có tư vấn của thầy
thuốc.
AloBacsi.vn
Theo Phụ nữ online