Kinh nghiệm bảo vệ sức khỏe khi hè về

Mùa hè đến, những bệnh như say nắng, tiêu chảy, viêm mũi - họng, tả, lỵ, thương hàn... thường hay xảy ra.

0
>>

Nguyên tắc phòng ngừa bệnh

Để phòng ngừa các bệnh mùa hè có hiệu quả, chúng ta cần lưu ý:

- Tắm gội hằng ngày, tránh để ngứa ngáy, khó chịu do bụi bặm, mồ hôi ứ đọng, nhất là với trẻ em; thay quần áo mỗi khi bị mưa ướt hay ra nhiều mồ hôi, đặc biệt là đối với những trẻ hiếu động; không để trẻ gãi hay “giết” rôm để tránh làm tổn thương da, nhiễm trùng da.

- Không để quạt điện thổi thẳng vào người vì sẽ dễ bị cảm lạnh; không bật quạt lúc đi nằm sau khi vừa tắm xong; không đột ngột ra – vào phòng có gắn máy điều hòa đang hoạt động để tránh cảm lạnh. Với người bệnh cao huyết áp càng phải thận trọng hơn.

- Chăm lo đến ăn uống vì trong thời tiết nóng bức, cơ thể mệt mỏi, mồ hôi ra nhiều làm mất nhiều muối khoáng (chất điện giải) gây giảm độ toan của dịch vị sinh chán ăn. Khi ăn ít, uống nước nhiều, dịch vị đã ít lại bị pha loãng làm khả năng sát khuẩn giảm sút, vi sinh vật gây bệnh có cơ hội xâm nhập đường tiêu hóa và gây bệnh.

- Nên chú trọng dùng nhiều đồ ăn thức uống có tác dụng thanh nhiệt giải thử, lợi niệu trừ thấp. Về thực vật nên ăn dưa hấu, dưa chuột, dưa gang, dưa bở, dưa lê, cam, quýt, chuối tiêu, trám, mướp đắng, mướp, bầu, bí đao, củ cải, súp lơ, rau đay, mùng tơi, rau dền, củ đậu, mã thầy, ngó sen, cà chua, đậu xanh, đậu đen, bạch biển đậu, xích tiểu đậu, cháo ngũ đậu, cháo ý dĩ, cháo đậu xanh, cháo biển đậu, cháo lá sen, trà nhân trần, trà hoa cúc, trà nụ hoặc lá vối, trà actiso, trà khổ qua.. Về động vật nên chọn thịt vịt, cua, ốc, hến, trai, sò, ngao, hàu...

- Nên tránh hoặc hạn chế dùng các thực phẩm có tính nhiệt như: thịt dê, thịt chó, thịt hoẵng, thịt chim sẻ, long nhãn, vải, hẹ, hành tây, hạt tiêu, nhục quế, gừng, đại hồi, lạc rang, rượu trắng... Những ngày quá nóng bức có thể dùng một chút nước ướp lạnh hoặc nước đá để giúp cơ thể giải nhiệt nhưng không được dùng nhiều để tránh làm thương tổn tỳ vị, tạo điều kiện cho thấp tà gây bệnh bên trong.

- Uống đủ nước khi làm việc hay đi học trong những ngày nắng nóng; đội nón hoặc mũ rộng vành để tránh say nắng.

Đối phó với một số bệnh thường gặp

1. Say nóng, say nắng

Cơ chế gây bệnh chung là do quá nóng gây ra và thường gặp ở những nơi tập trung đông người như công trường, xí nghiệp, hầm mỏ, hầm tàu, nhà máy... Biểu hiện của bệnh này là rối loạn sinh lý, hao hụt nước, sinh tố B, C... (đặc biệt là muối natri clorua).

Nếu bệnh đang ở thể nhẹ, người say nóng, say nắng sẽ rối loạn chuyển hóa nước, tuần hoàn, hô hấp; mất thăng bằng, chóng mặt, buồn nôn... Ở thể nặng, sẽ rối loạn nội tiết, tiêu hóa, cảm giác đắng miệng, ù tai, hoa mắt; cao hơn nữa là ức chế thần kinh trung ương, phù phổi, da xanh tím, mạch nhanh và nhỏ, huyết áp hạ, sùi bọt mép, co giật, hôn mê và rất dễ dẫn đến tử vong.

Khi phát hiện có người bị say nắng, say nóng, phải nhanh chóng đưa nạn nhân về nơi yên tĩnh, thoáng mát, tạo điều kiện cho da thanh thoát, dễ toát mồ hôi, ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý...

2. Các bệnh đường tiêu hóa

Mùa hè nóng bức, thức ăn dễ ôi thiu, nhiều loại vi khuẩn phát sinh, phát triển có thể gây bệnh tả, lỵ, thương hàn, tiêu chảy...

Khi bị tiêu chảy, nôn ói, đau bụng... dù bất cứ nguyên nhân nào cũng phải cho người bệnh uống nước oresol hoặc nước cháo, nước trái cây... Đặc biệt, không nên nhịn uống nước khi bị tiêu chảy, nôn ói.

3. Ngất

Khi nhiệt độ cơ thể tăng cao, mạch máu ngoại biên giãn nở làm tăng lượng máu ở da, nhưng giảm lượng máu lên não gây ngất. Mặt khác khi cơ thể bị mất nhiều mồ hôi sẽ bị mất nước, khối lượng tuần hoàn giảm, lượng máu lên não giảm cũng gây ngất. Để đề phòng ngất, cần tránh ở ngoài trời nắng quá lâu, nếu thấy mệt nên chuyển ngay vào chỗ mát để nghỉ, luôn uống đủ nước.

4. Suy kiệt

Lao động chân tay, luyện tập lâu ngoài trời nắng làm cho cơ thể tiết nhiều mồ hôi dẫn đến bị mất nước, mất muối mà không uống nước đầy đủ rất dễ bị kiệt sức. Muốn phòng tránh cần uống nhiều nước có muối, tốt nhất là pha dung dịch nước oresol để uống.

5. Bỏng nắng (cháy nắng)

Nếu da bị nắng lâu sẽ bị cháy da, sạm da, gây tổn thương da và làm giảm sức đề kháng của da, dễ dẫn đến viêm da và có thể bị ung thư da. Muốn phòng tránh, nên mặc quần dài áo rộng, áo dài tay, tránh để da bị chiếu nắng lâu.
 
 
AloBacsi.vn (Theo Web Phụ nữ)
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]