Kinh nghiệm chọn nấm chất lượng

Sau nhiều thông tin nấm không rõ nguồn gốc, “đội lốt” hàng Việt Nam ngang nhiên bày bán trên thị trường, mặt hàng nấm đang bị nhiều người tiêu dùng tẩy chay.

15.579

CôngThương -Để bạn đọc hiểu rõ hơn về chất lượng của sản phẩm nấm, phóng viên Báo Công Thương trao đổi với ông Nguyễn Xuân Mai- Giám đốc Công ty TNHH Mây tre xuất khẩu Ngọc Động Hà Nam - công ty chuyên trồng; đào tạo, chuyển giao công nghệ cho nhiều hộ nông dân trồng nấm đem lại hiệu quả cao.

-  Hiện nay, mặt hàng nấm trở nên ế ẩm khi người tiêu dùng e ngại nấm xuất xứ không rõ nguồn gốc. Là công ty chuyên sản xuất nấm, ông có thể chia sẻ những kinh nghiệm phân biệt nấm trong nước, nấm nhập khẩu?

Nấm được chia làm hai nhóm chính: Thứ nhất, nấm Việt Nam có thế mạnh bao gồm: Nấm rơm, nấm sò, mộc nhĩ, nấm linh chi, nấm mỡ. Thứ hai, nấm được nuôi trồng trong nhiệt độ lạnh gồm: Nấm kim châm, ngọc châm (nấm hải sản), nấm sò vua (đùi gà), nấm chân dài và một số loại khác. Đa số nấm thuộc nhóm thứ nhất bày bán trên thị trường đều sản xuất trong nước, vì nguyên liệu đầu vào cho sản xuất nấm là sử dụng rơm rạ, thân cây sắn... trong nông thôn sẵn có. Cùng với đó, nuôi trồng những loại nấm đó không cần phải bảo quản lạnh, trồng trong môi trường tự nhiên nên nhiều hộ gia đình có khả năng trồng được.

Đối với loại nấm thứ hai Việt Nam không có nhiều, bởi những loại nấm đó đòi hỏi trồng trong nhà lạnh, bảo quản rất công phu. Đơn cử, như nấm đùi gà, loại nấm này phải trồng trong nhiệt độ từ 14 đến 20 độ; nấm chân dài cũng phải trồng từ 20 đến 30 độ nên chỉ có doanh nghiệp đầu tư hạ tầng quy mô mới đáp ứng được.

Riêng loại nấm kim châm, ngọc châm được bán tràn lan ngoài thị trường hiện nay chủ yếu được nhập khẩu từ Trung Quốc. Loại nấm này phải trồng trong nhiệt độ từ 14 đến 17 độ, trong khi khí hậu Việt Nam thường nóng nhiều hơn lạnh, nên Việt Nam chỉ trồng theo mùa vụ. Nếu như mùa hè, Việt Nam trồng loại nấm kim châm này thì người trồng thu không đủ bù chi, do đầu vào tốn kém. Điều này đã làm cho thị trường nấm cao cấp của Việt Nam đang thiếu trầm trọng nên phải nhập khẩu. Ngoài ra, đối với nấm mộc nhĩ bày bán ngoài thị trường thì Việt Nam trồng được thì sản lượng tiêu thụ chiếm khoảng 80 – 90%, sản phẩm này Trung Quốc không thâm nhập được, thậm chí Việt Nam còn xuất khẩu sang Trung Quốc.

- Với nhiều năm nghiên cứu, chuyển giao công nghệ và là công ty chuyên trồng nấm, ông có lời khuyên gì đối với người tiêu dùng?

Có thể khẳng định, nấm là mặt hàng có nhiều chất dinh dưỡng nên rất tốt cho sức khỏe. Do đó, người tiêu dùng không nên vì một số sản phẩm nấm không rõ nguồn gốc xuất xứ mà quay lưng hoàn toàn với nấm, bỏ qua những sản phẩm chất lượng tốt của người nuôi trồng trong nước.

Tuy nhiên, người tiêu dùng nên lưu ý khi chọn mua nấm, ngoài việc xem xét kỹ bao bì, thông tin nhà cung cấp, nhà sản xuất… cần phải lưu ý đến màu sắc của nấm. Nếu như nấm có màu trắng, không ngả màu vàng, thành túi không bám nhiều hơi nước là nấm mới.

Thông thường, sau khi nấm được đóng gói chỉ sử dụng được trong 1 tuần với điều kiện bảo quản ở nhiệt độ thấp và nhiều nhất cũng chỉ để được tới khoảng 15 ngày là hỏng. Còn với nấm của Trung Quốc xuất khẩu sang Việt Nam bao giờ cũng có chất bảo quản, nên phải để được từ 1 đến 2 tháng, nếu chưa bán hết vẫn không sao.

Bên cạnh đó, nếu nấm để kéo dài quá thời gian cho phép thì mỗi ngày sẽ giảm từ 10 đến 15% chất dinh dưỡng; có thể xuất hiện các loại vi khuẩn gây bệnh và các ký sinh trùng, đặc biệt có những loại độc tố vi khuẩn nguy hiểm.

- Theo ông, sản phẩm nấm nào hiện nay là Việt Nam sản xuất được nhiều nhất và không có chất bảo quản?

Nấm Việt Nam trồng được nhiều nhất vẫn là nấm sò, nấm rơm nên không có chất bảo quản, vì sản xuất ra không đủ bán. Ngoài ra, quy trình sản xuất nấm của Việt Nam còn cũ nên năng suất thấp hơn, nhưng chất lượng lại tốt hơn nấm dùng công nghệ cao. Do đó, những loại nấm này Trung Quốc không xuất khẩu vào Việt Nam.

Trên thị trường đã xuất hiện nấm đùi gà và nấm chân dài nhập khẩu từ Trung Quốc. Người tiêu dùng tinh mắt sẽ phát hiện được, vì nấm Việt Nam nhỏ hơn nấm Trung Quốc, vẫn để lại gốc. Nấm của Trung Quốc đã được cắt bỏ phần gốc.

Xin cảm ơn ông!

Kim Tuyến (thực hiện)

baocongthuong.com.vn

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]