Kinh nghiệm quý của Cần Thơ

Phòng, chống HIV/AIDS là một lĩnh vực ít hấp dẫn cán bộ về làm việc, đặc biệt là cán bộ y tế. Thế nhưng, ở Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS TP. Cần Thơ lại có “bí quyết” riêng để tạo cho mình một nguồn nhân lực tâm huyết, có trình độ.

15.5991

(SKDS)Phòng, chống HIV/AIDS là một lĩnh vực ít hấp dẫn cán bộ về làm việc, đặc biệt là cán bộ y tế. Thế nhưng, ở Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS TP. Cần Thơ lại có “bí quyết” riêng để tạo cho mình một nguồn nhân lực tâm huyết, có trình độ. Việc tạo được nguồn nhân lực này đã góp phần quan trọng đưa Cần Thơ nhanh chóng thoát khỏi “top” 10 tỉnh có số người nhiễm HIV/100.000 dân cao nhất toàn quốc và nhiều kết quả đáng ghi nhận khác. Để tìm hiểu rõ thêm về vấn đề này, PV báo SK&ĐS đã có cuộc trao đổi với BS. Lại Kim Anh, Giám đốc Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS TP. Cần Thơ.

Phóng viên (PV): Tạo nguồn nhân lực cho phòng, chống HIV/AIDS là việc không dễ dàng. Vậy bác sĩ có thể chia sẻ về công việc khó khăn này và bí quyết sử dụng nguồn nhân lực của trung tâm trong thời gian vừa qua?

BS. Lại Kim Anh: Khi thành lập Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS, vấn đề nhân lực rất thiếu, đặc biệt là không thu hút được người có chuyên môn y tế về làm việc. Chúng tôi phải kêu gọi những người được đào tạo cơ bản từ y sinh nhưng có tâm huyết với công tác phòng, chống HIV/AIDS, rồi sau đó động viên các em đi học. Đối với những người là nhân viên chính thức thì lấy nguồn kinh phí của trung tâm để gửi các em đi học bổ túc y tế công cộng, còn lại động viên các em tự bỏ tiền. Sau khi được đào tạo 3 tháng, cách làm việc của các em được chuẩn hóa dần dần.

 BS. Lại Kim Anh, Giám đốc Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS TP. Cần Thơ.

Không chỉ dừng lại ở đó, bằng sự nhiệt huyết của các em, trung tâm lại tiếp tục động viên họ phải học lên nữa, chuyên về y tế công cộng. Phải nói là các em đã rất nỗ lực, quyết tâm nên tất cả các em ôn thi đều đỗ. Và rất may lúc đó chúng tôi được Ngân hàng Thế giới (WB) tiếp nhận tài trợ cho 3 em. Đến nay cả 3 em đã tốt nghiệp thạc sĩ y tế công cộng từ nguồn của WB.

Ngoài việc đào tạo thạc sĩ, đối với những người gắn bó lâu năm đều được đào tạo lên đại học. Hiện trung tâm có 2 cán bộ từ trung cấp học lên cử nhân về xét nghiệm để đảm bảo cho việc xét nghiệm liên quan đến HIV/AIDS. Có 4 cán bộ được đào tạo từ trung cấp y dược để trở thành cử nhân y tế công cộng... Phải nâng cao trình độ cán bộ mới đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ.

Từ tính tự nguyện, nhiệt huyết cộng thêm được trang bị kiến thức cơ bản, rồi được bố trí vào những vị trí thích hợp, các em đã cố gắng phát huy hết khả năng của mình.

PV: Tạo được nguồn nhân lực có tâm huyết, có chất lượng đã góp phần không nhỏ vào kết quả hoạt động phòng, chống HIV/AIDS của thành phố thời gian qua. Xin BS cho biết rõ hơn về kết quả này?

BS. Lại Kim Anh: Có thể nói rằng, nguồn nhân lực đã đóng góp rất quan trọng trong công cuộc phòng, chống HIV/AIDS của thành phố. 5 năm trở lại đây, các hoạt động, chương trình phòng, chống HIV/AIDS của thành phố được Trung ương, các tổ chức quốc tế, các chuyên gia... đánh giá có chất lượng hơn. Bằng chứng là các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS ngày càng mở rộng, hiệu quả đưa Cần Thơ ra khỏi 10 tỉnh/thành phố có số người nhiễm HIV/100.000 dân cao nhất cả nước; liên tục giảm số nhiễm mới HIV hàng năm; giảm số người chuyển sang AIDS và giảm số bệnh nhân tử vong do AIDS. Năm 2006-2007, Cần Thơ có khoảng 300 trường hợp tử vong do AIDS/năm thì đến hiện nay con số này chỉ còn khoảng 50 trường hợp. Như vậy, chúng tôi tự hào để nói rằng công cuộc phòng, chống HIV/AIDS ở Cần Thơ mỗi năm đã giúp cho 250 bệnh nhân không phải tử vong do AIDS. Cần Thơ cũng là một trong hai tỉnh được chọn thí điểm điều trị HIV 2.0...

PV: Vậy khó khăn lớn nhất trên địa bàn thành phố trong công tác phòng, chống HIV/AIDS là gì?

BS. Lại Kim Anh: Với hơn 20 năm chúng ta làm công tác phòng, chống HIV/AIDS mới có thể khống chế được dịch, còn bây giờ định hướng của mục tiêu thiên niên kỷ đến năm 2015 là hướng tới “ba không”. Như vậy khó khăn trong thời gian tới là rất lớn. Trong đó thách thức đầu tiên phải kể đến là nguồn lực. Những năm qua Cần Thơ có đủ nguồn lực đầu tư, mà 85% nguồn lực đó là do các chương trình dự án tài trợ, trong khi đó nguồn lực này sẽ giảm dần và hết trong nay mai. Vậy làm sao giữ vững được hiệu quả và tốt hơn nữa những thành quả mà chúng ta đã làm, đang làm và sẽ làm. Hơn nữa, nguồn thu nhập của cán bộ làm công tác phòng, chống HIV/AIDS còn thấp nên khó thu hút được các nguồn nhân lực mà chúng ta mong muốn là có chất lượng cao để gắn bó với công tác phòng, chống AIDS.

PV: Được biết trong thời gian qua, WB đã giúp Cần Thơ trong việc phòng lây nhiễm HIV thông qua việc trao đổi bơm kim tiêm và phát bao cao su... Đến cuối năm nay thì dự án WB sẽ kết thúc. Vậy, để duy trì công tác phòng, chống HIV hiệu quả và bền vững, địa phương đã có ứng phó với vấn đề này như thế nào?

 Một điểm cung cấp bơm kim tiêm cố định do WB tài trợ nhằm làm giảm lây nhiễm HIV trong nhóm nghiện chích ma túy.  Ảnh: TH

BS. Lại Kim Anh:

Không phải khi dự án WB kết thúc thì chúng ta mới tính tới việc ứng phó như thế nào. Trong bối cảnh chung khi nguồn tài trợ sẽ giảm dần thì Cần Thơ cũng phải tính toán giữa nguồn lực hạn chế mà làm sao vẫn triển khai tốt các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS.

Chúng tôi đã có báo cáo với UBND thành phố, Sở Y tế và với sự trợ giúp của các chuyên gia quốc tế đã xây dựng kế hoạch 5 năm tới cho Cần Thơ và định hướng tầm nhìn tới năm 2030 trong đó phân tích kỹ lưỡng về nhu cầu nguồn lực của giai đoạn 2011-2015, thiếu hụt bao nhiêu và đề xuất những giải pháp để bù đắp nguồn lực thiếu hụt trên cơ sở xã hội hóa, tăng cường đầu tư nguồn lực từ chính nỗ lực của từng địa phương.

Không phải chỉ có kiến nghị nguồn ngân sách Trung ương tăng tỷ trọng đầu tư mà chúng tôi cũng kiến nghị tuyến thành phố, tuyến quận, huyện, xã, phường cũng phải ưu tiên cho công tác phòng, chống HIV/AIDS. Tuy nhiên, lộ trình để tăng cường đầu tư cũng phải dần dần, không phải một sớm một chiều nhất là trong điều kiện đang khó khăn như hiện nay.

Chúng tôi phải tính tới cả việc triển khai những dịch vụ hiệu quả mà chi phí thấp hơn,  lồng ghép tất cả các dịch vụ vào hệ thống y tế hiện hành. Sử dụng nguồn nhân lực được đào tạo giỏi một việc nhưng biết được nhiều việc để có thể lồng ghép tất cả các hoạt động một cách nhuần nhuyễn hơn... để giảm chi phí vận hành, chi phí về nhân lực và tiết kiệm thời gian đi lại cho bệnh nhân.

PV: Xin cảm ơn bà Giám đốc!

Thu Hương (thực hiện)

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]