“Kinh nghiệm” tiết kiệm từ bà xã tôi

Đồ ăn thức uống ngày càng đắt, đồng tiền ngày càng rẻ, trong khi lương mãi mới tăng tí tẹo. Vợ chồng tôi hô hào nhau tiết kiệm, nhưng túi tiền cứ như bị thủng, nhiều tháng bị nợ, dự báo tình trạng… nợ xấu! Làm sao đây?

0
Khó khăn thì mặc khó khăn, cứ đến bữa cơm là cả nhà tôi chuyện trò rôm rả, bà xã tôi góp phần khá xôm vào cái sự rôm rả ấy. Nhưng mới hôm qua, khi mọi người ngồi quanh mâm cơm, bà xã tôi cầm đũa chỉ vào từng đĩa: “Cải bắp hôm nay lại tăng giá, hôm trước mười ngàn một ký, hôm nay lên 12 ngàn”. Đũa trỏ sang đĩa tôm rang: “Tuần trước 12 ngàn một lạng tôm to hơn, hôm nay tôm nhỏ, chả được tươi mà những 14 ngàn…”. Tưởng đã dừng, nhưng đũa bà xã lại trỏ sang đĩa đậu rán: “Mọi hôm đậu sốt cà chua hay kho thịt ba chỉ, hôm nay phải “giảm chi”, rán lên thôi”. Tôi muốn bà xã dừng lại: “Thôi được rồi, bắt đầu được rồi chứ?”. Nhưng nào đã thôi! “Mà nước mắm hôm nay là nước mắm mua cả can 2 lít ăn dần, chả dám nước mắm cá cơm. Bao nhiêu độ đạm chả biết, cứ mặn mặn là được…”.
 

Mọi người bưng bát và mời nhau. Sau lời “công khai minh bạch” giá cả của bà xã, tôi thấy món nào đưa vào miệng cũng thấy đắng đắng, chát chát, nhưng tôi cứ phải “ ngậm… đắng chát làm ngọt”. Bà xã tôi chưa dừng, không nói về giá cả nữa, bà ấy nói về việc cò kè mặc cả khi mua: “Định mua chỗ tôm còn nhảy tanh tách, nhưng “nó” hát giọng cao quá, đành sang món tôm này. “Nó” cũng hét không thấp. Mặc cả mãi, lại giả vờ bỏ đi, không thèm mua nữa xem mày còn làm cao nữa không! Nhưng đi chục bước chả thấy nó gọi lại, đành quay lại mua vậy. Lúc cân, cái kim nhích quá số tí tẹo “nó” cũng nhón bớt ra mấy con, lại nhón tiếp một con nữa…”. “Ối giời, em vất vả quá. Thảo nào ăn con tôm hôm nay chát chát thế nào ấy!”. Tôi nói thế, muốn cho bà xã tôi chuyển chủ đề, nhưng không! Chủ đề vẫn còn tiếp: “Đến lúc tính tiền, bảo bớt một ngàn chỗ lẻ, nó nhất quyết không, chị không mua thì tôi bán cho người khác. Gớm nữa!”. Cái chủ đề của bà xã tôi coi như chiếm toàn bộ bữa ăn. Khi mọi người đứng dậy, đĩa đậu rán còn non nửa, đĩa tôm còn một phần. Bát nước mắm rót ít mà vẫn không hết. Đĩa rau luộc còn mấy cọng, tôi gắp nốt cho gọn. Cơm trong nồi còn đến gần một suất ăn. Bà xã tôi thu quén phần thức ăn thừa: “Mai sẽ nấu bớt đi để bữa nào gọn bữa ấy”. Bà xã tôi nói câu kết luận.

Bữa hôm sau, hôm sau nữa, bà xã tôi diễn lại chủ đề giá cả, mua bán các món ăn. Nhưng cuối bữa không món nào thừa vì liều lượng món nào cũng đã được rút bớt, mà ai cũng không thấy muốn ăn thêm. Cuối tháng, không thấy bà xã tôi kêu thiếu tiền. Chiêu tiết kiệm của bà xã tôi có hiệu quả trông thấy mà qui trình lại giản đơn, dễ áp dụng. Chả như các “sáng kiến kinh nghiệm” ở cơ quan tôi về cải tiến lề lối công tác, nghe toàn những khái niệm, từ ngữ, lý luận to tát mà chả thấy có hiệu quả kinh tế gì, lại còn tốn giấy mực, tiền thù lao xét duyệt và tiền thưởng.

Bạn đọc muốn áp dụng kinh nghiệm của bà xã tôi, xin cứ tự nhiên, chúng tôi không yêu cầu thù lao bản quyền.

Theo Văn Tiếu
Tuổi Trẻ Cười

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]